Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhạc sĩ Quốc Đông: Quê hương là nơi nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tác nhạc
Chủ nhật: 20:09 ngày 14/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - So với giới nhạc sĩ ở Tây Ninh, có thể nói Quốc Đông là người có bề dày cả về thời gian và thành tích sáng tác.

Nhạc sĩ Quốc Đông.

Nói đến giới văn nghệ sĩ Tây Ninh, không ai không biết đến anh em nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông và Nguyễn Quốc Tây bởi những thành tích mà các anh gặt hái được trong sáng tác âm nhạc.

Nguyễn Quốc Đông sinh năm 1956 tại Tây Ninh. Từ nhỏ, ba mẹ đã mua sách âm nhạc và đàn để anh tự học. Sẵn có năng khiếu nghệ thuật và lòng đam mê, Quốc Đông lại được tiếp xúc và quen biết với nhiều nhạc sĩ. Đầu những năm 1970, anh thụ giáo bộ môn guitar classic với nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao. Từ đó, anh bắt đầu tập tành viết ca khúc phổ thơ của các thi sĩ như Xuân Diệu, Nguyễn Bính...

Thời đi học, Nguyễn Quốc Đông đã mê văn thơ, âm nhạc, tập sáng tác ca khúc và tham gia ban nhạc của trường. Trước năm 1975, anh học Văn khoa Sài Gòn. Sau đó, anh trở về học khoa Văn Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Tốt  nghiệp ra trường, Quốc Đông được phân công về dạy tại vùng biên giới Châu Thành vào những năm chiến tranh biên giới Tây Nam.

Là giáo viên rất yêu nghề, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông thường chọn đề tài học đường sáng tác. Nhiều ca khúc về học đường của anh đã được phổ biến rộng rãi như: Khi bầy chim trở lại (phổ thơ Đỗ Trung Quân), Ngôi trường em yêu, Em có nghe mùa hạ về, Nối tiếp bước truyền thống Hoàng Lê Kha, Phượng xưa, Những mùa hạ qua đi...

Sau những năm tháng dạy học ở Châu Thành, anh chuyển về công tác tại Sở Văn hóa thông tin Tây Ninh (nay là Sở VH-TT&DL), được một thời gian rồi anh cũng quay lại nghề dạy học và sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông tâm sự: “Sáng tác về học đường như một duyên nợ với tôi. Có lẽ những ngày tháng đứng trên bục giảng, cùng với học trò thân yêu trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh biên giới Tây Nam làm tôi không thể nào quên. Tôi đã từng đi sáng tác ở nhiều nơi, nhiều đề tài khác nhau nhưng rồi cũng quay về đề tài nhà giáo”…

Những năm gần đây, nhạc sĩ Quốc Đông được người yêu nhạc chú ý đến những tác phẩm tình ca. Anh viết khá mượt mà những ca khúc: Dáng xưa, Tiếng hát mây chiều, Tóc bối rối, Mùa đông bồi hồi (thơ Trần Hoàng Vy), Nói với mùa thu...

So với giới nhạc sĩ ở Tây Ninh, có thể nói Quốc Đông là người có bề dày cả về thời gian và thành tích sáng tác, khi đạt không ít giải thưởng về âm nhạc tại các cuộc thi sáng tác tác phẩm âm nhạc trong cả nước. Năm 2007, anh vinh dự được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhạc sĩ Quốc Đông bộc bạch, tuy chưa phát hành nhiều tác phẩm so với những nhạc sĩ tên tuổi khác, nhưng anh cũng đã có 2 tuyển tập ca khúc và 4 album CD để tặng bạn bè thưởng thức.

Đã ngoài sáu mươi tuổi, hiện nhạc sĩ Quốc Đông vẫn yêu đời, vẫn tràn đầy sức sống. Anh tham gia các hoạt động trại sáng tác âm nhạc, nhiều chương trình giao lưu tác giả - tác phẩm trong và ngoài tỉnh, các hoạt động của Trung tâm Văn hoá tỉnh và Chi hội Văn nghệ Hòa Thành.

Nói về những dự tính cho sáng tác trong thời gian tới, nhạc sĩ Quốc Đông cho biết anh quyết tâm thực hiện thêm một album CD về Tây Ninh, để lớp trẻ hiểu hơn truyền thống cách mạng, cũng như lời tri ân với quê hương- nơi đã nuôi dưỡng trong anh mạch nguồn sáng tác không bao giờ vơi cạn, như một lời tri ân với vùng đất nơi anh sinh ra và lớn lên, góp phần làm đẹp hơn, giàu hơn đời sống tinh thần của quê nhà.

Thế Lực

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục