Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong cuộc sống đương đại, hầu hết các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người nếu không được quan tâm phòng ngừa, kiểm soát đều có thể là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Thuốc BVTV là một mối nguy cho môi trường (ảnh minh họa)
Ô nhiễm từ giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng và dân sinh
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hoạt động giao thông vận tải được xem là một trong những nguồn gây ô nhiễm đối với môi trường không khí, đặc biệt ở các khu đô thị và khu vực đông dân cư. Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong và ngoài tỉnh, gia tăng các phương tiện cơ giới và khối lượng vận tải hàng hoá phục vụ quá trình độ thị hoá, hành khách làm gia tăng sự phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường không khí.
Các chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu sinh ra do khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu động cơ bao gồm CO, NOx, SO2, hơi xăng dầu (Cn Hm, VOCs), PM10,... và bụi do đất cát cuốn bay lên từ mặt đường phố trong quá trình di chuyển (TSP). Khói xe chứa các thành phần độc hại có nguy cơ gây ô nhiễm đất ven hai bên đường hoặc các khu vực gần trục lộ giao thông. Các chất khí độc hại khi kết hợp với nước hình thành mưa a-xít gây chua đất. Các hợp chất hữu cơ, hơi chì, bụi sẽ lắng đọng trong đất, tích luỹ trong đất gây ô nhiễm tiềm tàng.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp với nhiều loại hình khác nhau được đánh giá là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí đáng kể. Các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu phát sinh từ quá trình khai thác và cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, khí thải từ các công đoạn sản xuất như đốt nhiên liệu hoá thạch, khí thải lò hơi, hoá chất bay hơi…
Nguồn ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp thường có nồng độ các chất độc hại cao, tập trung trong một vùng. Tuỳ thuộc vào loại hình sản xuất, quy trình công nghệ, quy mô sản xuất và nhiên liệu sử dụng mà các hoạt động công nghiệp khác nhau sẽ phát sinh khí thải với thành phần và nồng độ khác nhau.
Hoạt động xây dựng và dân sinh cũng là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Trong những năm gần đây, hoạt động xây dựng diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt là các đô thị. Các hoạt động như đào lấp đất, đập phá công trình cũ, vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển thường gây ô nhiễm bụi đối với môi trường xung quanh. Mặc dù đã có quy định về che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu và phế thải xây dựng, rửa xe trước khi ra khỏi công trường, phun nước rửa đường nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế. Bên cạnh bụi, các thiết bị xây dựng (máy xúc, máy ủi...), các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng còn thải ra môi trường không khí các khí thải khác như: SO2, CO...
Ở các khu vực dân cư, vẫn tồn tại hoạt động đun nấu sử dụng nhiên liệu than tổ ong, gây ô nhiễm cục bộ trong phạm vi hộ gia đình hoặc vài hộ xung quanh. Tuy nhiên, hoạt động này hiện đã giảm đáng kể.
Nguy cơ ô nhiễm do sản xuất nông nghiệp
Lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động chăn nuôi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, loại hình chăn nuôi theo mô hình hộ gia đình đang là nguồn gây ô nhiễm khó kiểm soát đối với môi trường không khí tại các khu vực nông thôn. Đồng thời, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó, sản phẩm chủ yếu là các chất khí: bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra hợp chất Anđêhit và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người.
Khi sử dụng phân bón hoá học, 50% độc chất được cây hấp thụ còn 50% sẽ đi vào đất dẫn tới ô nhiễm đất làm suy thoái chất lượng đất, làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất. Bên cạnh đó, việc sử dụng không hợp lý nông dược, phân bón hoá học dẫn đến hiện tượng hoá chất tồn lưu trong đất qua phân giải chuyển hoá, biến thành muối nitrat.
Các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như thuốc trừ sâu, diệt cỏ nhằm diệt sâu bệnh và bảo vệ mùa màng nhưng cũng có thể làm ô nhiễm đất do các loại thuốc BVTV đều là hợp chất hữu cơ gốc clo hữu cơ, phốt-pho hữu cơ là những chất rất độc và bền vững trong môi trường. Hiện tại có trên 1.000 hợp chất có chứa kim loại và á kim trong các loại thuốc BVTV. Thuốc BVTV trong môi trường phân huỷ rất chậm, dư lượng tích tụ trong đất làm ô nhiễm đất, nguy hiểm cho sinh vật và con người.
Cùng với sự tăng lên về số lượng sử dụng phân hoá học, độ sâu và độ rộng của loại ô nhiễm này ngày càng nghiêm trọng. Với số lượng lớn nông dược tích luỹ trong đất, đặc biệt là các thuốc BVTV có chứa các nguyên tố kim loại nặng như chì, asen, thuỷ ngân... có độc tính cao, thời gian tồn lưu trong đất dài. Những loại nông dược này được cây trồng hấp thu, tích tụ trong quả và lá sau đó đi vào cơ thể các sinh vật tiêu thụ gây tác hại đến sức khoẻ các sinh vật này.
Rác thải chứa nhiều chất độc
Nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư chưa qua xử lý nếu xả ra môi trường, theo kênh mương ngấm vào đất, gây ô nhiễm đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hoá học trong đất. Đất cũng là nơi chứa đựng và lưu trữ các chất thải của quá trình sản xuất nên tiềm tàng nhiều nguy cơ gia tăng ô nhiễm.
Trong thành phần rác thải có chứa nhiều chất độc. Khi rác thải được đưa vào môi trường và không được xử lý khoa học thì những chất độc xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất, làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Đặc biệt hiện nay, chúng ta đang sử dụng tràn lan các loại túi ni-lông trong sinh hoạt hằng ngày. Chúng cần tới 50-60 năm mới phân huỷ trong đất. Do đó, chúng tạo thành các “bức tường” ngăn cách trong đất, hạn chế quá trình phân huỷ, tổng hợp các chất dinh dưỡng, làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút.
Các chuyên gia ước tính, 30% các chất khí phát sinh trong quá trình phân huỷ rác có thể thoát lên trên mặt đất mà không cần một sự tác động nào. Quá trình vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn cũng phát sinh mùi từ quá trình phân huỷ các chất hữu cơ gây ô nhiễm môi trường không khí.
Theo Sở TN&MT, nhìn chung trong trong giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý bảo vệ môi trường tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải của các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bắt buộc các doanh nghiệp có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục để giám sát bước đầu đã mang hiệu quả, chất lượng nước mặt lục địa trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt. Về cơ bản, chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh còn rất tốt, chưa chịu tác động của các hoạt động sản xuất công, nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các đô thị trên địa bàn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án nông nghiệp, chăn nuôi có chất thải chưa được kiểm soát dẫn đến giá trị Coliform có dấu hiệu bị ô nhiễm tại một số vị trí quan trắc.
Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động chăn nuôi trên địa bàn theo quy định.
AN KHANG