Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nhân Ngày Môi trường Thế giới: Băn khoăn về việc thu gom, xử lý chất thải rắn ở Tây Ninh
Chủ nhật: 12:03 ngày 03/06/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chất thải rắn ở Tây Ninh hiện nay chủ yếu phát sinh dưới 3 dạng: chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn y tế.

Trong vài thập niên gần đây, kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng hằng năm khá cao. Trong 5 năm qua, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hằng năm đến 14,2%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,6% mỗi năm; lĩnh vực công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 17,6% mỗi năm; lĩnh vực thương mại - dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 21,6% mỗi năm. Tuy nhiên, kèm theo sự phát triển khá cao này là chất thải rắn cũng đang ngày càng gia tăng. Dù Tây Ninh rất chú trọng đến công tác thu gom xử lý chất thải rắn, nhưng thực tế vẫn còn một số bất cập. Đây là một trong những nỗi băn khoăn không nhỏ về thực trạng môi trường ở Tây Ninh.

Chất thải rắn ở Tây Ninh hiện nay chủ yếu phát sinh dưới 3 dạng: chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn y tế. Trong những năm qua, Tây Ninh đầu tư lĩnh vực đô thị hoá ngày càng mạnh, trong đó thị xã Tây Ninh đang chuẩn bị trở thành đô thị loại III và thị trấn các huyện cũng đang trên đường đô thị hoá. Một số khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp đã hình thành là nơi tập trung đông dân cư sinh sống. Cư dân đô thị tăng theo tốc độ đô thị hoá thì chất thải rắn đô thị cũng tăng theo. Qua kết quả điều tra khảo sát của ngành chức năng cho thấy, hiện tại các khu đô thị ở Tây Ninh đã thải ra không dưới 120 tấn chất thải rắn mỗi ngày. Đây là lượng chất thải rắn lớn nhất trong các loại chất thải rắn hiện có ở Tây Ninh. Kế đến là chất thải rắn công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp, nên lượng chất thải rắn phát sinh rất đáng kể. Theo điều tra, lượng chất thải rắn công nghiệp thải ra mỗi ngày có đến 65 tấn. Tuy số lượng không bằng chất thải rắn đô thị, nhưng chất thải rắn công nghiệp tiềm ẩn mức độ nguy hại cao hơn nhiều. Riêng chất thải rắn y tế, tuy so với các loại chất thải rắn khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng mức độ nguy hại thì không nhỏ chút nào. Theo kết quả điều tra, ở tất cả các bệnh viện và trạm y tế hiện nay mỗi ngày thải ra khoảng gần 1 tấn chất thải y tế mà thôi, nhưng sự ảnh hưởng đến môi trường là rất đáng kể.

Rác thải thu gom chờ xe vận chuyển đến bãi chôn lấp

Như vậy, ở Tây Ninh hiện nay mỗi ngày thải ra đến gần 200 tấn chất thải rắn các loại. So với các tỉnh khác trong khu vực, thì lượng chất thải rắn ở Tây Ninh không lớn. Thế nhưng, khâu tổ chức thu gom, xử lý thì lại chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Đối với chất thải rắn đô thị, hiện nay công tác thu gom, xử lý chủ yếu do Công ty CP Công trình Đô thị đảm nhiệm, nhưng tỷ lệ phủ dịch vụ quản lý chỉ chiếm có 55%, trong đó có tập trung ở địa bàn thị xã Tây Ninh và một số huyện Châu Thành, Hoà Thành, Trảng Bàng, Dương Minh Châu. Không chỉ địa bàn thu gom chưa phủ khắp mà việc xử lý chỉ thực hiện bằng cách chôn lấp với bãi chôn tập trung có diện tích chỉ khoảng 20 ha.

Đối với chất thải rắn công nghiệp, hiện nay công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chủ yếu thực hiện bởi Công ty CP Môi trường Xanh tại Khu công nghiệp Trảng Bàng và một doanh nghiệp tư nhân có chức năng xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, đó chỉ là chất thải rắn công nghiệp thuộc loại bình thường, còn đối với chất thải rắn công nghiệp thuộc loại nguy hại theo quy định thì các đơn vị sản xuất phải ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương thu gom, xử lý chứ trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị xử lý loại chất thải công nghiệp nguy hại.

Riêng về chất thải rắn y tế, trong những năm qua, ngành chức năng đã đầu tư xây dựng được 10 lò đốt chuyên dụng ở bệnh viện tỉnh và bệnh viện các huyện. Tuy nhiên, do kinh phí dành cho việc xử lý rác thải rắn y tế có hạn, nên nhiều bệnh viện chưa thực hiện xử lý đúng quy chế về quản lý chất thải y tế do Bộ Y tế ban hành. Cụ thể, nhiều bệnh viện chưa phân loại rác y tế và rác sinh hoạt để có quy trình xử lý phù hợp. Ngoài ra, trong số 10 lò đốt chất thải rắn y tế đã xây dựng, hiện nay đã có một số lò hư hỏng không còn sử dụng, nhưng chưa được đầu tư sửa chữa kịp thời.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ chất thải rắn ở Tây Ninh được thu gom, xử lý vẫn còn ở mức thấp, đồng thời ở một số địa phương trong tỉnh chưa có bãi chôn lấp phù hợp. Đây là một trong những nguy cơ ảnh hưởng ngày càng nhiều đến môi trường chung quanh. Riêng về chất thải rắn công nghiệp, đến nay vẫn chưa được quản lý và xử lý chặt chẽ. Việc xử lý phần lớn là do các nhà máy sản xuất tự hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý thu gom đem ra khỏi nhà máy, khỏi khu công nghiệp. Trong khi đó, cũng có đơn vị xử lý sau khi thu gom đưa về phân loại chủ yếu để tận thu phế liệu, còn phần rác thải không được xử lý triệt để mà đem bỏ ở những nơi không đúng quy định. Việc này cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường - đặc biệt là đối với chất thải rắn có độ nguy hại cao.

Để khắc phục những tồn tại trong khâu xử lý chất thải rắn, theo ngành chức năng thì cần phải đầu tư xây dựng thêm một số khu xử lý, nhưng trước mắt phải hoàn thiện khu xử lý rác thải Tân Hưng, huyện Tân Châu. Đồng thời, cần phải đầu tư xây dựng mới khu xử lý chất thải rắn, để phục vụ cho Khu công nghiệp Trảng Bàng và các khu công nghiệp lân cận. Mục tiêu phấn đấu của Tây Ninh là trong vòng 5 năm tới sẽ thu gom xử lý chất thải rắn đô thị, công nghiệp đạt trên 90%, còn đối với chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải rắn y tế, tỷ lệ thu gom, xử lý phải đạt 100%.

Sơn Trần

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục