Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh:
Nhân văn, hiệu quả!
Thứ hai: 10:09 ngày 12/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi mới thành lập chỉ có 3 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 98 tỷ đồng. Đến nay, các tổ chức CT-XH đang thực hiện uỷ thác 15 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ trên 3.218 tỷ đồng, với hơn 110 ngàn hộ vay.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trao tiền cho người dân phường 2, thành phố Tây Ninh vay (ảnh: Minh Dương)

Giảm nghèo và giải quyết việc làm là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để có điều kiện vươn lên xoá đói giảm nghèo, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn, mà điều kiện ở từng địa phương cũng không thể đáp ứng hoàn thiện các chính sách cho từng đối tượng.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chính vì sự quan tâm đó mà Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (sau đây gọi tắt là Nghị định số 78/2002/NĐ-CP) được ra đời, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.

Từ đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 4.10.2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nhằm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trên cơ sở đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh được thành lập theo Quyết định số 64/QĐ-HĐQT ngày 14.1.2003 của Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH.

NHCSXH là một tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do đó tín dụng chính sách vừa phải bảo đảm tính chất tín dụng vừa mang tính xã hội rộng rãi. Mô hình quản lý và hoạt động của NHCSXH tỉnh, huyện bao gồm: Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, thị xã, thành phố; cán bộ NHCSXH chuyên trách làm nhiệm vụ tác nghiệp; các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) làm dịch vụ uỷ thác cho vay; các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) làm nhiệm vụ ủy nhiệm thực hiện bình xét công khai, dân chủ để lựa chọn người có đủ điều kiện vay vốn.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện bộ máy tinh gọn, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp uỷ thác một số nội dung công việc qua các tổ chức CT-XH (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và uỷ nhiệm một số nội dung công việc cho Tổ TK&VV và tổ chức thực hiện giao dịch trực tiếp tại xã, phường, thị trấn, với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.

Phương thức này đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách kịp thời, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Khi mới thành lập chỉ có 3 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 98 tỷ đồng. Đến nay, các tổ chức CT-XH đang thực hiện uỷ thác 15 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ trên 3.218 tỷ đồng, với hơn 110 ngàn hộ vay. Trong đó: Hội Nông dân quản lý 1.458 tỷ đồng, chiếm 46%; Hội Phụ nữ quản lý 983 tỷ đồng, chiếm 32%; Hội Cựu chiến binh quản lý hơn 375 tỷ đồng- chiếm 12%; Đoàn Thanh niên quản lý 316 tỷ đồng- chiếm 10%.

Phương thức cho vay trực tiếp có uỷ thác một số nội dung công việc qua các tổ chức CT-XH; thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ TK&VV dưới sự chứng kiến của tổ chức CT-XH nhận uỷ thác cấp xã và trưởng ấp, khu phố; thực hiện giải ngân trực tiếp cho người vay tại các điểm giao dịch xã đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, là hướng đi đúng đắn, huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội, giúp chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

An Khang

Khi mới thành lập, nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách chủ yếu từ Trung ương chuyển về. Đến nay, cơ cấu nguồn vốn hoạt động tương đối đa dạng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Tổng nguồn vốn hơn 3.227 tỷ đồng (tăng 3.155 tỷ đồng so với lúc nhận bàn giao, tăng gần 32 lần). Trong đó, nguồn vốn từ Trung ương đạt 2.249 tỷ đồng, tăng 2.178 tỷ đồng so với khi mới thành lập (chiếm 69,7% tổng nguồn vốn); nguồn vốn từ ngân sách địa phương gần 297 tỷ đồng, tăng 297 tỷ đồng so với khi mới thành lập (chiếm 9,3% tổng nguồn vốn); nguồn vốn huy động 681 tỷ đồng (chiếm 21% tổng nguồn vốn).

Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách không ngừng tăng trưởng, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương, UBND các cấp, nguồn vốn uỷ thác được bổ sung hằng năm đáp ứng một phần nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (có 4 chương trình tín dụng thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP), tăng 12 chương trình so với lúc nhận bàn giao và một số chương trình cho vay theo chỉ đạo của địa phương. Trong 20 năm, doanh số cho vay đạt 8.020 tỷ đồng, gần 480 ngàn lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ hơn 3.218 tỷ đồng (tăng so với ngày thành lập là 3.120 tỷ đồng, tăng 31,8 lần), với hơn 110 ngàn hộ đang còn dư nợ.

Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp gần 480 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Giúp cho hơn 47 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 82 ngàn lao động (hơn 74 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho hơn 57 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 355 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ cho vay gần 1.245 căn nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng 187 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện cho gần 43 ngàn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo.

Qua 20 năm triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng giai đoạn, giảm từ 4,06% năm 2001 xuống còn 0,65% năm 2022, đồng thời góp phần cùng với địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 1/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn; tổng số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2021 là 55/71 xã, đạt tỷ lệ 77,5% và có 8/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn ưu đãi kịp thời, sử dụng vốn có hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Từ những kết quả đạt được có thể khẳng định tín dụng chính sách đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiệu quả tín dụng chính sách đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức, quản trị điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục