Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông nhà báo nè, mấy hôm nay có sự kiện gì mà tôi thấy các anh chị em văn nghệ sĩ “lên mạng” liên tục, xôm tụ quá vậy ông?
- À, ngày chủ nhật 5.2.2023 này nhằm ngày rằm tháng Giêng, là Ngày Thơ Việt Nam hằng năm đó mà. Ngày Thơ năm nay là lần thứ 21 rồi đó ông. Không chỉ ở tỉnh, Ngày Thơ năm nay còn được tổ chức ở bốn huyện, thị vào ngày hôm qua đó.
- Thảo nào, tôi nhớ ai đó có nói, dân tộc mình rất giỏi đánh giặc và làm thơ. Riêng với tỉnh nhà mình, nếu tôi nhớ không nhầm thì có lần tôi đọc được trên tờ báo Tổ quốc của một cơ quan Trung ương, có một bài tựa đề là “Phải chăng Tây Ninh đã có Ngày thơ Nguyên tiêu từ năm 1901”. Như vậy theo bài báo đó thì giới văn học tỉnh mình đã có Ngày Thơ từ hơn 120 năm trước rồi hả ông?
- Ông nhớ không nhầm đâu. Thật ra nội dung bài báo ấy là nhắc lại một sự kiện văn học ở tỉnh mình có ghi trong sách “Tây Ninh xưa và nay” của nhà khảo cứu Huỳnh Minh, xuất bản ở Sài Gòn năm 1972.
- Thì ra ông cũng có đọc bài đó. Ông còn nhớ nội dung của nó không, nói lại cho tôi nghe với?
- Bàn Dân còn nhớ bài báo ấy, tóm tắt là tác giả cho biết, theo sách “Tây Ninh xưa và nay”, ở phần “Tây Ninh qua các bộ môn văn nghệ”, có đoạn viết: “Âm lịch năm Tân Sửu-1901, tháng giêng, nhân dịp bạch mai trổ hoa, làng thơ Tây Ninh tổ chức cuộc hành hương lên núi Điện Bà, có rước Nguyệt Anh (Sương Nguyệt Anh) nữ sĩ tham dự, luôn tiện thưởng hoa bạch mai, thừa hứng ngâm đề, nêu câu giai
tác…”. Góp mặt trong cuộc “Nguyên tiêu thắng thưởng” này, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã hứng bút đề thơ, sáng tác một bài thơ quốc âm “Vịnh bạch mai trên núi Điện Bà Tây Ninh” và hai bài thơ chữ Hán tựa đề là “Linh Sơn nhất thụ mai”.
Tuy nhiên, bài báo trên lại có điều Bàn Dân cảm thấy hơi lạ, là sao không thấy tác giả trích dẫn bài thơ làm bằng chữ quốc ngữ, lại trích dẫn hai bài thơ chữ Hán của bà Sương Nguyệt Anh, kèm theo bản dịch của một nhà thơ trong tỉnh Tây Ninh. Trong khi bài thơ quốc ngữ đã đi vào lòng người Tây Ninh hơn một thế kỷ rồi, sách Tây Ninh xưa và nay cũng có ghi lại đầy đủ.
- Ông có thuộc bài thơ “Vịnh bạch mai trên núi Điện Bà”, tức là núi Bà Đen không, đọc cho tôi chép với.
- Bài thơ ấy phải nói là thuộc về hàng tuyệt tác, làm theo thể thơ Đường luật, chỉ dài có tám câu, năm mươi sáu chữ, nên đọc cũng dễ thuộc. Bàn Dân đọc lại ông nghe nhé. Thơ rằng: “Non linh đất phước trổ hoa thần/ Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân/ Tuyết nhuộm nhành tiên in sắc trắng/ Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân/ Mây lành gió tạnh nương hơi chánh/ Vóc ngọc mình băng bặt khói trần/ Sắc nước hương trời nên cảm mến/ Non linh đất phước trổ hoa thần”.
- Bài thơ quá hay. Tôi có cảm tưởng như là ý tưởng của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh không chỉ tán thưởng vẻ đẹp của hoa mai trắng nở trên núi Bà, mà còn muốn ngợi ca hình tượng Bà Đen linh thiêng, cao cả, phù hộ độ trì cho mọi người trên cõi thế gian, cho nên người ta rất sùng tín Bà.
- Thơ là nét đẹp tinh thần mà người làm thơ đem lại cho người đọc. Còn cảm nhận nét đẹp ấy như thế nào là tuỳ cảm nhận của mỗi người. Ông cảm nhận như thế cũng rất hay và đúng thực tế là cho đến ngày nay với việc tỉnh ta tập trung phát triển du lịch, cụ thể là ở Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là rất phù hợp với lòng mong muốn của toàn dân Tây Ninh, cũng như của du khách trong, ngoài nước, từ đó góp phần phát triển kinh tế du lịch, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế chung của tỉnh.
- À, nhân bàn tới chuyện Ngày Thơ ở Tây Ninh, tới bài báo đề cập tới tác phẩm thơ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, ái nữ của cụ Nguyễn Đình Chiểu, vị chủ bút nữ đầu tiên, của tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam là tờ Nữ giới chung, tôi lại sực nhớ một sự việc mới xảy ra của nhà mạng Google ở Việt Nam, nghĩ cũng “thương mà tội” cho anh Google quá ông!
- Ông muốn nói đến chuyện Google “bị xộ” khi đưa ảnh bà Sương Nguyệt Anh làm Doodle, tức là biểu tượng trang chủ của Google trong ngày 1.2.2023 nhằm kỷ niệm ngày sinh của nữ sĩ chứ gì.
Thật ra ý tưởng của “anh” Google trong việc thay cái logo màu mè của ảnh trong từng ngày bằng hình ảnh những ngày kỷ niệm, những sự kiện đặc biệt, những danh nhân nổi tiếng là rất hay và thu hút người dùng Google.
Còn về sự việc tranh vẽ chân dung được cho là bà Sương Nguyệt Anh cũng với hình ảnh hoa mai nhằm nhắc đến thành tựu thi ca của nữ sĩ, nhắc người ta nhớ đến chuyến du xuân nguyên tiêu thưởng mai của nữ sĩ đến Tây Ninh hơn 120 năm trước cũng là ý tưởng rất tốt.
Chỉ có điều là Google… đưa nhầm hình ảnh của người khác để rồi bị cộng đồng mạng phát hiện, khiến “ảnh” phải đính chính, xin lỗi, kể cũng “hơi bị tẽn tò”. Nhưng dù sao Bàn Dân nghĩ, Google thẳng thắn “nhận khuyết điểm” như thế kể cũng “sòng phẳng” đó chứ!
Bàn Dân