Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nhân Ngày Sân khấu Việt Nam (12.8 âm lịch): Đờn ca tài tử - còn đó mạch ngầm lan toả
Thứ hai: 04:13 ngày 16/09/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thật cảm động làm sao khi thấy các em ở lớp Sáu Long, ngày hai bữa cơm chay từ thiện vẫn cắm cúi đam mê với nghiệp cầm ca.

Thật cảm động làm sao khi thấy các em ở lớp Sáu Long, ngày hai bữa cơm chay từ thiện vẫn cắm cúi đam mê với nghiệp cầm ca.

Tại lớp đờn ca Sáu Long

 (BTN) - Tuần cuối tháng 8, tôi theo chân đoàn nhạc sĩ đi thực tế sáng tác tại Bến Cầu. Các nhạc sĩ trong đoàn còn chưa kịp có tác phẩm nào thì chủ nhà đã ca ngay mấy bản đờn ca tài tử viết về quê hương An Thạnh. Một cán bộ xã và một trung tá quân đội về hưu, họ ngồi tựa gốc cà na bên dòng kênh Gò Suối cất giọng. Ấn tượng còn ghi đậm thì tối chủ nhật tuần sau, lại được nghe Phương Mỹ Chi cùng Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu cùng nhặt khoan thánh thót trên sân khấu chung kết “Giọng hát Việt nhí 2013” bản “Dạ cổ hoài lang”. Cái bài bản đã qua gần trăm năm của tác giả Cao Văn Lầu ấy hễ cất lên, người có mặt không ai lại không muốn nghe cho đến cuối.

Hai ví dụ nhỏ ở trên cho thấy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương- một bộ phận quan trọng hợp thành sân khấu miền Nam vẫn còn tràn đầy sức sống! Dù cho đã có cả hàng trăm chương trình ti vi, hết analog đến kỹ thuật số, rồi vệ tinh K+ trả tiền, lại còn internet phát triển vũ bão với bao điều mới mẻ và hấp dẫn, thì dòng nhạc dân gian truyền thống miền Nam vẫn cứ sống.

Ở Tây Ninh, đâu chỉ có các câu lạc bộ, hay đội, nhóm đờn ca tài tử ở các xã, phường mà đờn ca tài tử còn chen vào giữa nhịp sống ồn ào nơi phố xá, để các sân khấu đờn ca ở Hội Văn học Nghệ thuật, ở các trung tâm văn hoá Thị xã, Hoà Thành đều được ngân rung thánh thót những âm thanh dìu dặt mỗi tuần, thậm chí mỗi đêm dù người dự không còn đông đúc ồn ào như khoảng mười năm trước.

Chắc có người sẽ phản biện lại rằng: văn nghệ quần chúng ấy mà, ca cho vui thôi chứ có mấy bài bản hay như “Dạ cổ hoài lang” hoặc “Tình anh bán chiếu” để người ta nhớ mãi! Xin đáp lời ngay rằng, thời nào và ở đâu rồi cũng sẽ có những bản đờn ca khiến người ta phải nhớ. Liệu có ai người miền Nam ta bây giờ lại không biết đến “Bài ca đất phương Nam” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Dù đây là bài nhạc mới viết cho phim nhưng lại thấm đượm chất liệu đờn ca tài tử. Khiến khi ai đó cất lên một câu đầu thôi: “Có ai đi về miền đất phương Nam. Trời xanh mây trắng...” là có người lại muốn tiếp nối lời ca. Nếu so thì bài ca này hay chẳng kém gì “Dạ cổ hoài lang”- tôi nghĩ thế.

Ngay trong thời kháng chiến ở Tây Ninh cũng có những bài ca cổ mà bây giờ, sau nửa thế kỷ rồi người ta vẫn nhớ và muốn hát. Như bài “Đợi chờ” do soạn giả Lê Kim Hải- viết năm 1952, hay bản “Thù quân xâm lược” của tác giả Ba Dân- năm 1953 (trong kháng chiến chống Pháp). Nối dài sang thời kháng chiến chống Mỹ, có rất nhiều tác giả còn vang danh đến tận giờ. Đó là Xuân Phát, Thanh Hiền, Hai Thọ, Cửu Long Thi, Xuân Quang... với những bài bản được cả ngàn khán giả lặng nghe, kể cả trong những đêm “lén” vào diễn trong vùng tạm chiếm.

Những bài ca Hoa lục bình, Uất hận trường Cầu Xe, Du kích vành đai, Tây Ninh mùa bông sim nở rộ... đã vang xa trên sóng Đài Phát thanh Giải Phóng.

Sinh hoạt đờn ca tại Câu lạc bộ Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh

Cũng cần phải thừa nhận rằng, từ sau giải phóng 1975 đến nay, Tây Ninh đã hơi ít những bài bản “đỉnh cao” kiểu như “Chuyến xe Tây Ninh” của soạn giả Đỗ Thanh Hiền. Nhưng bù lại, phong trào đờn ca tài tử cải lương đã và đang tiếp tục phát triển trên bình diện rộng, như một mạch nước ngầm hồn nhiên lan toả đến mọi vùng đất.

Ngoài Đoàn Văn công Tây Ninh vẫn được Nhà nước bao cấp, còn có hàng trăm câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca. Hiện nay, Tây Ninh không còn một trường đào tạo nghệ thuật nào nhưng lại có những lớp học đờn ca ngày đêm nhen nhóm ngọn lửa nghệ thuật dân gian truyền thống. Như các lớp của Đỗ Thanh Hiền và Thanh Phương ở Thị xã, lớp của Sáu Long bên cửa 10 Toà thánh thuộc địa phận xã Long Thành Bắc, Hoà Thành.

Thật cảm động làm sao khi thấy các em ở lớp Sáu Long, ngày hai bữa cơm chay từ thiện vẫn cắm cúi đam mê với nghiệp cầm ca. Một thông tin khác: cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc của ông Bảy Nguyên cửa số 7 nội ô Toà thánh vẫn đang làm ăn phát đạt. Điều này cho thấy dòng chảy âm nhạc truyền thống dân tộc ở Tây Ninh vẫn còn dồi dào và bền bỉ lắm. Dẫu không còn là “thời thượng” thì đó vẫn là mạch nguồn trong mát thấm trong tâm khảm nhiều người.

N.Q.V

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục