BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhân viên bảo vệ rừng: Thu nhập không tương xứng với nhiệm vụ

Cập nhật ngày: 19/10/2009 - 05:48

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2009, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng (BVR) của các dự án đã phát hiện 256 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó có 10 vụ phá rừng trái phép với diện tích 4,6 ha, 17 vụ lấn chiếm sử dụng đất lâm nghiệp trái phép với diện tích 47,6 ha, 44 vụ khai thác lâm sản trái phép, 106 vụ mua bán vận chuyển lâm sản trái phép, 54 vụ đánh bắt, vận chuyển trái phép động vật hoang dã…

So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm tuy có giảm đôi chút nhưng vẫn còn xảy ra rất nhiều và rừng vẫn còn bị xâm hại đáng kể. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, song không thể phủ nhận một điều trong những nguyên nhân đó là do thu nhập của nhân viên BVR  quá thấp, không tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Lực lượng BVR làm nhiệm vụ tuần tra.

Đến thăm các chốt BVR mới thấy được hết nỗi khó khăn của các nhân viên BVR. Tại chốt BVR Xa Mát nằm heo hút trên đường ranh nông lâm thuộc địa bàn xã Tân Lập có 5 nhân viên BVR. Buổi trưa khi chúng tôi đến thăm, chốt trưởng Nguyễn Hoàng Kỵ đang lui cui… nấu cơm. Trụ sở chốt được xây tường đàng hoàng, nhưng nhà bếp thì mái chỉ lợp lá tuềnh toàng, vách trống trên hụt dưới. Trong nhà bếp có kê thêm mấy chiếc giường để một số nhân viên ngủ vì ở “nhà trên” không đủ chỗ. Chung quanh chốt được tận dụng trồng ớt, cà, rau các loại… để cải thiện bữa ăn. Chốt trưởng cho biết muốn đi chợ phải ra đến chợ Tân Lập- cách xa cả chục cây số. Có vườn rau này vừa đỡ tốn công sức, thời gian đi chợ, vừa giảm bớt chi phí cho cái ăn, còn được ít tiền dành dụm phụ giúp gia đình.

Anh Kỵ nhà ở thị trấn Tân Biên có thâm niên 20 năm trong “nghề” BVR. Công việc luôn phải xa nhà, sống nơi heo hút, còn phải đối mặt với nguy hiểm khi gặp “lâm tặc”. Vậy mà với thâm niên 20 năm BVR cộng thêm “chức vụ” chốt trưởng, thu nhập hiện tại của anh chỉ ở mức 1,2 triệu đồng/tháng. Nhân viên BVR Trần Văn Tài ở chốt Xa Mát cũng đã có hơn 20 năm trong nghề, nhưng thu nhập còn thấp hơn, chỉ khoảng 1,1 triệu đồng/tháng. Anh Tài cho biết ở đây do “thắt lưng buộc bụng” tối đa nên chi phí cho cái ăn không nhiều- bình quân chỉ khoảng 250.000 đồng người/tháng nên còn dành dụm được chút ít. Chứ ở những chốt BVR khác tiền ăn tốn gấp đôi, cộng thêm các khoản chi tiêu lặt vặt thì coi như chẳng còn dành dụm được đồng nào. Ngoài thu nhập thuần tuý này, nhân viên BVR không hề được hưởng thêm cái gì.

Thực trạng thu nhập của nhân viên BVR ở chốt BVR Xa Mát cũng là thực trạng chung của lực lượng nhận khoán BVR ở Tây Ninh. Riêng ở VQG Lò Gò- Xa Mát, do khéo vận dụng mà thu nhập nhân viên BVR có khá hơn, nhưng bình quân cũng chỉ được khoảng 1,4 triệu đồng/tháng- vẫn không thể tương xứng với nhiệm vụ. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho một số nhân viên BVR không toàn tâm, toàn ý, dốc sức làm nhiệm vụ. Điều này hầu như chủ rừng nào cũng biết, nhưng không có cách gì hỗ trợ tăng thêm vì thu nhập của nhân viên BVR phụ thuộc vào mức khoán BVR.

Từ trước năm 2006, lực lượng BVR hợp đồng nhận khoán chỉ được hưởng từ nguồn chi BVR ở mức 50.000 đồng/ha/năm theo quy định của Trung ương. Lúc đó, đời sống của những người nhận khoán BVR rất khó khăn, người có thâm niên hàng chục năm  thu nhập chỉ được khoảng 700.000 đồng/ tháng. Để nâng cao đời sống lực lượng bảo vệ rừng, năm 2006 UBND tỉnh Tây Ninh quyết định hỗ trợ thêm 50.000 đồng/ha/năm để nâng định mức BVR lên 100.000 đồng/ha/năm. Việc tỉnh nâng định mức giúp nhân viên BVR tạm đủ trang trải những nhu cầu thiết yếu cho mình và có thể phụ giúp phần nào cho gia đình. Năm 2007 do giá cả liên tục tăng, Trung

Nhân viên BVR tự tổ chức nấu ăn hằng ngày.

ương quyết định nâng định mức BVR từ 50.000 đồng/ha/năm lên 100.000 đồng/ha/năm. Các chủ rừng và lực lượng BVR rất phấn khởi khi định mức được Trung ương điều chỉnh tăng, vì được cộng thêm với mức hỗ trợ của tỉnh nữa sẽ nâng lên 150.000 đồng/ha/năm.

Thế nhưng thực tế không phải như vậy, định mức BVR ở Tây Ninh từ khi Trung ương tăng vào năm 2007 đến nay cũng vẫn là 100.000 đồng/ha/năm do Trung ương tăng thì… tỉnh không còn hỗ trợ thêm 50.000 đồng/ha/năm như trước nữa. Trong vài năm gần đây, mức lương tối thiểu của công chức đã được điều chỉnh tăng lên mấy đợt mà còn chưa theo kịp đà tăng vật giá, trong khi đó thì định mức BVR ở Tây Ninh từ năm 2006 đến nay vẫn cứ “cố định” thì lực lượng BVR ngày càng lâm cảnh khốn khó là điều tất yếu. Với mức thu nhập thấp như thế, hiện tại đã có không ít nhân viên BVR xin nghỉ việc để làm chuyện khác có thu nhập cao hơn.

Để tiếp tục giữ vững nhiệt tình làm nhiệm vụ của lực lượng BVR, chủ rừng và nhân viên BVR đều có nguyện vọng được tỉnh tiếp tục hỗ trợ thêm định mức BVR. Nếu được thêm 100.000 đồng/ha/năm do tỉnh hỗ trợ thì định mức BVR sẽ là 200.000 đồng/ha/năm. Lúc đó thu nhập bình quân của lực lượng BVR sẽ được nâng lên bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng mới tạm gọi là tương xứng với công việc BVR.

Sơn TrẦn