Văn hóa - Giải trí   Giới thiệu sách

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 30/09/2022 - 00:30

BTNO - Cuốn sách “Nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) ấn hành.

Bìa cuốn sách “Nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh”.

Sách dày 464 trang, gồm 4 phần chính: Phần mở đầu; Phần 1- Nhận diện bản sắc văn hoá Tây Ninh; Phần 2- Truyền thống gia đình Tây Ninh; Phần tổng kết.

Cuốn sách là thành quả của nhiều tác giả trong chuyến khảo sát thực tế về di sản tự nhiên, lịch sử - văn hoá tại Tây Ninh vào tháng 3.2022 và hội thảo cấp quốc gia với chủ đề “Nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” vào ngày 28.4.2022 tại thành phố Tây Ninh. 

Hội thảo thu hút 40 tham luận của nhiều tác giả là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nhà nghiên cứu và nhà chuyên môn ở Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, bước đầu đã thành công trong việc phác hoạ bức tranh bản sắc văn hoá cộng đồng và gia đình Tây Ninh, góp phần giúp tỉnh nhà có cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội hiện tại và tương lai. 

Cuốn sách tập hợp 30 bài viết của các tác giả tham dự hội thảo đã được bổ sung, chỉnh lý sau hội thảo nhằm góp phần giới thiệu bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình Tây Ninh, đồng thời phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Phần mở đầu cuốn sách là bài viết “Nhận thức chung về bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” của hai tác giả: PGS. TS Huỳnh Quốc Thắng- Giảng viên cao cấp Khoa Văn hoá học, Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM và ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở VH,TT&DL Tây Ninh. 

Ở bài viết này, các tác giả đặt vấn đề với 3 câu hỏi lớn và lần lượt lý giải từng vấn đề, giúp người đọc hiểu được truyền thống và bản sắc văn hoá gia đình Việt Nam trong bức tranh văn hoá xã hội đương đại nói chung và bản sắc văn hoá truyền thống gia đình các dân tộc tỉnh Tây Ninh nói riêng. Đồng thời bài viết còn giới thiệu mối quan hệ bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình với những vấn đề định hướng thực tiễn cho tỉnh Tây Ninh.

Phần 1- Nhận diện bản sắc văn hoá Tây Ninh, mở đầu là bài viết: “Tây Ninh từ nhận diện bản sắc đến tích hợp nguồn lực đa dạng để tăng tốc phát triển du lịch” do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm- Giảng viên cao cấp Khoa Văn hoá học, Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM chấp bút. 

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đề xuất một chiến lược tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh được xây dựng trên cơ sở triết lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Tây Ninh. Triết lý này được thực hiện hoá bằng một chương trình tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh dưới dạng hệ thống giải pháp với 4 dự án cơ bản: Xây dựng khu du lịch “Thủ đô cách mạng miền Nam”; xây dựng phức hệ du lịch Toà thánh Cao Đài - Bảo tàng tôn giáo Nam bộ; hoàn thiện Khu du lịch núi Bà Đen; xây dựng khu ẩm thực và khu du lịch đêm Tây Ninh.

Phần 2- Truyền thống gia đình Tây Ninh được mở đầu bằng bài viết “Nét đặc sắc văn hoá gia đình Tây Ninh” của TS. Nguyễn Văn Hiệu- Giảng viên Khoa Văn hoá học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM. 

Bài viết nghiên cứu đặc điểm văn hoá gia đình Tây Ninh từ góc độ tiếp cận bản sắc và ý thức về bản sắc, qua đó góp phần nhận diện bản sắc văn hoá truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh. Bài viết chọn đối tượng cụ thể là bản sắc văn hoá gia đình những người theo đạo Cao Đài ở Tây Ninh và không dừng lại ở đó mà nhằm chủ yếu hướng đến việc xem bản sắc văn hoá gia đình của những người theo đạo Cao Đài ở Tây Ninh như là một trong những thành tố quan trọng trong cấu trúc văn hoá làm nên bản sắc văn hoá Tây Ninh hiện nay. 

Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu tới bạn đọc nhiều bài nghiên cứu tiêu biểu khác như: Sinh thái vùng đất thánh, yếu tố kiến tạo sự độc đáo trong văn hoá ẩm thực Tây Ninh; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Óc-Eo ở Tây Ninh; Kinh nghiệm du lịch tỉnh Mie (Nhật Bản) và gợi ý cho tỉnh Tây Ninh; Bữa ăn chay trong đời sống gia đình văn hoá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…

“Tất cả các nguồn lực sẽ tiếp tục “ngủ yên” nếu chúng ta chưa nhận diện hết giá trị và chưa có kế hoạch tổng thể phát huy các giá trị ấy. Các nghị quyết quan trọng của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua cho thấy ước vọng và quyết tâm chính trị cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh trong việc nhận diện và khai thác có trách nhiệm các nguồn lực tự nhiên và văn hoá nhằm phát triển hơn nữa các bình diện kinh tế - xã hội ở địa phương và nâng cao đời sống văn hoá cộng đồng”, một đoạn trong lời giới thiệu của quyển sách nhấn mạnh.

Hoàng Yến