Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Làn sóng "nhảy việc" đầu năm bắt đầu diễn ra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều nhân sự tại TP.HCM và Hà Nội quyết định nghỉ việc sau khi nhận đủ phúc lợi tài chính năm ngoái.
Ngày đầu tiên quay trở lại văn phòng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Hồng Phúc (27 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hạ sáng màn hình máy tính xuống mức tối đa, bắt tay vào chỉnh sửa CV. Anh muốn tìm kiếm nơi chốn mới trước khi cho sếp, đồng nghiệp biết quyết định nghỉ việc.
Phúc dự định “nhảy việc” từ cuối năm ngoái, không thấy khả năng thăng tiến ở doanh nghiệp hiện tại. Tuy nhiên, khoản thưởng Tết và lương tháng 13 giữ anh lại đến nay.
Hơn nữa, quản lý dự án marketing này cũng hiểu rằng thị trường tuyển dụng chỉ trở nên sôi động sau kỳ nghỉ lễ. Đây là thời điểm vàng để anh tìm kiếm công việc mới.
“Trong khi đồng nghiệp khai xuân với bản kế hoạch năm mới, tôi lại khai bút bằng đơn xin nghỉ việc”, Hồng Phúc nói.
Sau kỳ nghỉ lễ dài nhất năm, nhiều nhân sự đón sóng "nhảy việc". Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search, thị trường lao động Việt Nam sau Tết Nguyên đán được coi là “mùa nhảy việc”.
Đây là thời điểm người lao động đã nhận đủ phúc lợi tài chính của năm trước, mong muốn tìm kiếm và ổn định tại vị trí mới để bắt nhịp với guồng công việc từ đầu năm.
Đứng trước tình trạng nhân sự đồng loạt nộp đơn xin nghỉ, mỗi công ty có phản ứng khác nhau. Trong khi một số quản lý loay hoay giữ chân nhân tài, nhiều lãnh đạo lại để nhân sự rời đi, tiện thể tinh gọn bộ máy, tái cơ cấu tổ chức doanh nghiệp.
Hết Tết, đơn xin nghỉ việc trên bàn
Đây không phải lần đầu Hồng Phúc “nhảy việc” ngay sau kỳ nghỉ Tết. Anh từng đưa ra quyết định tương tự một năm trước, khi chuyển đến công ty hiện tại.
Hồng Phúc chỉnh sửa CV từ những ngày đầu trở lại văn phòng sau Tết.
Quản lý marketing này thường nhận thưởng dự án vào dịp cuối năm, không muốn ra đi tay trắng sau cả năm cố gắng. Vì vậy, dù chán nản với công việc, anh chưa từng nộp đơn xin nghỉ trước Tết Nguyên đán.
Với lần chuyển đổi này, Hồng Phúc hướng đến môi trường lớn hơn, mong muốn có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Sau 5 năm lăn lộn trong ngành, anh không muốn chỉ dừng lại ở vị trí quản lý dự án.
Hồng Phúc đã “nhăm nhe” một số công ty trong lĩnh vực và cũng nhận được vài lời mời làm việc từ trước Tết. Trước mắt, anh cần cập nhật CV gửi đi và tham gia phỏng vấn.
“Tôi muốn ‘chắc chân’ ở bến đỗ mới trước khi gửi đơn xin nghỉ việc và nói chuyện với sếp hiện tại”, Phúc chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Khác với Hồng Phúc, nhân viên hành chính - nhân sự Hằng Nga (24 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) dự định nộp đơn xin nghỉ ngay trong tuần làm việc đầu tiên của năm mới Ất Tỵ dù chưa tìm kiếm bến đỗ mới.
Hằng Nga nhanh chóng nộp đơn xin nghỉ việc dù chưa tìm được công việc mới.
Nga cho biết không còn thiết tha với công việc hiện tại, chán cảnh xuất hiện ở văn phòng này mỗi ngày. Tuy nhiên, nhân sự 24 tuổi cũng đã nhận lương tháng 13, thưởng doanh thu trước Tết, không muốn mang tiếng “ăn cây táo, rào cây sung”, cố gắng cầm cự đến sau kỳ nghỉ lễ.
Hơn nữa, Hằng Nga cho biết công ty cô bắt đầu triển khai các kế hoạch cho năm mới từ sớm. Nếu không thể tham gia vào các dự án này, Nga muốn sớm rút lui, tránh ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung.
“Nếu còn ở công ty hiện tại, tôi không có thời gian đi phỏng vấn tại các đơn vị khác. Tôi muốn tìm việc mới, ổn định vị trí càng sớm càng tốt”, Nga chia sẻ.
Người giữ chân, người không níu
Sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, trưởng phòng kinh doanh Đỗ Phú (32 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) liên tiếp nhận được 2 đơn xin nghỉ việc từ cấp dưới. Đây đều là 2 nhân sự quan trọng trong đội nhóm của Phú.
Dù phần nào đoán trước được ý định của nhân viên, anh vẫn bất ngờ vì thông tin đến liên tục trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết. Đỗ Phú ngay lập tức hẹn gặp riêng cấp dưới, đưa ra các đề nghị mới nhằm giữ chân nhân sự.
Ở thời điểm này, trưởng phòng kinh doanh 32 tuổi chưa thể xin tăng quỹ lương, đem đến thu nhập tốt hơn cho nhân viên.
Vì thế, anh quyết định xin cấp trên nâng chức vụ cho 2 nhân sự xin nghỉ lên trưởng và phó nhóm, hứa hẹn nâng lương theo vị trí công tác sau 3-6 tháng thử sức.
“Tôi nghĩ rằng đây là một đề nghị hấp dẫn. Sau khi thăng tiến và công tác tại vị trí này một thời gian, các bạn dễ dàng tìm kiếm công việc mới ở chức vụ tương tự. Trong thời gian đó, tôi vẫn có nhân sự dưới quyền làm việc”, Đỗ Phú chia sẻ.
Sau lời đề nghị của trưởng phòng này, cả 2 nhân viên xin nghỉ đều xin thời gian suy nghĩ thêm, thông báo về quyết định cuối cùng đến anh sau.
Quản lý các doanh nghiệp có cách phản ứng khác nhau trước quyết định nghỉ việc của nhân sự. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Trong khi đó, Hồng Vân (31 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), trưởng nhóm marketing bán hàng của một doanh nghiệp công nghệ, lại không có ý định giữ chân nhân sự đón sóng “nhảy việc” đầu năm.
“Nếu các bạn nóng lòng muốn rời đi, tôi cũng không cần. Níu chân nhân viên không phải phong cách quản lý của tôi”, Vân nói.
Ngoài ra, công ty của cô cũng có kế hoạch cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy trong năm nay. Nếu cấp dưới không tự nghỉ, trưởng nhóm marketing bán hàng này phải lựa chọn cái tên muốn gạch khỏi danh sách nhân viên.
Việc thông báo với cấp dưới sẽ trở thành gánh nặng đối với Hồng Vân. Theo dự đoán của quản lý này, một nhân sự dưới quyền cô có khả năng xin nghỉ trong thời gian tới.
“Tôi sẽ tôn trọng quyết định của bạn. Đội nhóm của tôi vẫn có đủ người làm việc trong 6 tháng tới, không cần gấp gáp tuyển dụng thêm”, Vân thẳng thắn chia sẻ.
Nguồn znews