BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động báo chí toàn quốc năm 2021:

Nhân văn, tin cậy, kịp thời 

Cập nhật ngày: 25/12/2021 - 01:00

BTN - Chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, trong giai đoạn mới, báo chí phải tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh của mình. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhắc lại, báo chí cần bám sát, thông tin đầy đủ, sâu sắc những sự kiện lớn của đất nước nhằm tạo sự đồng thuận, tăng cường niềm tin trong nhân dân.

Phóng viên báo chí đưa tin tại hội nghị bàn về liên kết vùng du lịch Đông Nam bộ tại Tây Ninh (ảnh chụp ngày 27.6.2020)

Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày 24.12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Xuân Hương cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Thông tin kịp thời về đại dịch

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Lâm- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, năm 2021, công tác thông tin trên báo chí chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt, nhiều thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thống nhất nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội.

Các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo đồng thuận của xã hội, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Năm 2021, công tác thông tin tuyên truyền tập trung vào một số vấn đề lớn như tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử đã tăng cường thông tin, đăng tải, đăng tải lại hoặc dẫn, chia sẻ nội dung thông tin, tuyên truyền tạo hiệu ứng lan toả tốt, hình thức thể hiện đa dạng, từ tin, bài phản ánh, phỏng vấn, phân tích sâu, infographic và được thiết kế ấn tượng.

Công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, báo chí kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Nhiều chuyển biến rõ nét đã được ghi nhận kể từ khi có kế hoạch truyền thông hằng tuần về tình hình phòng, chống dịch do Tiểu ban Truyền thông (của Ban Tuyên giáo Trung ương) ban hành.

Các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia với mục tiêu đề ra: “Dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm”.

Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, báo chí đã phản ánh kiến nghị của giới doanh nhân, doanh nghiệp, phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc Quốc hội, Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và người dân, trên tinh thần “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”.

Báo chí đã chủ động đưa ra những thông tin ghi nhận từ cơ sở, từ cuộc sống để thúc đẩy chính sách. Cơ quan báo chí đăng, phát nhiều bài viết hay, chất lượng, có giá trị vượt thời gian để người dân đọc, nghe, xem trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách, là liều thuốc “an sinh tinh thần” cho người dân trong những tháng ngày căng thẳng của cuộc chiến phòng, chống dịch.

Công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú.

Các cơ quan báo chí mở, duy trì chuyên mục, tăng cường, nâng cao chất lượng thông tin về nội dung này. Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài mở mới đã tăng lên đáng kể, nhiều bài viết, chương trình có hiệu ứng tốt trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận.

“Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”

Năm 2021, hoạt động báo chí cũng còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm- Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận. Theo đánh giá, thông tin trên báo chí chưa toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội.

Một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Tính thuyết phục, xây dựng, phản biện và sức chiến đấu của một số chương trình, tin, bài chính luận chưa cao, còn khô cứng, thiếu tính sáng tạo, phong phú, hấp dẫn.

Qua công tác rà soát, đánh giá bằng công nghệ cho thấy số lượng các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích vẫn còn nhiều, chủ yếu là tạp chí. Kết quả thanh tra, kiểm tra 13 cơ quan tạp chí cho thấy hầu hết đều không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.

Tình trạng “báo hoá” tạp chí điện tử bước đầu được khắc phục, song vẫn còn gây dư luận xấu trong xã hội, thông tin nặng về phản ánh mặt trái, tin, bài giật tít phản cảm chưa có nhiều chuyển biến.

Vẫn còn tình trạng gỡ, sửa tin bài, cá biệt một số trường hợp việc sửa tin, bài có dấu hiệu tiêu cực, tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây nhiễu dư luận.

Trong tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, qua rà quét, đánh giá bằng công nghệ cho thấy tỷ lệ tin bài có nội dung gây tâm lý hoang mang, lo ngại về tình hình dịch bệnh vẫn còn cao, nhất là ở thời điểm đầu đợt dịch thứ 4 (trên 10% tổng số tin, bài về Covid-19).

Vẫn còn tình trạng một số cơ quan báo chí giật tít sai lệch bản chất vấn đề, gián tiếp gây nghi ngại, căng thẳng không đúng với tình hình thực tế, tạo thêm cộng hưởng tiêu cực trên không gian mạng xã hội. Việc khai thác, trích dẫn nhiều ý kiến “chuyên gia” nhưng thiếu sự tìm hiểu cặn kẽ bản chất vấn đề cho thấy một số cơ quan báo chí vẫn còn phản ánh, phản biện dễ dãi mà không thực sự đầu tư nỗ lực cùng tìm kiếm giải pháp với Chính phủ, chính quyền các cấp và với xã hội. Nhiều cơ quan báo chí chưa chủ động cung cấp thông tin, có ý kiến tới các cơ quan bộ, ngành, Chính phủ để hiến kế, đề xuất giải pháp về phòng, chống dịch…

Minh bạch thông tin một cách nhanh nhất

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, vai trò của báo chí ngày càng quan trọng, đặc biệt năm 2021, đại dịch bùng phát gây tổn thất to lớn về người và của. Dịch bệnh đã và đang diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phía Nam đang có hiện tượng thiếu oxy, “tiêm vaccine, luật pháp không bắt buộc nhưng chúng ta đã vận động người dân tích cực tiêm, thành công này có vai trò của báo chí”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của thông tin, tuyên truyền.

Liên quan quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng khẳng định tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch nhưng “thấy cái gì không phù hợp thì kiến nghị để có thể xem xét sửa đổi, tránh tình trạng văn bản quy định như vậy nhưng có những điều xa rời thực tế”. Chuyển đổi từ báo qua tạp chí đã và đang gặp những bất cập, khó khăn cho đội ngũ làm báo, trong khi quy hoạch là để báo chí phát triển.

Vấn đề tự chủ của cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng, còn những khó khăn nhất định. “Báo chí đang phải cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ thông tin, vì vậy, tốt nhất hãy minh bạch thông tin một cách nhanh nhất có thể, cơ quan quản lý cần phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí”- Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, trong giai đoạn mới, báo chí phải tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh của mình. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhắc lại, báo chí cần bám sát, thông tin đầy đủ, sâu sắc những sự kiện lớn của đất nước nhằm tạo sự đồng thuận, tăng cường niềm tin trong nhân dân.

“Đại hội XIII, báo chí thông tin rất tốt, hay cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp, vai trò của thông tin truyền thông đặc biệt quan trọng, góp phần thành công của các sự kiện này”- ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá.

Thông tin nhanh, kịp thời để người dân hiểu, dân làm theo, ví dụ sau thời gian lúng túng, tiến độ tiêm vaccine của Việt Nam được đẩy lên tốc độ cực nhanh, xếp thứ 3 thế giới, báo chí có vai trò trong thành công này, theo ông Nghĩa.

Đối với việc báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, báo chí đã tiên phong thực hiện sứ mệnh này, ví dụ, bài viết của Tổng Bí thư về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội lan toả ra cả thế giới chứ không chỉ trong nước.

Thời gian tới, cần làm tốt hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí nâng cao nhận thức sâu sắc hơn vai trò của báo chí cách mạng, đặc biệt đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái. Báo chí tiếp tục tìm tòi để viết bài, thông tin nhiều hơn, tần suất dày hơn về tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Việt Đông