Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người là “việc nhân nuôi ĐVHD như thế nào là đúng với quy định pháp luật”.

Vừa qua, tại Thảo cầm viên Sài Gòn (TP.HCM) đã diễn ra hội thảo “Nhân nuôi, phát triển bền vững động vật có nguồn gốc hoang dã”, do Tổng Cục Lâm nghiệp, Hội Động vật hoang dã (ĐVHD) Việt Nam, Thảo cầm viên Sài Gòn và Chi cục Kiểm lâm TP.Hồ Chí Minh đồng tổ chức. Tham gia hội thảo ngoài đại diện của các cơ quan nêu trên còn có các nhà khoa học, các chuyên gia về động vật hoang dã như: Giáo sư – Tiến sĩ (GS.TS) Lê Vũ Khôi, GS.TS Nguyễn Lân Hùng… và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan, một số cơ sở nhân nuôi ĐVHD trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... Vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người trong hội thảo là sự “cần thiết và việc nhân nuôi ĐVHD như thế nào là đúng với quy định pháp luật”. Nhiều báo cáo khoa học đã được trình bày tại hội thảo…
Nguy cơ tuyệt chủng của các loài ĐVHD
![]() |
GS.TS Nguyễn Lân Hùng phát biểu tại hội thảo |
Ngoài ý nghĩa vật chất về giá trị kinh tế (thịt, nguồn dược liệu, hương liệu, mỹ phẩm…), trên khía cạnh văn hoá tâm linh và chức năng cân bằng sinh thái, ĐVHD còn là cơ sở khoa học để chứng minh quá trình tiến hoá của sinh giới, đó là ngân hàng “gen” – một tài sản thiên nhiên vô giá mà thiên nhiên phải mất hàng triệu triệu năm tái tạo để ban tặng cho nhân loại. Nhưng từ lâu nay con người chỉ biết tìm mọi cách để khai thác, vơ vét một cách không hợp lý, sử dụng không bền vững các loài ĐVHD, đã làm cho số lượng các loài ĐVHD ngày càng giảm sút trầm trọng trong đó có nhiều loài đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trên thế giới, chỉ tính riêng vài thế kỷ gần đây đã có đến 1.088 loài bị biến mất trên trái đất. Ở Việt Nam cũng có một số loài không còn tìm thấy ngoài môi trường thiên nhiên như: Heo vòi, Tê giác hai sừng, Bò xám… và hiện nay đang có 93 loài thú, 78 loài chim, 54 loài bò sát ếch nhái, 51 loài cá biển, 38 loài cá nước ngọt và 105 loài động vật không xương sống đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt có 27 loài thú, một số loài chim được Tổ chức quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (IUCN) xếp vào danh sách các loài động vật quý hiếm trên thế giới, cần ưu tiên bảo vệ, bảo tồn để phát triển bền vững.
Thực trạng việc nhân nuôi các loài ĐVHD quý hiếm
Ở Việt Nam trong những năm cuối của thế kỷ XX và gần đây đã hình thành nhiều cơ sở nhân nuôi một số loài ĐVHD có giá trị kinh tế cao, quý hiếm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Theo Văn phòng CITES Việt Nam, hiện nay trong cả nước có hơn 4.000 cơ sở nhân nuôi ĐVHD với gần 2 triệu cá thể các loại của 136 loài. Phần lớn các loài được nuôi là các loài quý, hiếm, có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế cao như: rắn hổ mang, cá sấu, ba ba gai, ba ba trơn, kỳ đà, trăn các loại, hươu sao, nai, nhím, hổ, báo, lợn rừng, công, trĩ, vẹt… Tuy nhiên, việc nhân nuôi các loài ĐVHD ở Việt Nam cho đến nay còn mang tính chất tự phát, chưa thực hiện đúng hướng dẫn, chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý chặt chẽ; phương pháp chăn nuôi đơn giản, hình thức nuôi nhốt là chủ yếu, chưa phù hợp với điều kiện sinh thái nhiệt đới, chưa chủ động nguồn thức ăn, chưa có biện pháp phòng và chữa bệnh cho vật nuôi, chưa biết kết hợp với kỹ thuật công nghệ sinh học trong nhân nuôi, sinh sản cũng như vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn trong nhân nuôi. Mặc khác, việc nhân nuôi các loài ĐVHD quý, hiếm chưa gắn liền với việc bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái và tài nguyên động vật.
Định hướng nhân nuôi ĐVHD theo hướng phát triển bền vững
Một điều chưa thể phủ nhận ngay được là hiện nay nhu cầu sử dụng một số sản phẩm từ động vật hoang dã, của một bộ phận trong xã hội tuy không nhiều nhưng nếu không có biện pháp thì ắt sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến các loài hoang dã, quý, hiếm đang được bảo vệ trong tự nhiên. Vì vậy, song song với vấn đề bảo vệ và phục hồi rừng, phục hồi hệ sinh thái, vấn đề tổ chức và phát triển nhân nuôi các loài ĐVHD quý hiếm, có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế cao cần được phát triển dưới nhiều hình thức nhân nuôi khác nhau như: nhân nuôi trong các trạm cứu hộ động vật, trong các trang trại doanh nghiệp, trong các vườn động vật, khu du lịch, hộ gia đình… Song việc tổ chức nhân nuôi, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước phải tuân thủ nghiêm theo các quy định pháp luật được cụ thể hoá trong các luật: Bảo vệ môi trường, Đa dạng sinh học, Thuỷ sản... và Công ước CITES.
![]() |
TS Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu kết luận hội thảo |
Việc tổ chức nhân nuôi các loài ĐVHD có giá trị kinh tế gắn với công tác bảo tồn dựa trên cơ sở luật pháp, quy định của Nhà nước là nhằm giữ gìn, phát triển các nguồn gen động vật quý hiếm của quốc gia. Đồng thời góp phần tạo việc làm, phát huy kiến thức bản địa, truyền thống của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc quy hoạch để hình thành các khu nhân nuôi một số loài ĐVHD quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, có giá trị bảo tồn dựa trên cơ sở khoa học sinh thái nhiệt đới trong điều kiện ở nước ta là một yêu cầu khách quan mang tính chiến lược lâu dài. Đây cũng là hướng kết hợp hài hoà giữa biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại chỗ - nguyên vị (Insitu) và biện pháp bảo tồn chuyển chỗ (Exsitu).
Vấn đề còn lại là các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần có những định hướng, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng được cụ thể hoá thành các quy trình, quy phạm kỹ thuật để hướng dẫn cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu nhân nuôi các loài ĐVHD quý hiếm có nguồn gốc tự nhiên thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vừa ngăn ngừa vi phạm, đồng thời qua đó hướng dẫn, tạo điều kiện cho người kinh doanh làm đúng theo quy định pháp luật. Đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học không chỉ dừng lại ở bước hướng dẫn mà cần tiếp tục gắn bó với cơ sở để vừa mang kiến thức lý luận vào vận dụng trong thực tiễn mà còn tiếp tục nghiên cứu thực tiễn để hoàn thiện lý luận, từ đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện những quy trình, quy phạm kỹ thuật nhân nuôi các loài ĐVHD có nguồn gốc tự nhiên.
Thanh Tùng