Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhận thức mới về một di tích cũ
Thứ tư: 08:44 ngày 12/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Di tích ấy là Gò Chùa Cao Sơn, ở ấp xóm Mía, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu. Ðây là di tích văn hoá cấp tỉnh, theo Quyết định số 270/QÐ-CT ngày 27.12.2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Cao Sơn Tự

Ngay từ thời còn chiến tranh, khi còn chưa có khái niệm về di tích văn hoá - lịch sử thì gò Cao Sơn, mà người dân địa phương quen gọi gò Chùa cũng đã là một địa danh nổi tiếng. Ta hãy đọc lại những trang viết về gò Chùa trong sách Tây Ninh xưa của tác giả Huỳnh Minh (NXB Thanh Niên, 2001).

Ông viết: “Từ lâu, chùa Gò đã nổi tiếng là nơi cảnh trí thiên nhiên xinh đẹp. Ngày lễ, ngày chủ nhật học sinh liên tỉnh thường đến đây ngoạn cảnh, cắm trại nơi đây. Khách hành hương, người mộ đạo, đến viếng chùa đông đảo...”. Trong bài, tác giả Huỳnh Minh chỉ hơi “nhầm một tí” về chi tiết khoảng cách. Ðó là: “từ thị xã Tây Ninh xuống đây trên 20 cây số”. Thực ra là 33km, bởi từ lối rẽ ở quốc lộ 22B vào chùa về thị trấn Gò Dầu chỉ còn 4 cây số. Nếu kể thêm 1km đường vào tới chùa, khoảng cách ấy là 34 cây số.

Tác giả Huỳnh Minh còn miêu tả: “Chùa nằm trên một gò đất cao sát bờ sông Vàm Cỏ Ðông, cây lá một màu xanh thẳm, cảnh u tịch, trầm lặng, nên thơ...”. Về cơ bản, đến nay cảnh chùa vẫn là như vậy. Tuy thế, cảnh quan nay cũng đã khác thời ông Huỳnh Minh đến để viết sách vào năm 1973.

Như chi tiết cây đa trước cổng chùa. Cây đa ấy vẫn đây nhưng đã không còn cảnh: “Cây đa cổ thụ cành lá sum suê rợp bóng”. Bởi ngày nay cây đa đã bị lún xuống, những cây rừng bao quanh chùa vụt lớn lên thành cổ thụ, hiên ngang chiếm lĩnh trên cao tít các tầng không, toả bóng rợp sân chùa. Và nữa! Ngay cả ngôi chùa mà khi Huỳnh Minh đến, mới chỉ là “một ngôi chùa nhỏ không kém uy nghi”.

Thì ảnh cũ vẫn còn, đó là ngôi chùa trệt với tấm tường che mái khiêm nhường. Nay đã là một ngôi mặt tiền xây một trệt một lầu, mái ngói đỏ tươi trên bốn mái thấp, cao tạo nên một hình ảnh “trùng thềm, điệp ốc”. Gò cao, nên thềm chùa phía trước cũng được xây nhiều bậc cấp, chiếu nghỉ để tôn cao toàn bộ kiến trúc chùa. Dù vậy, với sức sống mãnh liệt của rừng cây trên gò, ngôi chùa vẫn như lọt thỏm vào một không gian cao vợi mà sâu thẳm, như ghi lại một bóng dáng của rừng xưa Quang Hoá.

Có một chi tiết thú vị này cũng nên kể lại để minh chứng cho sức sống mãnh liệt của không chỉ gò Cao Sơn mà toàn bộ miền đất ven sông Vàm Cỏ Ðông. Rằng năm ấy Huỳnh Minh còn thấy: “Nhìn theo phía bờ sông đất liền xa xa lối 3- 4 cây số, mờ mờ hiện giữa hàng cây xanh, một dãy nhà ngói đỏ, đó là hãng Vên Vên, nhà máy cao su của người Pháp xây dựng đã từ lâu...”.

Vậy mới có chuyện trong một cuộc càn quét vào giữa năm 1968: “địch đã tổ chức họp báo tại thị trấn Gò Dầu, và đưa các nhà báo lên gò Chùa để xem trận đánh mà chúng rêu rao là: - Ðại đội 33 (LLVT huyện Gò Dầu) sẽ bị bắt sống trong vòng 5 phút...”. Chúng không thể ngờ rằng trận ấy, Ðại đội 33 không những không bị bắt hoặc tiêu diệt, mà còn đánh bại nhiều cuộc tấn công trong suốt một ngày của liên quân Mỹ - Cộng hoà.

Theo sách Những chặng đường đấu tranh Cách mạng của huyện Gò Dầu, Ban sưu tầm lịch sử Ðảng huyện Gò Dầu in năm 1986: “Chiều hôm đó, ta diệt một đại đội Mỹ gồm 120 tên, bắn cháy 11 xe tăng, bắn rơi 2 trực thăng, thu 5 súng. Ðây là trận thắng lớn đầu tiên mà C33 đương đầu với quân Mỹ...”.

Trận ấy diễn ra ở xã Hiệp Thạnh, nơi có nhà máy cao su Vên Vên mà tác giả đã kể. Từ đài quan sát ở gò Cao Sơn, các nhà báo đã tận mắt chứng kiến sức mạnh của lực lượng cách mạng huyện- những người đã làm nên phong trào Quyết tử giữ Gò Dầu lần thứ hai (1965-1970).

Trở lại với các giá trị văn hoá, lịch sử của gò Chùa Cao Sơn. Bài viết trong sách Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (trang 70) đã có một nhận xét rất đúng rằng: “Sự khác biệt của Cao Sơn tự với các ngôi chùa khác trong tỉnh là: Tiền thờ Phật, hậu thờ Thần, đây là loại hình thờ cúng kết hợp tín ngưỡng tôn giáo và dân gian”.

Vì thế, hình ảnh đầu tiên du khách tiếp nhận từ gò Cao Sơn lại chính là mặt hậu của chùa, nơi thờ một vị thần có tên là Cao Sơn. Trên sân đã có thêm hai pho tượng tướng quân rất oai phong. Nhưng vẫn còn tượng Phật bà Quán Thế Âm đứng giữa. Vòng ra phía sân trước của nơi thờ Phật, ta còn thấy một pho Quán Thế Âm nữa được tạc bằng đá trắng. Bà đứng uy nghi trên lưng tượng cá hoá rồng. Do là chùa Phật, nên đây mới chính là mặt tiền chùa hướng phía dòng sông.

Nhận thức mới đầu tiên chính là về vị thần Cao Sơn được thờ tại gian thờ tự phía sau. Ngay gian giữa là ban thờ Ngài, có gắn bảng tên ghi là: Cao Sơn linh vị.

Vậy Ngài là ai? Vị trụ trì chùa năm 1973, Thích Huệ Thành kể với tác giả Huỳnh Minh rằng đấy là vị đại thần từng chống giặc ngoại xâm, đem lại an ninh cho dân chúng ở Tây Ninh, nhưng đã lâu ngày không nhớ rõ danh tánh” (sách đã dẫn)! Còn sư trụ trì ngày nay, Ðại đức Thích Huệ Tánh lại cho rằng đấy là một vị tướng của quân đội nhà Tây Sơn.

Sau khi Nguyễn Ánh đã lấy lại vương quyền năm 1802, tướng quân phải đến chùa Cao Sơn nương náu chờ thời. Thuyết này cũng có một chuyện phụ hoạ nữa là truyền tụng về ông Nguyễn Sắt, được coi là Thành hoàng đình Hoà Hội. Theo truyền tụng ấy, ông Nguyễn Sắt cũng là tướng triều Tây Sơn đã từng ẩn mình tại Cao Sơn tự trước khi tìm đường lên một vùng rừng xa biên giới, là xã Hoà Hội, huyện Châu Thành ngày nay và sau đó lập nên làng mới.

Tuy nhiên, xem kỹ lại sách Ðình Nam bộ xưa và nay của hai nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường (NXB Ðồng Nai, 2009), tín ngưỡng dân gian Việt Nam từng có một vị thần Cao Sơn. Các ông cho rằng: “tín ngưỡng thờ thần Cao Sơn (hay Cao Các ở nhiều đình miếu miền Nam), tức thần núi Tản Viên... được tôn thờ phổ biến ở vùng ngoài.

Nhưng ở miền Trung và miền Nam chỉ thấy thờ danh hiệu thần Cao Các...”. Nhờ vậy thì chính ở gò Chùa là ngôi thờ thần Cao Sơn, duy nhất ở miền Nam. Ðấy chính là vị thần Núi, tức thần Sơn Tinh (Tản Viên) trong thần thoại cổ”. Vị thế của thần được thờ ở đây rõ ràng cao hơn những truyền tụng mà xưa nay đã biết.

Nhận thức mới thứ hai thì nhiều người hôm nay đã biết. Ðấy là điều làm nên di tích gò Cao Sơn lại không phải là những gì hiển hiện trên gò. Ðó là cả một kho tàng lịch sử âm thầm trong lòng đất. Sách Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã kể đấy là loại hình: “di chỉ khảo cổ học được ước đoán niên đại từ 2.500 đến 2.700 năm cách ngày nay”. Thế nhưng, sách này cũng mới chỉ dè dặt khi viết: “Rất có thể tại nơi đây chứa đựng hai thời kỳ lịch sử khác nhau: thời kỳ Tiền sử và thời kỳ thuộc văn hoá Óc-eo”.

Thực ra, sau cuộc khảo sát vào cuối năm 2010, thể hiện trong báo cáo khoa học “Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh” do Bảo tàng tỉnh chủ trì có thể khẳng định, mà không cần dùng cụm từ nghi vấn “rất có thể” nữa.

Trong cuộc điều tra này, đoàn khảo sát đã đào 5 hố thám sát tại khu vực gò Cao Sơn. Kết quả cho thấy: “Lớp đất trên mặt di tích dày từ 0m40 đến 0m60 là lớp đất đắp thêm thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo, hậu Óc-eo” và: “dấu vết cư trú của nhóm dân cư cổ trước đây (thời tiền sử) để lại, trong tầng văn hoá của di tích khá dày, trung bình từ 0m60 đến 1 mét, từ trên bề mặt xuống...”.

Nói cách khác, dễ hiểu hơn là trong thời kỳ sau 1975, các nhà khoa học đã phát hiện ra những rìu đá, bàn mài đồ gốm (thời tiền sử) cũng như gốm của thời kỳ sau là văn hoá Óc-eo và hậu Óc-eo. Ðiều này ông Huỳnh Minh hoàn toàn chưa biết, và có lẽ nhiều bạn trẻ đến thăm thú cảnh chùa cũng chưa hề biết. Nhưng, các vị trụ trì chùa thì rõ lắm. Bởi thỉnh thoảng các vị lại nhặt được những chiếc rìu đá trồi lên trên bề mặt khu gò.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục