Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhân sự CNTT: Những 'chốt chặn' chưa có lời giải
Chủ nhật: 08:48 ngày 22/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đằng sau hình ảnh của một điểm đến hấp dẫn về gia công phần mềm, thị trường Việt Nam vẫn đang cho thấy sự căng thẳng về lực lượng nhân công và những “chốt chặn” chưa tìm được lời giải.

Ảnh minh họa. 

Đằng sau những con số

Khảo sát về ngành dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam do hãng kiểm toán KPMG thực hiện vào tháng 9 vừa qua cho thấy, có đến 88% doanh nghiệp (DN) dự báo ngành CNTT sẽ tăng trưởng ít nhất là 15% trong 3 năm tới.

Đáng chú ý, đến 40% lãnh đạo DN nhận định DN của mình sẽ phát triển trên 25%/năm và 73% những người được hỏi cho hay Việt Nam hiện là thị trường có chi phí vận hành DN dưới mức trung bình.

Đa số các nhà đầu tư vào lĩnh vực CNTT cũng thừa nhận những nhân tố thành công lớn cho ngành dịch vụ phần mềm Việt Nam là vị trí địa chiến lược, chi phí nhân công cạnh tranh, chi phí đầu tư thấp và chính sách thuế hấp dẫn.

Hơn 90% người trả lời cho rằng lực lượng lao động ngành CNTT Việt Nam có thể nhanh chóng thích nghi với công nghệ mới. Gần 3/4 các trường đại học kỳ vọng sẽ có lượng sinh viên CNTT tăng thêm ít nhất là 10% trong những năm tới.

Tuy nhiên, nếu so với những con số tiềm năng đang mở ra cơ hội lớn cho ngành gia công dịch vụ CNTT Việt Nam thì bài toán nhân sự cho ngành này dường như vẫn đang “mắc kẹt”. Trong khi trọng tâm của ngành CNTT là con người, là nguồn nhân lực thì ngành CNTT đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng.

Báo cáo của trang việc làm Vietnamworks tháng 4 năm 2016 cho thấy đến năm 2020, nếu tăng trưởng nhân lực chỉ ở mức 8% thì Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm, và đến năm 2020 sẽ thiếu khoảng nửa triệu người, tức thị trường trong nước lúc đó chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 tổng nhu cầu nhân lực của ngành.

Còn nếu ở trong một trạng thái lạc quan hơn, tức như kỳ vọng của các trường đại học trong khảo sát trên đây “sẽ có lượng sinh viên CNTT tăng thêm ít nhất là 10% trong những năm tới” thì con số nhân lực thiếu hụt cũng vẫn không hề nhỏ.

Căng thẳng nhân lực

Nói về những căng thẳng có thật khi tìm kiếm nhân sự, đại diện cho một trong những DN lớn về gia công dịch vụ CNTT, bà Trịnh Thị Thanh Hà, Giám đốc Tài chính Công ty Harvey Nash cho hay, “năm nay DN muốn tuyển 500 nhân lực nhưng cuối cùng chỉ tuyển được 30 nhân viên, bởi cứ qua kiểm tra kỹ năng là hỏng hết”.

Ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Global Cybersoft thì cho rằng: “Thiếu hụt nhân lực như vậy thì kiểu gì sinh viên ra trường cũng có việc làm, cần gì phải bàn giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực giữa chúng tôi và các trường đại học đào tạo ngành CNTT nữa”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty phần mềm Smart World, riêng năm 2016, Việt Nam đã cần có khoảng 380.000 kỹ sư CNTT nhưng thực tế chỉ đáp ứng được 180.000 người. Vị nữ giám đốc vẫn đang là giảng viên tại một trường đại học còn nhận xét sinh viên CNTT mới tốt nghiệp của các trường “tốp dưới” hầu như rất yếu kém về kỹ năng chuyên môn. “Anh em lãnh đạo các DN phần mềm chơi với nhau, biết nhau cả mà giờ này phải muối mặt giành người của nhau”, bà Thủy chia sẻ.

Cho rằng ngành gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam đã dần xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới (năm 2016 được Gartner đánh giá là 1 trong 6 nước hàng đầu Châu Á) nên đang có điều kiện phát triển mạnh, tuy nhiên, ông Trần Phúc Hồng, Phó Chủ tịch Công ty TMA Solutions, nhận định do nguồn cung nhân lực hạn chế, lượng đào tạo kỹ sư CNTT tăng chậm đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển của ngành.

Tình trạng “săn” người của nhau khiến tỷ lệ nhảy việc của nhân sự ngành CNTT tại nhiều DN rất cao. Vì vậy, DN muốn giữ người sẽ phải tăng lương liên tục. Hoạt động sản xuất vì thế bấp bênh, không ổn định. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ công nghệ quốc tế vì giá nhân công ngày càng cao, tỉ lệ nhảy việc lớn, tăng trưởng thiếu bền vững, không ổn định chất lượng cũng như tuân thủ khả năng giao hàng đúng hạn.

Đó là chưa kể sự phát triển của khách hàng từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc những năm gần đây càng khiến cho tình hình thiếu hụt kỹ sư CNTT vừa giỏi chuyên môn, vừa am tường ngoại ngữ càng thêm trầm trọng.

Sau “chữa cháy”, phải có kế sách dài hơi

Để giải bài toán này, theo tiến sĩ Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Hãng kiểm toán KPMG Việt Nam, “hiện tượng này sẽ không kéo dài lâu. Thị trường lao động cũng vận hành như “nước chảy chỗ trũng”. Thiếu người nên các DN phải trả lương cao hơn, yếu tố thị trường đó sẽ tự nhiên đẩy lượng lao động trẻ chuyển sang học tập và làm việc cho ngành này. Đặc biệt ngành CNTT Việt Nam đang được bổ sung thêm nguồn sinh viên đáng kể từ nước ngoài trở về.

Thế nhưng, có lẽ kỳ vọng ấy vẫn chưa thành hiện thực vào lúc này, khi mà trên thực tế, chuyện “hụt người” được một số DN giải quyết theo kiểu “chạy ăn từng bữa”. Trong đó, chủ yếu là DN phải tự đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung thêm cả kiến thức chuyên môn lẫn ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions cho hay hiện doanh số từ thị trường Nhật của DN này đang tăng nhanh, dự kiến có thể tăng lên đến 15% trong một vài năm tới. Nhưng số kỹ sư biết tiếng Nhật không nhiều. “Nếu chờ các trường đại học đào tạo đủ lượng và chất chắc còn lâu, chúng tôi tự đào tạo vậy”, ông Lệ giải thích thêm về các khóa học tiếng Nhật chuyên ngành do chính TMA Solutions mở ra.

Thế nhưng, có bao nhiêu DN CNTT đủ sức tuyển dụng và liên tục đào tạo để phục vụ cho việc mở rộng thị trường như TMA, nhất là trong bối cảnh nhân sự ngành CNTT có tình trạng “nhảy việc” liên tục.

Theo giải thích chung của các DN ngành CNTT, chốt chặn chính về số lượng nhân sự nằm ở chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường. Nghĩa là các cơ sở giáo dục đều phải tuân thủ “quota” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nên, theo các DN, hoặc là bỏ “quota” đi cho thị trường tự điều tiết hoặc phải tính toán, xây dựng lại chỉ tiêu tuyển sinh sao cho hợp lý, dựa trên tăng trưởng của ngành CNTT hàng năm.

Ông Vương Bảo Long, Giám đốc nhân sự của Tập đoàn LogiGear thì cho rằng về quản lý nhà nước, trước hết cần xây dựng danh bạ ngành CNTT với số liệu thống kê, dự đoán chính xác, toàn diện và kịp thời làm cơ sở cho các quyết sách lớn về ngành CNTT. Còn về lâu dài, xã hội và truyền thông cần có sự tuyên truyền khuyến khích thanh niên tham gia ngành CNTT nhiều hơn nữa.

Khi bắt đầu đặt chân vào ngành dịch vụ CNTT hồi 20 năm trước, Việt Nam vẫn là “em út”, đi sau nhiều nước. Nhưng những phát kiến công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng 4.0 đã cho Việt Nam một xuất phát điểm mới, ngang với mọi điểm đến gia công khác trên toàn cầu. Bởi vậy, người nắm giữ câu trả lời về một vận hội lớn cho nền kinh tế có lẽ không chỉ là các DN, lực lượng lao động hay các cơ sở đào tạo, mà còn chính là những nhà điều hành chính sách cho ngành giáo dục nước nhà.

Nguồn TTO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục