BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà xưa, phố cũ ven rạch Tây Ninh

Cập nhật ngày: 10/01/2012 - 11:51

Nhiều người yêu mến Tây Ninh từng đặt câu hỏi: - Tây Ninh có phố cổ hay không, mà trông nhiều chỗ thấy hao hao phố cổ Hội An hay 36 phố phường Hà Nội. Thật không dễ trả lời! Bởi vì nói có cũng không sai, mà nói không cũng thật nhiều lý lẽ.

Rạch Tây Ninh - Cầu Quan 1931

Nói có, vì quả thật đã từng có con phố hình thành từ ít ra là trên 100 năm trước. Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết từng ngôi nhà trong phố ấy, thì những ngôi nhà thật sự cổ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Ví dụ, người ta có thể kể ra: - trên đường Phan Châu Trinh có chùa Vĩnh Xuân xây năm 1871. Ngay cạnh bên là ngôi nhà cổ của quan Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên, xây xong năm 1897. Bên đường Nguyễn Đình Chiểu cũng có ngôi nhà cổ, số nhà 37 của ông Trần Trọng Kim và bà Tạ Thị Hạng. Nhà này gốc của vợ chồng bà Trần Thị Bền, một thương gia giàu có của làng Thái Bình xưa, sau để lại cho con là ông Trần Văn Chiếu. Ông Kim là con thứ 10 của ông Chiếu, được giao giữ gìn và sử dụng ngôi nhà- nay ông cũng đã mất, chỉ còn lại vợ và một người con thừa kế. Theo trí nhớ của bà Hạng về những lời cha ông truyền lại, thì ngôi nhà này cũng được xây từ đầu thế kỷ 20, đến năm 1925 thì bà Bền giao lại cho ông Chiếu. Dọc phố Nguyễn Đình Chiểu mà trước đây từng có ngôi chợ Cá, có từ thời thuộc Pháp; chắc chắn là đã từng có một phố cổ sầm uất đông vui vì đấy chính là nơi “trên bến dưới thuyền”. Đầu phố có con rạch Tây Ninh thơ mộng hiền hoà chan chảy, đưa những tàu thuyền từ lục tỉnh Nam kỳ ngược sông Vàm Cỏ Đông tìm đến bán buôn. Đầu phố kia có toà công sở của xã Thái Hiệp Thạnh, nên phía ấy được mở rộng ra như một quảng trường.

Cầu Quan trước năm 1975

Vậy mà nay có tìm mỏi mắt cũng chỉ còn thấy độ dăm ngôi ngói cũ, nghiêng nghiêng dốc đổ xuống mặt đường. Đa số nhà còn lại đã được xây sửa lại thành những căn hai tầng, phía trước có cửa sắt xếp, ban công tầng trên, mái đón, sẽ nô trên mái, lợp bằng tôn thiếc- một kiểu kiến trúc khá phổ biến trong những năm trước 1975. Ấy thế mà chỉ với dăm ba mái nghiêng ngói cũ thâm nâu như thế vẫn có thể hình dung ra một thời phố cổ ngày xưa. Tình hình tương tự, sẽ còn thấy ở bên trục đường chính chạy ngang qua cầu Quan, nay gọi là đường Cách Mạng Tháng Tám. Nếu khác, chỉ là nhà xây sửa ở đây thường cao hơn, có ngôi tới 3- 4 tầng nhà. Một con phố khác cũng có thể có gốc gác từ phố cổ chính là đường ở ngay mé sau căn nhà cổ số 37 đường Nguyễn Đình Chiểu. Tên mới của phố ấy là Ngô Gia Tự, còn tên cũ là Huỳnh Văn Lại từng có những quán cháo vịt nổi tiếng hồi thập niên trước nhưng nay không còn nữa. Cụ Lý Bách Niên, một người gốc Hoa sống ở đây cho biết, đoạn phố giáp rạch này trước đây có 3 ngôi nhà của người gốc Hoa có thể liệt vào nhà cổ. Một là của ông Nghiêm Sanh, gốc Quảng Đông, nay đã sập nên đã phải xây mới lại hoàn toàn. Hai ngôi còn lại đều có cấu trúc kiểu nhà ống bề ngang 4,3 mét, một là của bác sĩ Thọ, người Minh Hương gốc Hẹ cũng đã được bán cho người khác. Chủ nhân đâu không rõ nên suốt ngày cửa khoá. Cách khoảng 2 căn nữa về phía rạch là căn của tiệm vàng Vạn An, cũng là một ông chủ gốc Hoa. Ngôi nhà này đã được bán sang tay chủ khác cách nay một năm và đang được xây sửa, nâng cấp lên cho phù hợp với đời sống hiện đại. Theo cụ Niên, cả hai ngôi trên đều đã tuổi trăm năm.

Phố Nguyễn Đình Chiểu

Bên bờ Đông rạch Tây Ninh cũng còn một con đường Trần Hưng Đạo từng có một không gian phố cũ nhà xưa. Mặc dù nhiều ngôi nhà ngói cũ đã được dỡ đi sau các lần giải toả mở rộng đường, nhưng vẫn còn đây một vài ngôi ghi đậm dấu tích kiến trúc 100 năm trước. Đó là ngôi nhà ngói cổ ở phía Bắc cầu Quan, không rõ lý do gì mà trở nên vô chủ và hoang phế đã nhiều năm, nay chỉ còn lại bộ khung sạm nâu rời rã. Ngôi nhà khá nhất, còn tỏ vẻ cứng cáp nhất chính là toà nhà Thư viện Tây Ninh cũ, xây dựng xong năm 1914. Cỏ hoang dây leo đã trùm kín chung quanh, nhưng toà nhà to lớn gần 300m2 diện tích này vẫn gắng gỏi vươn lên với bộ mái to lớn phẳng phiu trùm lên những tấm tường, ô cửa có phong cách biệt thự Pháp thời thuộc địa. Nay đã có một toà nhà mới xây còn cao to hơn ở phía sau, làm toà Thư viện đã mất đi chút ít vẻ đường bệ, oai phong.

Nói tóm lại, dù phố cổ (hay phố cũ) vẫn còn, nhưng nhà cổ ngày càng ít đi và có nguy cơ biến mất. Bên bờ Đông rạch Tây Ninh đối diện hoặc cận kề những khu phố ấy, nay mai sẽ trở thành vùng lõi của một đô thị hiện đại. Nhưng, theo kinh nghiệm của một số thành phố nổi tiếng trên thế giới, những gì tốt đẹp nhất, đáng tự hào nhất của các thành phố lộng lẫy cao vời ấy vẫn là những ngôi nhà xưa cũ, được nâng niu, chăm chút giữ gìn như báu vật.

TRẦN VŨ