Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khác với không khí im ắng ngày thường, những ngày kề cận Tết Nguyên đán, các vườn mai ở ấp Bến Kéo (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng nói cười, tiếng lặt lá sột soạt của những người lặt lá mai.
Từ giữa tháng Chạp, các chủ vườn mai ở làng mai Bến Kéo luôn phải huy động tổng lực gia đình hoặc thuê nhân công lặt lá mai để kịp cho cây ra nụ đúng dịp Tết. Đối với những người trồng mai, thời điểm lặt lá cho cây hết sức quan trọng, là quyết định thành, bại của cả một năm chăm sóc.
Lặt lá mai cho nhà vườn.
Cô Võ Thị Kim Ngưng, chủ vườn một vườn mai ở ấp Bến Kéo cho biết: “Với hơn 400 gốc mai, năm nay chúng tôi thuê gần 20 nhân công lặt lá trong ba ngày 14, 15, 16 tháng Chạp mới có thể lặt hết vườn mai. Tuỳ theo cây nụ nhỏ hay to mà lặt sớm hay trễ chút. Sớm một ngày hay trễ một ngày cũng rất quan trọng”.
Với mức phí 200 ngàn đồng/ngày công/1 người, cô Ngưng ước tính số tiền thuê công lặt lá khoảng hơn 8 triệu đồng. Theo cô, công lặt mai năm nay cao hơn năm ngoái khá nhiều, trong khi năm vừa rồi công lặt chỉ 160 ngàn đồng/ngày. “Công việc tuy ít ngày nhưng do rộ cùng ngày nên nếu trả công thấp hơn những chỗ khác thì sẽ khó thuê được người lặt cho mình”- cô Ngưng nói.
Cách nhà cô Ngưng không xa là vườn mai của anh Lê Thiện Tài (sinh năm 1985). Hiện vườn mai này có khoảng 400 gốc, trong đó có 30 gốc mai ghép 12 cánh. Theo anh Tài, mai ghép khó lặt lá hơn mai thường vì có thân, nhánh hơi giòn, cộng với loại mai này ra nụ chậm hơn so với mai nguyên thuỷ. Do đó, từ ngày 11 đến 13 tháng Chạp, anh cùng người nhà tự lặt 30 cây mai này để đảm bảo thân cây nguyên vẹn và hoa đúng Tết. Những gốc còn lại thì anh thuê nhân công lặt trong hai ngày 15 và 16 tháng Chạp.
Anh Tài tính toán, việc thuê công lặt lá mai hết vườn tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng tiền công, với mức phí 20 ngàn đồng/ giờ cho 20 nhân công.
Vào dịp đặc biệt này, nhiều người dân ở ấp Bến Kéo, từ thanh niên cho đến người già, trẻ nhỏ đều tranh thủ đi lặt lá mai thuê kiếm tiền. Cả đợt lặt lá mai, người thạo việc có thể kiếm từ 1-3 triệu đồng, người không thạo việc cũng kiếm hơn 1 triệu đồng. Do ngày lặt lá mai năm nay rơi vào cuối tuần nên nhiều trẻ em trong ấp cũng tranh thủ theo ba mẹ đi lặt lá thuê, kiếm thêm ít tiền cho gia đỉnh mua sắm tết.
Hai đứa con của chị Hạnh theo mẹ lặt lá mai trong ngày cuối tuần.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh dẫn theo hai con trai nhỏ đi lặt lá mai chia sẻ: “Việc lặt lá mai không quá vất vả nên tôi dắt hai con trai nhỏ theo để các con lặt phụ, nhà vườn trả công cho hai cháu bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu”. Ngoài hai đứa nhỏ theo phụ, chị Hạnh còn có một con gái lớn năm nay 15 tuổi cũng đi lặt lá mai cho các nhà vườn trong ấp. Với việc làm thời vụ ngắn ngủi này, chị và 3 con cũng kiếm được số tiền kha khá để chuẩn bị cho gia đình ăn tết.
Nhìn việc lặt lá mai khá đơn giản, dễ làm nhưng đòi hỏi cũng cần có kỹ thuật. Ông Trần Văn Thường (69 tuổi) có kinh nghiệm lặt lá mai nhiều năm cho biết: “Lặt lá mai cần phải có tính cẩn thận nhưng cũng phải đảm bảo tốc độ lặt mới có thể kịp tiến độ. Lặt lá mai không được để gãy nụ hoa, tét cành; đặc biệt là không được đè cành xuống lặt mà phải bắc thang, vì nếu làm như vậy, cây mai sẽ bị mất dáng, mất nụ, hoa nở ít khó mà bán được. Lặt thuê nhưng cũng phải kỹ lưỡng như mình lặt lá mai cho nhà mình vậy”.
Lặt lá mai là công đoạn quan trọng để chuẩn bị mai bán Tết, vì vậy các nhà vườn cân nhắc rất kỹ trong việc lặt lá, chăm sóc mai sau khi lặt. Thời điểm này, các nhà vườn đều theo dõi sát dự báo thời tiết để có thể ứng phó kịp thời.
Theo anh Lê Thiện Tài, thời tiết năm nay khá ổn định, ít mưa nên dự đoán mai sẽ bung nụ đều hơn Tết năm ngoái.
Ngọc Bích – Lê Thuỳ