Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhân ngày 3 tháng 3, tìm hiểu về lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam 

Cập nhật ngày: 02/03/2021 - 09:11

BTNO - Ngày 3.3.1959, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 100-TTg về việc thành lập lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa. Ngày này được lấy làm ngày truyền thống của Lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Bộ đội Biên phòng Việt Nam - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam - là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, nơi hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định. Đồng thời, là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với khẩu hiệu: “Đồn là nhà, Biên giới là quê hương, Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các ngành, lực lượng hữu quan trên địa bàn và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ đường biên quốc gia, mốc giới; duy trì thực hiện các hiệp định, quy chế biên giới và pháp luật về biên giới; phát hiện và đấu tranh với các hoạt động vi phạm và chống phá của các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; thực hiện nhiệm vụ đối ngoại biên phòng, quan hệ với các cơ quan hữu quan các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề về quan hệ biên giới nhằm xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, góp phần tạo môi trường ổn định, phát triển và phục vụ đắc lực cho chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế.

Nhiệm vụ cụ thể của BĐBP là: Trấn áp kịp thời bọn gián điệp, biệt kích, thổ phỉ, cướp biển và các bọn phá hoại khác qua lại hoạt động ở khu vực biên giới, giới tuyến, bờ biển; trấn áp các loại tội phạm ma túy, hình sự, đảm bảo trật tự an ninh và an toàn xã hội khu vực biên giới; đánh mạnh vào bọn vũ trang xâm phạm biên giới của Tổ quốc, đối phó với mọi hành động có tính cách gây chiến trong khi chờ đợi bộ đội quốc phòng đến tiếp viện; ngăn ngừa và trừng trị bọn chuyên buôn lậu qua khu vực biên giới; thực hiện quy chế qua lại biên giới do Chính phủ đã quy định, kiểm soát việc qua lại biên giới; bảo vệ đời sống an toàn và của cải của nhân dân, tài sản của Nhà nước, các kho tàng, hợp tác xã, công trường, nông trường ở khu vực biên giới, chống bọn thổ phỉ, hải phỉ, biệt kích tấn công cướp bóc bất ngờ.

Cấp cao nhất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (tương đương cấp Quân chủng). Kế đến là Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tương đương cấp Sư đoàn) của 39 tỉnh thành có biên giới, bờ biển; gồm các phòng chức năng như chính trị, tham mưu, trinh sát, phòng chống ma túy và tội phạm, hậu cần; các đơn vị trực thuộc như tiểu đoàn huấn luyện, đại đội cơ động, bệnh xá biên phòng tỉnh. Các tỉnh có bờ biển có thêm 1 hải đội mang phiên hiệu hải đội 2.

Cả nước có khoảng 400 Đồn Biên phòng là các đơn vị cơ sở: gồm: Ban Chỉ huy đồn, các bộ phận trực thuộc như đội vũ trang, đội vận động quần chúng, đội trinh sát, đội phòng chống ma túy và tội phạm, đội kiểm soát hành chính, đội tham mưu hành chính. Đối với các đồn có cửa khẩu, có đường tiểu ngạch qua biên giới thì có thêm trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu  với đội thủ tục, đội kiểm tra giám sát.

Còn phải kể đến các Hải đoàn Biên phòng là đơn vị chiến đấu cấp chiến thuật, cơ động chiến đấu trên vùng biển, trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; gồm 2-3 hải đội, các bộ phậm tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; như Hải đoàn 18 (đơn vị cơ động thủy cấp chiến thuật, tuần tra bảo vệ vùng biển từ Ninh Thuận tới Bạc Liêu), Hải đoàn 28 (đơn vị cơ động thủy cấp chiến thuật, tuần tra bảo vệ vùng biển từ Cà Mau tới Kiên Giang), Hải đoàn 48 (đơn vị cơ động thủy cấp chiến thuật, tuần tra bảo vệ vùng biển từ Quảng Bình tới Khánh Hòa, Hải đoàn 38 (đơn vị cơ động thủy cấp chiến thuật, tuần tra bảo vệ vùng biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh). Hải đội Biên phòng là đơn vị chiến đấu cấp cơ sở trên vùng biển, trực thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh hoặc nằm trong biên chế hải đoàn biên phòng.

Từ khi được thành lập đến nay, Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã lập nhiều thành tích: Hai lần Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (vào tháng 12/1979 và 2/2009); Huân chương Sao vàng; Ba Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.

Trong tình hình tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nhiệm vụ của lực lượng Bộ đội Biên phòng càng nặng nề, to lớn hơn. Đặc biệt, Tây Ninh là một tỉnh biên giới có đường biên giới dài hơn 240km, tiếp giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia với 16 cửa khẩu và nhiều đường mòn lối mở.

Do đó lực lượng Bộ đội Biên phòng Tây Ninh càng mang trọng trách lớn đối với sự an toàn của nhân dân trong và ngoài tỉnh trước dịch bệnh. Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh, do có địa hình thuận lợi, thuận tiện đi lại nên số lượng người nhập cảnh qua các cửa khẩu ở tỉnh là rất lớn.

Để ngăn chặn dịch bệnh, lực lượng Bộ đội biên phòng đã bố trí 29 điểm cảnh giới, 16 trạm kiểm soát biên phòng, Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp cùng công an, dân quân các xã biên giới lập 123 tổ, chốt kiểm soát với hàng trăm cán bộ chiến sĩ túc trực 24/24. Vào dịp Tết Tân Sửu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh còn phối hợp với Báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Xuân ấm Biên cương” trên địa bàn xã Hoà Hội, huyện Châu Thành.

TS. Đào Thị Bạch Tuyết