Cùng với quá trình phát triển của khu công nghiệp, để đáp ứng nhu cầu tạm trú của công nhân, những năm gần đây dịch vụ nhà trọ ở xã An Tịnh (Trảng Bàng) phát triển rất nhanh. Theo số liệu của ngành chức năng và chính quyền địa phương, tính đến cuối tháng 5.2011, trên địa bàn xã An Tịnh có 525 cơ sở kinh doanh nhà trọ, với tất cả 5.725 phòng. Hiện có 19.739 người đăng ký tạm trú tại các cơ sở nhà trọ này. Trong hai năm qua giá cho thuê phòng trọ ở xã An Tịnh không tăng. Đến nay, nhìn chung hệ thống nhà trọ ở xã An Tịnh “cung đã vượt cầu”, nên người có nhu cầu tạm trú có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc chọn thuê nhà trọ theo ý muốn của mình.
|
Quản lý nhà trọ, công an viên xã An Tịnh (từ phải qua) thăm hỏi người ở trọ |
Giá cho thuê phòng trọ không tăng
Đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình, bằng nồi cơm điện và xào nấu thức ăn trên bếp ga, bà Nguyễn Thị Lợi, 52 tuổi, quê ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vui vẻ cho biết, bà rời quê hương, cùng với hai vợ chồng người con trai lên Khu Công nghiệp Trảng Bàng từ tháng 8.2009. Gia đình bà thuê một phòng trọ của cơ sở nhà trọ Lạc Văn Ký (ở ấp An Bình) để ở cho đến nay. Mức thuê phòng lúc ấy là 500.000 đồng/tháng. Tiền điện, nước chủ nhà trọ tính riêng theo mức tiêu thụ hằng tháng của gia đình bà. Từ đó đến nay, chủ nhà trọ vẫn tính giá thuê phòng như trước. Tháng vừa qua, gia đình bà vẫn trả tiền phòng 500.000 đồng; tiền điện, nước là 118.000 đồng, tổng cộng là 618.000 đồng. Hằng ngày bà Lợi ở nhà lo cơm nước, giặt giũ cho cả gia đình, thời gian còn lại thì xem truyền hình. Con trai và con dâu bà Lợi đi làm công nhân trong khu công nghiệp, mỗi tháng chỉ có thu nhập của vợ chồng người con, trong khi vật giá leo thang, nên cuộc sống gia đình bà có chật vật hơn trước. Tuy nhiên so với ở quê, cuộc sống của gia đình bà ở khu công nghiệp này “khoẻ” hơn rất nhiều. Ở phòng trọ cũng thoải mái. Ngoài phần trệt, trong phòng còn có gác lửng, có chỗ nấu ăn, có nhà vệ sinh… sinh hoạt hằng ngày của ba mẹ con bà khá thuận tiện. Bà Lợi chưa có ý định về quê và cũng không tính đến chuyện chuyển đến nhà trọ khác. Bà Lợi chỉ mong Nhà nước có biện pháp kiềm chế giá cả, đừng để tăng cao nữa, nếu tăng nữa thì cuộc sống gia đình bà cũng như nhiều công nhân nghèo khác trong các khu nhà trọ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Điền Sản, người quản lý cơ sở nhà trọ Lạc Văn Ký cho biết, cơ sở nhà trọ được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2009. Lúc mới xây dựng chỉ có 60 phòng nay đã tăng lên 120 phòng. Mỗi phòng có diện tích hơn 15m2 (4m x 3,8m) và có gác bên trên. Mỗi phòng ở được tối đa 4 người. Từ trước đến nay cơ sở cho thuê phòng chỉ có một giá là 500.000 đồng/tháng. Mỗi phòng có gắn đồng hồ điện riêng, tính theo giá quy định của ngành điện lực. Ngoài ra cơ sở có tính thêm tiền nước xài trong mỗi phòng. Hiện nay hầu hết các phòng trọ của cơ sở này đều có người thuê. Trong đó có nhiều hộ gia đình ở từ khi cơ sở mới hoạt động cho đến nay. Ông Sản cho biết thêm, sở dĩ nhà trọ không tăng giá thuê phòng, một phần là vì thấy đời sống công nhân còn nhiều khó khăn, một phần là để giữ khách trọ, nếu tăng cao hơn nơi khác khách sẽ tìm đến cơ sở khác.
Về phía chính quyền địa phương, lãnh đạo xã An Tịnh cho biết, tuỳ theo chất lượng của các phòng trọ, chủ cơ sở cho thuê với mức thấp nhất là 300.000 đồng/phòng và cao nhất là 500.000 đồng/phòng (chưa tính tiền điện). Để giảm bớt khó khăn cho những người có thu nhập thấp trong các nhà trọ, thời gian qua, chính quyền địa phương vận động các chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng. Đến nay tất cả các cơ sở nhà trọ trên địa bàn xã An Tịnh vẫn giữ mức giá cho thuê từ năm 2009.
Cung đã vượt cầu
Anh Trần Văn Hiếu, ở ấp Suối Sâu, xã An Tịnh cho biết, anh đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây 8 phòng trọ cho thuê từ năm 2006 đến nay. Lúc mới hoạt động anh cho thuê giá 250.000 đồng/ phòng (dành cho 4 người ở). Đến năm 2008, anh tăng 300.000 đồng/phòng và từ đó đến nay giá vẫn không thay đổi. Từ lúc xây dựng đến nay, ít khi nào anh cho thuê hết 8 phòng. Từ tháng 10.2010 đến nay anh chỉ cho thuê được có 2 phòng, còn lại 6 phòng bỏ không. Có lẽ là do anh ít vốn, nên đầu tư cho phòng trọ không cao. Một phần do cơ sở nhà trọ của anh hơi xa khu công nghiệp, nên ít có người thuê. Chính vì vậy mà đến nay anh Hiếu vẫn chưa thu hồi vốn. Theo anh Hiếu, trong cơn bão giá như hiện nay, không chỉ công nhân ở trọ gặp khó khăn, mà người làm dịch vụ cho thuê nhà trọ như anh cũng gặp không ít khó khăn.
|
Nhà trọ ở An Tịnh đáp ứng đầy đủ nhu cầu ở trọ của công nhân |
Hiện nay ở xã An Tịnh có 525 cơ sở kinh doanh nhà trọ, với 5.725 phòng trọ. Số người đăng ký tạm trú tại các nhà trọ là 19.739 người (chưa tính công nhân ở nhà trọ do các công ty xí nghiệp xây dựng trong Khu Chế xuất Linh Trung III). Nếu tính bình quân mỗi phòng tối đa cho 4 người ở, thì hiện nay ở xã An Tịnh còn dư ra hơn 790 phòng trọ. Tuy nhiên trên thực tế thì không dư nhiều phòng như thế, vì đa số các phòng trọ chỉ tạm trú từ 2 đến 3 người, chỉ tập trung những người độc thân đồng giới, cùng quê, số phòng ở đến 4 người rất ít. Để thu hút được khách hàng, các chủ nhà trọ cũng đang cạnh tranh nhau về giá cả, về chất lượng phòng trọ. Đây cũng là cơ hội tốt cho những người có thu nhập thấp lựa chọn chỗ ở ưng ý. Nếu cơ sở nhà trọ nào giá cả phải chăng, tiện nghi sinh hoạt thoải mái thì công nhân tìm đến, còn ngược lại thì khách trọ sớm chia tay chủ nhà trọ.
Ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch UBND xã An Tịnh cho biết, về vấn đề nhà trọ cho công nhân, hiện nay ở xã An Tịnh có những cái được lớn: Ngành điện lực quan tâm định mức cho các cơ sở nhà trọ theo mức mỗi phòng trọ (cho 4 người ở) là 100 kWh/tháng, với giá thấp nhất theo quy định hiện nay (khoảng 1.230 đồng/kWh); tất cả các chủ nhà trọ ở xã không tăng giá thuê phòng; số phòng trọ đang vượt xa số người có nhu cầu thuê phòng trọ, giúp cho người công nhân có nhiều cơ hội thuê phòng trọ theo ý thích của mình.
D.H