Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhạc cụ dân gian trong đời sống của người Êđê

Cập nhật ngày: 28/10/2014 - 03:45

Đồng bào Êđê bản địa ở tỉnh Đắk Nông, có khả năng đặc biệt cả về thẩm âm lẫn trình diễn các loại nhạc cụ. Trong đó, phải kể đến cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng. Cồng chiêng Êđê cũng như các dân tộc khác trên cao nguyên này đã làm nên Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới. Không chỉ vậy, các nhạc cụ dân gian của vùng đất này cũng tạo nên một “mảng âm nhạc rất độc đáo”. Nhạc cụ dân gian Êđê với nguyên lý cấu tạo đơn sơ, mộc mạc, mang lại bản sắc rất riêng từ những vật liệu như: tre, nứa, vỏ bầu, sừng trâu… nhưng lại gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt cũng như thế giới tâm linh của dân tộc mình.

Hầu hết các nghi lễ theo vòng đời người như lễ thổi tai – đặt tên, lễ cúng sức khoẻ, lễ cưới, lễ tang, lễ bỏ mả,… cũng như các nghi lễ nông nghiệp như: Lễ động rừng, lễ phát rẫy, trỉa lúa, đưa lúa về kho,… thì âm nhạc cũng như các nhạc cụ dân gian đều đóng góp một vị trí quan trọng.

Nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc.

Nổi bật và độc đáo nhất trong các nhạc cụ truyền thống của người Êđê là các bộ chiêng. Người Êđê lưu giữ bộ chiêng cổ truyền thống của mình như báu vật nhưng không thể chế tác chiêng được nữa, họ phải đi mua từ những vùng miền khác. Chiêng mua về được gọi theo nguồn gốc xuất xứ thành tên của từng loại chiêng như: Čing Lao, Čing Juăn, Čing Kao Trang để chỉ rõ chiêng đó mua từ Lào, người Việt, người Chăm,… Hầu hết các nhánh Êđê đều gọi bộ chiêng của mình là Čing K’nah bên cạnh đó mỗi chiếc chiêng lại có tên riêng của mình như: Čhar (chiêng lớn nhất), Ana čing (chiêng núm lớn nhất, Mđuh čing (chiêng núm nhỡ),… và biểu thị từng thành viên trong gia đình ứng với từng chiếc chiêng như: Čhar (người ông), Ana (người mẹ), Mđuh (người bố),…

Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới nên đồng bào Êđê cũng như các đồng bào khác đã chú tâm gìn giữ văn hoá của mình đặc biệt là các giàn chiêng. Từ đó tình trạng “chảy máu” cồng chiêng được khắc phục phần nào. Tuy nhiên, không gian diễn xướng của cồng chiêng thì đang dần bị thu hẹp, bị sân khấu hoá và theo nhu cầu thưởng thức của du khách thập phương khi đến với Đắk Nông cũng như Tây Nguyên. Phải chăng đây là một đời sống khác của cồng chiêng trong quá trình gìn giữ và bảo tồn nét văn hoá này của đồng bào Êđê?

Nghệ nhân diễn tấu nhạc cụ Đinh Năm (Khèn bầu 6 ống).

Ngoài sự độc đáo đã được công nhận của các bộ cồng chiêng thì trong đời sống của đồng bào Êđê còn có các nhạc cụ dân gian khác phục vụ nhu cầu tinh thần khác nhau như:

Đinh Năm (Khèn bầu 6 ống), là nhạc cụ gồm sáu ống nứa dài ngắn khác nhau có đường kính từ 1,5-2,2cm tuỳ theo kích thước kèn loại lớn hay một đầu ống nứa có mắt bịt kín, đầu kia để hở, được cắm vào vỏ trái bầu khô, hàn kín bằng sáp ong ruồi. Ở đầu ống có mắt cần khoan lỗ thoát âm. Lỗ khoét lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Trên thân ống kèn còn dùi một lỗ nhỏ, đây không phải là lỗ phát âm như các nhạc cụ sáo, kèn khác mà là lỗ ngắt âm. Lỗ dùi này chỉ khi gắn xong các ống kèn vào quả bầu định vị thật chuẩn xác rồi căn cứ vào thế bấm của các ngón tay mới dùi lỗ tạo vị trí bấm thuận lợi nhất cho các ngón tay. Đây là loại nhạc cụ có cấu tạo phức tạp nhất, có khả năng diễn tấu phong phú nhưng bị cấm thổi trong nhà vì loại nhạc cụ này chuyên dùng cho đệm hát Ayray khi nhà có tang.

Čing Kram (chiêng tre), là nhạc cụ thuộc bộ tự thân vang kết hợp với sự cộng hưởng của cột hơi. Cấu tạo của một Čing kram gồm 1 ống tre khô dài khoảng 30cm, đường kính từ 7-9cm; một thanh tre già có độ dài khoảng 40cm, rộng 7cm và một cái dùi bằng gỗ có quấn vải. Theo quan niệm của đồng bào Ê đê, số lẻ là số của sự may mắn nên mỗi bộ Čing kram thường có 5, 7, 9 chiếc, hợp lại thành một dàn chiêng. Čing kram là nhạc cụ thường xuyên được sử dụng trong các dịp lễ hội của đồng bào.

Čing Kok, (được làm từ hai loại làm bằng gỗ và tre nứa với hai loại âm khác nhau: làm bằng gỗ tiếng chắc, vang to, cộc tiếng; làm từ tre nứa do có thêm phần ống dàn cộng hưởng nằm ngay tại thanh đàn mà tiếng đàn kêu mềm dịu hơn) đây là loại nhạc cụ khá cổ xưa, khi con người chưa biết lấy các đặc trưng cấu tạo, vật liệu chế tác, hình dáng cây đàn để đặt tên. Khi mỗi người diễn tấu một ống, nhạc cụ này mang tên Čing Kok. Nhưng khi treo buộc các ống đàn ấy thành dàn liền kề nhau để một hoặc hai người diễn tấu, nhạc cụ ấy lại mang tên là Đinh Grơng.

Gông Kram (đàn ống tre), là loại đàn mà các dây đàn được lật từ cật của ống tre thân đàn lên. Loại đàn này hiện vẫn đang được sử dụng tuy nhiên số người biết chế tác và sử dụng loại đàn này thường là những nghệ nhân tuổi đã xế chiều.

Kni (Vĩ cầm, vòm miệng là hộp cộng hưởng), Là một loại đàn tạo âm thanh đặc biệt vừa bằng vỉ kéo là một cật nứa, vừa bằng âm thanh phát ra từ một miếng nối với sợi dây đàn bằng một sợi dây và một miếng tròn nhỏ, cứng thường được làm bằng vảy con Tê Tê. Đàn có một dây và ba phím, thân là một ống nứa nhỏ dài đường kính 2,8cm. Khoá đàn dài khoảng 17cm, vi kéo dài khoảng 46cm, rộng gần 1cm.

Đinh Tăk Ta (Kèn bầu), là một loại nhạc cụ khá cổ sơ. Được làm từ một ống nứa nhỏ có khoét lỗ tạo nốt nhạc, một đầu có lưỡi gà được gắn vào vỏ bầu (loại nhỏ). Đinh tăk ta là loại nhạc cụ được dùng khá phổ biến, có thể thổi lúc nào cũng được vì tiếng của nó rất rộn ràng thôi thúc nên Đĭng tăk ta thường thổi vào buổi sáng sớm để đánh thức bà con trong buôn dậy đi làm.

Đĭng Tŭt (Bộ sáo 6 ống), gồm có 6 ống nứa có 1 đầu đốt có kích thước khác nhau tạo nên 6 âm tương ứng với 6 chiếc chiêng bằng của bộ chiêng Knah. Nhạc cụ này chuyên dùng cho phụ nữ thổi trong lễ bỏ mả nên bị cấm thổi trong nhà.

Đĭng Buôt (Tiêu), Là một loại sáo dọc dùng để đệm và gây không khí cho hát Muynh của đồng bào dân tộc Êđê. Đĭng buôt thường được sử dụng sau lễ cúng thần hoặc trai gái tỏ tình.

Nghệ nhân diễn tấu nhạc cụ Đinh Tăk Ta (Kèn bầu).

Đĭng Rĭng (Sáo bè 5 ống), Là loại nhạc cụ gồm nhiều ống nứa dài, ngắn khác nhau kết hợp lại thành bè, được cố định bằng sợi mây đan kết với nhau. Ống dài nhất khoảng 81cm, ngắn nhất khoảng 49cm, đường kính các ống khoảng 3cm. Cách sử dụng loại nhạc cụ này giống như việc thổi kèn Acmônica. Hai nhánh tộc người Êđê Mdhur và Êđê A Dham thường sử dụng nhạc cụ này. Ở các nhóm Êđê khác ít gặp hơn.

Đinh Gốt, là một loại nhạc cụ độc đáo loại nhỏ, vừa thổi vừa kết hợp với rung bật 1 bộ phận được tách ra giữa thân, giống như bộ phận lưỡi gà ở 1 số nhạc cụ khác.

Đinh Hi, có cấu tạo giống chiếc ky pah nhưng dài hơn và được tạo từ 2 nửa gỗ tròn sau đó ráp với nhau bằng mây sợi và nhựa cây rừng.

Đinh Lơng Khơng, Là cách gọi của đồng bào dân tộc Êđê chỉ một loại đàn cho 2 người diễn tấu, có cấu tạo tương tự một loại sáo dọc, thường được dùng để độc tấu giải bày tâm tình hoặc phụ hoạ cho hát kưứt hoặc hát ayray là 2 lối hát dân gian của dân tộc Êđê.

Đàn Brố, Là một loại nhạc cụ dây gảy có hai dây bằng kim loại và 5 quàng phím có bầu cộng hưởng bằng vỏ bầu. Cần đàn thường làm bằng thân cây lồ ô. Âm sắc có những nét gần với cậy đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày - Thái là một loại nhạc cụ rất được thanh niên ưa thích.

Guat (kèn môi): là một thanh nứa mỏng hai đầu hơi nhọn, tách phần giữa thành một mảnh nhỏ, một bên rời ra khỏi thân. Khi diễn tấu, nghệ nhân ngậm ngang toàn bộ thanh nứa trong miệng. Tay trái cầm gốc kèn, tay phải gảy phần còn lại, dùng vòm miệng làm hộp cộng hưởng. Âm lượng nhỏ, âm thanh đục.

Ky Pah (Đinh Ky) Tù và, là một loại tù và thổi ngang có lưỡi gà và có vỗ bật mở 2 đầu để tạo âm, âm lượng lớn chói tai với chức năng chính là để thông tin. Ky pah bị cấm thổi trong nhà. Hiện nay do sừng trâu ngày càng hiếm bởi buôn làng chỉ “năm thì mười họa” mới đâm trâu nên ở Tây Nguyên bây giờ thường làm nhạc cụ này bằng rễ cây muồng đen.

Nghệ nhân diễn tấu nhạc cụ Đĭng Tŭt (Bộ sáo 6 ống).

Trong các nghi lễ truyền thống, nhạc cụ dân gian đã tạo nên không khí rất trang nghiêm, hùng tráng, lúc rộn ràng, sôi nổi, khi êm dịu trữ tình, khi ưu tư, trầm lắng,… Có thể nói nhạc cụ dân gian đã gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào Êđê, là một lĩnh vực thể hiện rõ nét bản sắc văn hoá, sức sống và thế giới tâm linh của họ.

Nhạc cụ dân gian Êđê được ra đời từ trong cuộc sống lao động và sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng. Từ những công cụ đuổi chim, thú giữ rẫy (như đing kyal ching koóc, chinh Kram…); những công cụ giải trí sau một ngày lao động vất vả (như đinh puốt, đing pâng, goong ring… đến những phương tiện chia buồn với gia đình người quá cố (như đinh năm, đĭng tŭt…) và những công cụ dùng để đi săn hoặc hiệu lệnh xung phong trong chiến trận (như ky pah, trống H’gơr) đã trở thành nhạc cụ dân gian của dân tộc Êđê.

Nó là một trong những phương tiện nghệ thuật âm thanh có nhiều khả năng để biểu đạt tâm hồn, tư tưởng tình cảm của con người. Thực tế nó đã trải qua một quá trình sáng tạo lâu đời. Có loại do thế hệ ông bà sáng tạo nên. Có loại được hình thành từ cuộc sống lao động và trả lại phục vụ cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng.

Âm nhạc dân gian Êđê đã gắn bó với nghi lễ vòng đời người và vòng cây trồng cùng với các lễ hội truyền thống của cộng đồng. Nó là linh hồn, là sức mạnh tinh thần và bản sắc văn hoá của người Êđê.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, do ảnh hưởng sự xâm nhập của “văn hoá hiện đại” bằng nhiều con đường khác nhau vào đời sống đồng bào trong đó có âm nhạc. Giới trẻ ngày càng thích âm thanh phát ra từ những nhạc cụ hiện đại, nhạc cụ điện tử...

Đây chính là những lý do cơ bản khiến nhạc cụ dân gian ngày càng mai một dần và có nguy cơ mất hẳn. Còn lại chăng chỉ là những nhạc cụ được sân khấu hoá nhưng không thể sử dụng cùng các nghệ nhân biết chế tác, sử dụng nhạc cụ dân gian ngày càng ít đi, đó là niềm trăn trở về một nền văn hoá truyền thống đang biến đổi dữ dội.

(Nguồn: Daknong)


Liên kết hữu ích