Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

NGÀNH GIÁO DỤC TÂN BIÊN:

Nhân lên những nét đẹp

Cập nhật ngày: 08/01/2020 - 15:20

BTN - “Mọi sự khởi đầu thường không mấy suôn sẻ nhưng kiên trì thực hiện thì có thể đạt được”- lãnh đạo Phòng GD-ÐT Tân Biên mở đầu những mẩu chuyện về sự thay đổi trong môi trường giáo dục, cảnh quan sư phạm trên địa bàn huyện.

Ðầu năm học 2019-2020, thực hiện mô hình “Ðồng hành cùng giáo dục vùng khó khăn huyện Tân Biên”, ngành Giáo dục Tân Biên tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương vận động xã hội hoá nâng cấp, cải tạo hơn 2.000m2 sân trường.

Với sự hỗ trợ của một nhà máy sản xuất xi măng, ngành Giáo dục đã làm đường đi nội bộ (từ cổng trường vào trong sân trường) cho 8 đơn vị trường học ở các xã Trà Vong, Thạnh Bắc với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Từ sự nâng cấp này, các đơn vị trường học đã khang trang hơn, đẹp hơn, sạch hơn, học sinh có chỗ vui chơi, học tập sạch sẽ.

Trước đây, mỗi khi mùa mưa đến, cả thầy cô lẫn học trò rất nhiều khó khăn vì đất, bùn dính đầy xe cộ, quần áo. “Với sự quan tâm của lãnh đạo Phòng GD-ÐT và sự góp sức của các tổ chức xã hội, từ chỗ lầy lội về mùa mưa, bụi bặm trong mùa khô, nay sân trường chúng tôi đã sạch sẽ. Giáo viên, học sinh không còn “tha” đất vào phòng học như trước”- lãnh đạo Trường tiểu học Trà Vong C, xã Trà Vong, huyện Tân Biên thông tin.

Bên cạnh đó là chuyển biến rõ rệt về văn hoá giao thông. Bắt nguồn từ hình ảnh phụ huynh của một tỉnh ở miền Trung xếp hàng, xếp xe máy ngay ngắn trong khi chờ đón con về, lãnh đạo ngành Giáo dục Tân Biên chỉ đạo các trường học theo cách làm này. Ðến nay, tại các trường mầm non, tiểu học có lớp học bán trú hoặc học hai buổi một ngày, phụ huynh khi đến đón con em đã đứng ngay hàng thẳng lối trong lúc chờ con.

Hình ảnh lộn xộn, mạnh ai người nấy chiếm chỗ, thậm chí có không ít người chạy xe máy vào tận cửa lớp học không còn nữa. Tuyệt đại đa số phụ huynh xếp hàng, dựng xe máy ngay ngắn hai bên cổng trường chờ con cháu. Mới đây nhất, Trường THCS thị trấn Tân Biên đã vận động từ nhiều nguồn để đổ đất, làm đường bê tông với tổng diện tích hơn 500m2.

Một nét đẹp nữa của ngành Giáo dục Tân Biên trong năm học này là tổ chức cho những đơn vị trường học có điều kiện thuận lợi kết nghĩa với trường ở vùng khó khăn hơn. Ðến nay, có bảy đơn vị vùng thuận lợi kết nghĩa, đồng hành với sáu đơn vị vùng khó khăn thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Lập và xã Thạnh Bắc với các hoạt động như tặng thẻ bảo hiểm y tế, trao học bổng, gạo, trống trường, ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ. hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất…

Tổng số tiền các đơn vị dành dụm để giúp đỡ, hỗ trợ cho nhau được hơn 50 triệu đồng. Có những trường ở khu vực giáp biên giới trước đây cảnh quan không lấy gì làm đẹp mắt, với sự hỗ trợ từ đơn vị bạn, nay các trường vùng sâu trở nên đẹp hơn nhiều.

Một ví dụ, giáo viên Trường mẫu giáo 2.9 (Thị trấn) đã đi hàng chục cây số vào Trường mầm non Tân Khai (ấp Chàng Riệc, xã Tân Lập) để “điểm tô” sân trường, phòng học cho đơn vị này. Sự hỗ trợ đó không chỉ liên quan cơ sở vật chất hay tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh mà còn cả trong trao đổi sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn.

Phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ GD-ÐT khởi xướng từ lâu. Ðúng như tính chất của phong trào, ban đầu, chủ trương của Bộ được hưởng ứng rầm rộ. Chỉ một thời gian sau, phong trào lắng dần. Tuy nhiên, một phong trào, một mô hình hay nhưng thực hiện như thế nào lại phụ thuộc vào từng đơn vị, cá nhân cụ thể (đặc biệt là người lãnh đạo).

Có điều kiện theo dõi kỹ sẽ thấy, có những đơn vị từng được coi là “điển hình tiên tiến” về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực nhưng chỉ duy trì được một thời gian nhất định, sau đó “thoái trào”. Ngược lại, có những nơi lãnh địa phương, lãnh đạo ngành Giáo dục quan tâm, chỉ đạo sát sao với tinh thần cụ thể, không báo cáo chung chung thì phong trào chẳng những được duy trì mà còn phát triển ở một mức cao hơn.

Theo thông tin từ Phòng GD-ÐT Tân Biên, những thay đổi về cảnh quan sư phạm, về cổng trường văn minh, an toàn như hiện nay có sự phối hợp với Huyện đoàn Tân Biên chứ không chỉ mỗi ngành Giáo dục. Ðiều đó cho thấy, nếu biết vận dụng chủ trương của cấp trên sáng tạo, phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương, đồng thời “huy động sức mạnh tổng hợp” của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân thì để thực hiện, nhân rộng và duy trì môi trường sư phạm thân thiện, xanh, sạch, đẹp, an toàn không phải là điều gì quá khó. Ðiều quan trọng là con người, vì “cán bộ nào, phong trào đó”.

VIỆT ÐÔNG