Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhà Trắng ngày 7/1 đã đề xuất các nguyên tắc định hướng đối với các hoạt động phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhà Trắng tại Washington D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo văn bản được công bố, Nhà Trắng cho rằng với trọng tâm là xây dựng khung quy định linh hoạt hơn, các cơ quan liên bang cần phải tiến hành đánh giá rủi ro và phân tích lợi ích chi phí trước khi có hành động điều chỉnh đối với AI.
Đề xuất trên được đưa ra tại thời điểm nhiều công ty đang chạy đua để tích hợp AI và học sâu vào các doanh nghiệp của họ để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, công nghệ này lại làm tăng mối quan ngại mang tính đạo đức về kiểm soát, quyền riêng tư, an ninh mạng và vấn đề tương lai việc làm.
Theo chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, các cơ quan liên bang nên củng cố AI đáng tin cậy và phải xem xét các yếu tố công bằng, công khai, minh mạch, an toàn và an ninh.
Nhà Trắng lấy Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ làm ví dụ điển hình, theo đó cho biết cơ quan này đang xem xét cách điều chỉnh việc sử dụng AI và công nghệ máy học của các nhà sản xuất thiết bị y tế. Theo Nhà Trắng, cách thức tốt nhất để ngăn chặn tình trạng sử dụng AI quá đà là đảm bảo Mỹ và các đối tác quốc tế tiếp tục là trung tâm đổi mới toàn cầu.
Năm ngoái, nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Liên minh châu Âu về AI cũng đã đưa ra một bộ hướng dẫn đạo đức, trong khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đang xem xét đưa ra hành động pháp lý.
Hiện nhiều bang của Mỹ đã bày tỏ quan ngại về các ứng dụng AI. Cơ quan lập pháp bang California tháng 9/2019 đã thông qua lệnh cấm 3 năm đối với cơ quan thực thi pháp luật của tiểu bang và địa phương, theo đó cấm sử dụng máy quét cơ thể có phầm mềm nhận dạng khuôn mặt. Đây là phần mới nhất của công nghệ bị đánh giá là đe dọa đối với sự tự do của công dân. Một số thành phố của Mỹ cũng đã bỏ phiếu cấm các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Một nghiên cứu năm 2018 của cơ quan tư vấn PwC cho biết 30% việc làm trên toàn thế giới sẽ được tự động hóa vào giữa những năm 30 của thế kỷ 21, trong đó có 44% là việc làm có trình độ thấp. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tự động hóa có thể tăng khoảng 15.000 tỷ USD giá trị Tổng sản phẩm toàn cầu vào năm 2030.
Nguồn TTXVN