BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhạc ngựa mùa Hội xuân

Cập nhật ngày: 17/02/2011 - 11:09

Xe ngựa của ông Được hoạt động tại Hội xuân núi Bà Đen

Vừa bước vào cổng Hội xuân núi Bà Đen, chúng tôi liền bị thu hút bởi những chiếc xe ngựa khá sang trọng được kéo bởi những chú ngựa cao to, khoẻ mạnh. Thỉnh thoảng các chú ngựa lại hí lên và gõ móng lộp cộp xuống nền đường như muốn báo rằng mình đang sẵn sàng phục vụ mọi người. Không kiềm chế được tò mò, chúng tôi mua vé thử làm một chuyến du xuân bằng xe ngựa. Được 5 – 6  khách, xe bắt đầu lăn bánh. Tiếng vó ngựa lộc cộc, tiếng lục lạc leng keng, tạo nên một âm thanh rộn rã, vui tai nghe như tiếng nhạc. Ngồi lắc lư theo tiếng vó ngựa mà bao ký ức về một thời xe ngựa đã xa cứ ùa về trong ký ức của tôi.

Còn nhớ hơn ba mươi năm trước, khi tôi còn là một cậu nhóc, mỗi sáng tôi thường được ông nội cho đi chợ Tây Ninh. Lần nào mua hàng hoá nhiều, ông nội tôi đều thuê xe ngựa chở về và tôi lại được dịp đi xe ngựa. Hình ảnh chiếc xe thổ mộ với mái che cong cong và tiếng nhạc ngựa lộc cộc đã ăn sâu vào tâm khảm của tôi từ lúc nào không hay. Hơn ba mươi năm qua, theo đà phát triển của xã hội, các loại phương tiện giao thông hiện đại đã dần thay thế những chiếc xe ngựa thô sơ cũ kỹ. Ngày nay, mỗi lần đi chợ, người ta toàn đi xe máy hoặc xe đạp, ù một cái là đến nơi. Khu vực bến xe ngựa nhộn nhịp của chợ Tây Ninh cũ nay đã được xây dựng thành khu công viên khang trang, sạch đẹp. Hình bóng chiếc xe thổ mộ và tiếng nhạc ngựa đã dần dần lùi vào quá khứ. Để rồi hôm nay, tôi lại “hội ngộ” với chiếc xe ngựa một thời thân quen. Vẫn là chú ngựa bị che bớt hai bên mắt, vẫn ông xà ích đội nón rộng vành, tay cầm dây cương giật giật, vẫn tiếng lục lạc leng keng pha lẫn nhịp gõ lộp cộp. Trong khung cảnh một bên là vách núi sừng sững một bên là dòng người nhộn nhịp trẩy hội vui xuân, những chiếc xe ngựa đã làm tái hiện một phần văn hoá của nửa thế kỷ trước. 

Tôi thầm cảm ơn người đã có sáng kiến lưu giữ một nét đẹp văn hoá tưởng chừng đã mất. Lần theo những vết xe ngựa, tôi tìm đến một túp lều tạm bợ ở cuối bãi giữ xe bên cổng phụ. Trong lều có một nông dân mái đầu bạc trắng đang cùng gia đình ăn uống, nghỉ ngơi sau một buổi sáng làm việc cực nhọc. Ông tên Trần Văn Được là chủ của những chiếc xe ngựa. Năm nay ông đã 71 tuổi, ngụ ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Ông cùng con, cháu đem xe ngựa đến khu du lịch núi Bà Đen phục vụ du khách được 10 năm nay. Ông cho biết, ban đầu ông nuôi ngựa chỉ vì yêu thích chúng. Sau, Công ty Du lịch Tây Ninh mời ông hợp tác làm dịch vụ đưa khách bằng xe ngựa từ cổng vào chân núi và ngược lại. Thế là ông tự thiết kế mẫu xe ngựa, sử dụng bánh hơi thay thế bánh gỗ. Những năm đầu, ông chỉ có khoảng 3 chiếc xe và 10 con ngựa, năm nay đã tăng lên 7 chiếc với hơn 20 con ngựa (mỗi xe 3 con ngựa thay phiên nhau kéo).     

Tiếp xúc với ông Được, chúng tôi mới hiểu thêm, để duy trì được dịch vụ xe ngựa cũng không dễ. Phải biết cách nuôi dưỡng, huấn luyện ngựa và có lòng đam mê mới làm được. Ông Được dẫn chúng tôi ra xem những chú ngựa của ông đang được chăm chút sau những buổi “lao động” nhọc nhằn. Dưới bóng cây mát mẻ, hơn 20 con ngựa, mỗi con một giỏ cỏ tươi, ngoài ra còn phải có một thau cám trộn với lúa, hột gà và cả… bia. Hằng ngày, ông Được cho ngựa tắm sạch sẽ và khoảng 3 ngày phải thay móng sắt một lần. Kinh phí thu được từ dịch vụ xe ngựa, trừ 10% tổng thu nhập tiền thuế giá trị gia tăng, chủ xe ngựa hưởng 70% và 30% còn lại nộp cho Ban tổ chức Hội xuân núi Bà. Năm nay, ông Được mua thêm một số ngựa giống mới từ Tân Biên, đồng thời quy tụ thêm nhân công để chăm sóc ngựa và phục vụ cho các chuyến chở khách. Bản thân ông Được, mặc dù tuổi đã cao nhưng từ ngày mùng 1 Tết đến nay ông luôn túc trực ở các bến xe ngựa, bãi đỗ khách để “tổng chỉ huy”. 

Tắm cho ngựa

Mùa Hội xuân, hằng ngày từ 5 giờ sáng, những chiếc xe ngựa của ông Được đã túc trực tại cổng chính để đón khách và phải chạy liên tục đến 12 giờ trưa mới nghỉ. Buổi chiều từ 15 giờ phải trở ra bến và đến 20 giờ mới trở về “doanh trại”. Trước khi “xuất bến” các xe đều được khử mùi để khách khỏi khó chịu vì… mùi hôi ngựa. Mỗi con ngựa cũng được vệ sinh sạch sẽ. Ông Được nói: “Trung bình mỗi ngày, 7 chiếc xe ngựa của tôi phải chở được từ hơn 2.000 lượt khách mới có lãi”.

Theo ông Được, nếu khu du lịch núi Bà có được sân đua ngựa và tổ chức đua ngựa hằng năm như đua bò ở An Giang, đua ghe ngo ở Sóc Trăng thì sẽ tạo thêm một loại hình sinh hoạt giải trí hấp dẫn cho Hội xuân. Ước mơ của ông nông dân say mê ngựa có lẽ cũng là một ý tưởng cần được ngành Văn hoá quan tâm xem xét.

Đại Dương