Nụ cười khảo cổ.
Đến đây vào ngày cuối tháng 11.2019, khi mà cuộc khai quật đã gần xong, người viết hỏi thăm thì trên gương mặt Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên- Giám đốc Trung tâm Khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Nam bộ vẫn toả nắng một nụ cười rạng rỡ. Ngay cả các thành viên khác cũng vậy! Là các cán bộ trẻ của Bảo tàng tỉnh và của Trung tâm. Họ vẫn say mê làm việc ở các công đoạn cuối cùng. Như vẽ ghi chi tiết các hố đào và… chụp ảnh. Cho dù họ đã liên tục bám sát hiện trường hơn một tháng qua.
Không vui sao được! Khi cả một vùng di tích đã được phơi bày dưới nắng trời. Sáu hố đào, mà hố nào cũng đầy ắp những di vật của người xưa. Từ những hố móng tháp xây gạch dày tới vài ba mét. Những bức tường gạch chạy dài lốm đốm 2 màu: đen và vàng đất, khi mà đường đào cắt ngang một đống gạch có lẽ còn dư lại sau khi tháp đã xây xong. Đường cắt ngang ấy cho thấy một loại gạch đặc biệt: bên ngoài bao bọc một lớp đất nung, bên trong là đất đã cháy thành than.
Điều này đã cho viên gạch một tính chất đặc biệt. Là nhẹ, xốp, thẩm thấu nước mà vẫn vẹn nguyên sau hàng trăm năm xây dựng. Toàn bộ các khối xây đều không mạch vữa theo một phương pháp đã thất truyền. Lại có cả những phiến đá vuông thành sắc cạnh.
Lanh tô, thành cửa đi chăng! Hay những tấm vuông có khoan một lỗ tròn. Điều này cho phép hình dung một trục quay của tấm cửa. Nhưng mà, kỳ thú nhất là có những hố lấy được vẹn nguyên một góc của tường móng tháp.
Chắc chắn vào lúc mới xây, góc tường này đã nổi trên mặt đất. Để cho người ta chiêm ngưỡng tài hoa bậc nhất của các nghệ nhân xưa. Đấy là góc tường móng dày đặc những đường gờ chỉ, với các loại hoa văn. Chỗ thì lượn cong chạm khắc lá bồ đề, chỗ lại zíc zắc những đường kỷ hà ngang dọc.
Góc tường lại được điểm xuyết các viên gạch vuông đã được khắc tạo hình lá và hoa cúc. Tất cả đều sống động như hoa lá tự nhiên vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài cả ngàn năm. Cuộc thức dậy của di tích khảo cổ học Bến Đình vào cuối năm 2019 ấy, đã làm sửng sốt tất cả mọi người; dù có chuyên môn hay không, được đến và may mắn nhìn tận mắt.
Cọc và cấu kiện gỗ ở bờ sông trước gò.
Thật ra, cuộc khảo cổ lần này không mới. Bởi đã có cả trên trăm năm các nhà khảo cổ học quan tâm tới di tích Bến Đình. Có điều với quy mô lớn như trên, thì chỉ làm sáng tỏ thêm tầm vóc của một di tích thời sơ sử mà thôi. Hãy điểm lại vài cuộc khảo sát và khảo cổ tại Bến Đình đã được ghi chép lại.
Thoạt tiên là vào năm 1909 tức là 110 năm, trước cuộc khai quật lớn tại Bến Đình, nhà khảo cổ người Pháp- Henry Parmentier đã khảo sát và ghi lại trong một bài báo đăng trên Tạp chí của Trường Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Pháp (bản dịch của TS. Nguyễn Hồng Kiên). Bài có đoạn: “Vết tích của hai di tích ở làng Tiên Thuận, Tổng Giai Hoá… Điểm thứ nhất gần sông, là một gò đất tự nhiên, trên có một miếu đơn sơ. Ngôi miếu này bảo tồn một phần dấu vết của một bamun qua vài mét móng chạy theo hướng Bắc hơi lệch Tây.
Trong miếu có đặt một tượng Siva ngồi trên lưng một Nandin (bò thần - NV) đứng rất thú vị (h.44) kích thước nhỏ: cao 0m56, rộng 0m41, dày 0m18 nhưng được tạo hình khá đẹp. Thần ngồi theo kiểu Gia-va đầu gối phải nhô cao. Thần chỉ có hai tay, tay trái dài, cầm một vật biểu trưng không rõ ràng, có thể là một linga nhỏ, tay phải dơ (giơ- BT) cao và dựa vững trên gối, vật biểu trưng không thể nhận biết được. Mặt tươi cười, không có con mắt thứ ba ở trên trán…”. Tiếp theo, H. Parmentier miêu tả rất kỹ về tư thế tượng, trang phục, trang sức tượng, kể cả bò Nandin. Điều này cho thấy đây là một di vật rất quan trọng.
Quả nhiên, sau đó nhà khảo cổ Louis Malleret tiếp tục đến đây khảo cứu. Theo ông, tại gò Bến Đình có: “2 kiến trúc gạch, nhiều điêu khắc đá, một pho tượng Surya (nữ thần) tạc trong tư thế đứng, bị gẫy mất 2 tay, có đeo hoa tai nặng kiểu Óc-eo…” (Báo cáo khoa học Điều tra xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh, 2011).
Báo cáo trên được lập sau cuộc điều tra, thám sát khảo cổ học lớn nhất trên phạm vi toàn tỉnh Tây Ninh. Nhắc lại cuộc điều tra từ đầu thế kỷ, cho tới các cuộc tiến hành sau năm 1975 và kết quả mới thu được, báo cáo cho biết: “Tại đây có một hệ thống gồm 5 gò cao có dấu vết kiến trúc gạch, gốm cổ chạy theo hướng Bắc Nam; một thành đất đắp cao gần 2m nằm ở phía Tây, các gò.
Trong phạm vi di tích đã phát hiện được nhiều cọc gỗ kiến trúc nhà sàn hoặc dấu vết cầu tàu của một bến cảng. Ngoài ra ở nhiều nơi còn xuất lộ nhiều viên gạch cổ, gốm cổ màu vàng nhạt, màu đỏ hồng, vòi bình dạng Óc-eo…
Dựa vào đặc điểm loại hình di tích, vào kiểu dáng, chất liệu của các hiện vật thu thập được, có thể nhận thấy di tích Miếu Bà - Bến Đình là khu di tích được hình thành khá sớm, có liên hệ với nhiều di tích ở vùng lưu vực sông Vàm Cỏ, vùng Đồng Tháp Mười và đồng bằng Tây sông Hậu…”.
Di chỉ dưới lòng gò.
Cho dù sự miêu tả trên là chưa chính xác lắm. Như viết: “có 5 gò cao…”, thực chất chỉ là 1 gò miếu Bà. Còn cái gọi là 5 gò ấy chỉ là 5 đụn gạch đất gồ lên mặt gò. Thì cũng đã nêu được những dấu tích cơ bản nhất có trên khu gò Miếu Bà - Bến Đình (Dù chưa đề cập đến kết quả khảo cổ các năm 2015 và 2019).
Đến năm 2015, cuộc khảo cổ phục vụ cho việc xây dựng cầu Bến Đình mới thật sự phát lộ một quy mô tầm cỡ của một cảng sông, cùng với một khu dân cư ven sông. Cọc gỗ nhiều kích thước, có cây đường kính 60 cm. Cùng vô số cây kèo, xà có đục lỗ, tạo ngàm mộng để dễ dàng lắp ráp. Có cả nhiều mảnh vỡ của bình, lọ miệng loe cổ dài từng thấy ở các di chỉ của văn hoá Phù Nam.
Báo cáo năm 2011 của Bảo tàng tỉnh Tây Ninh và Viện KHXH vùng Nam bộ, dù chưa có kết quả của các đợt khảo cổ 2015 và 2019, cũng đã đưa ra được kết luận quan trọng như sau: “Cư dân cổ Tây Ninh nằm sâu trong nội địa, hầu như chỉ có một con sông Vàm Cỏ Đông là đầu mối giao lưu với vùng Tây Nam bộ và với thế giới bên ngoài.
Ngay bên bờ sông này, nổi lên một khu di tích lớn- khu di tích Miếu Bà Bến Đình, mà theo những khám phá mới của khảo cổ học, đây là khu di tích có nhiều loại hình di chỉ khác nhau mang yếu tố truyền thống của văn hoá Óc-eo ở vùng đồng bằng trũng thấp gồm: di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc với nhiều gò nổi cao, di chỉ cọc gỗ, tường thành và có cả di tích bến cảng sông; vào thời kỳ văn hoá hậu Óc-eo.
Miếu Bà - Bến Đình là một trong số những khu di tích thuộc loại lớn nhất ở Nam bộ, chỉ đứng sau khu di tích Ba Thê (An Giang) và Gò Tháp (Đồng Tháp). Di tích này là một trung tâm quyền lực lớn nhất trong vùng nội địa miền Đông Nam bộ, được hình thành ngay sau sự sụp đổ của văn hoá Óc-eo - Phù Nam”.
Trần Vũ
(còn tiếp)