BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhân thăm làng nghề sinh vật cảnh huyện Củ Chi- TP.HCM: Nhìn người, ngẫm ta

Cập nhật ngày: 21/05/2009 - 01:52

Trong quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020 mới được thông qua tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh vừa qua có quy hoạch phát triển một số ngành nghề nông thôn mới, trong đó có ngành nghề nuôi trồng sinh vật cảnh (SVC). Hiện tại hầu như ở tất cả các huyện thị trong tỉnh Tây Ninh đều có hộ làm nghề SVC, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự phát triển đúng mức. Trong khi đó ở huyện Củ Chi, TP.HCM- một huyện giáp ranh với tỉnh Tây Ninh thì nghề nuôi trồng SVC đã và đang phát triển mạnh mẽ.

Một góc làng nghề SVC ở Củ Chi.

Cuối tháng 4 năm 2009, tại ấp Bến Cỏ, xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi- TP.HCM đã diễn ra lễ ra mắt làng nghề SVC. Đến tham dự mới thấy được cách tổ chức bài bản và quy mô rộng lớn của làng nghề SVC ở đây như thế nào. Ngay từ cổng vào khu làng nghề có một hàng chữ khổng lồ đề “Làng sinh vật cảnh” được cắt tỉa rất nghệ thuật từ những cây xanh trồng trên đất. Trên những con đường đi nội bộ trong làng nghề, những hình tượng rồng lượn, độc bình, bình trà, tách trà… cao gần 2 mét cũng được tạo dáng độc đáo và rất đẹp từ những cây xanh trồng dưới đất. Đặc biệt, dọc đường đi có những nhà nghỉ mát rộng thoáng cũng được “xây dựng” bằng cách đan cành lá những cây xanh trồng thành 4 cây cột, trông rất nghệ thuật và mát mẻ. Trong làng nghề SVC, có nhiều nơi trưng bày những sản phẩm của làng nghề như cây cảnh, hoa lan, cá cảnh, đá cảnh và một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Riêng về cá cảnh, ở đây trưng bày từ con cá 7 màu với giá chỉ vài ngàn đồng đến con cá cảnh nhập từ Nhật Bản với giá đến 6.000USD. Một thành viên Ban chủ nhiệm cho biết, tổng diện tích làng nghề SVC ở đây là 110 ha. Giai đoạn đầu, làng nghề xây dựng sản xuất tập trung trên diện tích 30 ha, giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm 80 ha nữa. Song song với việc phát triển làng nghề, Ban chủ nhiệm dự kiến sẽ tổ chức tập huấn và đào tạo nghệ nhân ở nhiều lĩnh vực, nghiên cứu áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng SVC, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư lĩnh vực xuất nhập khẩu sản phẩm SVC. Mục tiêu phấn đấu của làng nghề SVC ở Củ Chi là cứ mỗi 1.000 mét vuông sẽ cho thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/năm.

Thực ra không phải tự nhiên mà huyện Củ Chi hình thành được làng nghề SVC nhanh chóng như vậy. Trước đó, ở đây có khá nhiều hộ chuyên sinh sống bằng nghề nuôi trồng SVC, trong đó chủ lực là cá cảnh, hoa lan, cây kiểng, mai vàng… Sự phát triển nghề nuôi trồng SVC ngày càng lớn, đòi hỏi phải có tổ chức hợp tác làm ăn để nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đó ở huyện Củ Chi hình thành Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thuỷ sản có tên là Hà Quang. HTX Hà Quang tập trung hàng trăm hộ đang sinh sống bằng nghề nuôi trồng SVC, tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Do HTX hoạt động có hiệu quả, các xã viên ngày càng tiếp tục phát triển nghề nghiệp. Nhìn thấy tiềm năng to lớn này, chính quyền địa phương đã cho lập quy hoạch phát triển làng nghề SVC với tổng diện tích lên đến 500 ha. Từ khi có quy hoạch phát triển làng nghề SVC, HTX Hà Quang đã mạnh dạn xin phép thành lập làng nghề dựa trên nền HTX để tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các xã viên tham gia. Thế là làng nghề SVC ở huyện Củ Chi ra đời.

Nhìn lại tỉnh nhà, không ít người đến tham quan làng SVC ở Củ Chi phải băn khoăn, suy nghĩ. Trước tiên là về lực lượng nghệ nhân nuôi trồng SVC thì ở Tây Ninh không thiếu- thậm chí có thể nói là rất dồi dào. Trong đó, có số hộ từng đầu tư vốn hàng tỷ đồng để xây dựng vườn lan cắt cành và đã đem lại hiệu quả cao như ở huyện Trảng Bàng, Gò Dầu. Hoặc cũng có không ít hộ nuôi trồng và tạo dáng hàng ngàn gốc mai, hàng trăm cây cảnh, vừa để chơi, vừa để kinh doanh. Nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh cũng phát triển. Hiện có hàng trăm cơ sở vừa ươm giống cá thịt, vừa ươm giống cá cảnh bán ra thị trường, đồng thời cũng có hàng trăm hộ chuyên sinh sống bằng nghề nuôi cá. Ngoài những hộ nuôi trồng SVC chuyên nghiệp, còn có không ít nghệ nhân không chuyên, nhưng quy mô nuôi trồng không nhỏ. Tay nghề và kỹ thuật nuôi trồng SVC ở Tây Ninh so với nhiều tỉnh khác không hề thua kém, trong đó có người đã có từng đoạt giải tại những cuộc thi hoa kiểng khu vực.

Điểm sơ qua như thế để thấy rằng, tiềm năng nuôi trồng SVC ở Tây Ninh không hề nhỏ. Tuy nhiên, điều băn khoăn là làm thế nào tập trung được lực lượng này để hình thành cung cách làm ăn hợp tác, hoặc thành lập làng nghề để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn. Trước đây, ở thị xã Tây Ninh và một số huyện trong tỉnh cũng thành lập được Câu lạc bộ hoặc Hội hoa kiểng để tạo điều kiện cho dân trong nghề học hỏi, giao lưu, trao đổi tay nghề cùng nhau. Thế nhưng do hội chỉ thiên về nghệ thuật hoa kiểng nhiều hơn, không thể tạo được thu nhập kinh tế cho thành viên nên hoạt động ngày càng yếu dần. Do đó, muốn thành lập được làng nghề nuôi trồng SVC, bước đầu nên tổ chức kiểu hợp tác làm ăn như HTX Hà Quang ở Củ Chi để tập trung những hộ có tiềm năng phát triển lĩnh vực này. Khi HTX làm ăn hiệu quả thì sẽ tiến lên bước cao hơn là thành lập làng nghề. Ở từng giai đoạn phải có định hướng, kế hoạch, phương án và mục tiêu phát triển cụ thể. Song song đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, nhất là phải có quy hoạch cụ thể đối với nghề nuôi trồng SVC và vốn đầu tư trong giai đoạn đầu.

Tất nhiên, mỗi địa phương có những điều kiện đặc thù khác nhau. Thế nhưng, nhìn người mà ngẫm nghĩ về ta thì vẫn dễ tìm ra điểm sáng hơn là không nhìn. Làng SVC ở huyện Củ Chi cũng là một trong những điểm rất cần được Tây Ninh nghiên cứu để vận dụng vào địa phương mình khi muốn thành lập làng nghề nuôi trồng SVC theo như quy hoạch phát triển làng nghề đã đề ra.

SƠN TRẦN