Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nhập khẩu trái cây “trốn thuế”, lãnh án tù
Thứ sáu: 10:27 ngày 22/07/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngoài án tù, hai bị cáo còn phải bồi thường số tiền thuế 3.349.500.028 đồng nộp vào ngân sách Nhà nước (mỗi bị cáo 50%).

Hai bị cáo Thanh, Minh (từ trái sang phải)

Sáng ngày 19.7.2011, TAND thị xã Tây Ninh mở phiên toà xét xử vụ án “Trốn thuế” đối với hai bị cáo Phùng Huy Minh (ngụ Bình Phong, Thái Bình, Châu hành) và Nguyễn Diệp Thanh (ngụ Ninh Thạnh, Thị xã).

Theo hồ sơ vụ án: Phùng Huy Minh thành lập Công ty TNHH Minh Thái vào tháng 4.2004, trụ sở giao dịch toạ lạc tại số 115, đường Trương Quyền, phường 1, Thị xã chuyên ngành kinh doanh hàng nông, lâm, thuỷ, hải sản. Ngày 26.4.2005 công ty của Minh ký hợp đồng với Công ty Maphemsup ở Thái Lan mua bán các loại trái cây: Me khô, Bòn bon, Măng cụt, Xoài, Quýt, Vải… Với tổng số 5.600 tấn trái cây do Minh vận chuyển từ Thái Lan nhập về Việt Nam qua biên giới cửa khẩu Xa Mát (Tân Biên). Hình thức thanh toán là chuyển khoản qua ngân hàng. Thấy quá trình chuyển khoản phải hao tốn phí, tính ra lãi ít nên Minh từng bước tạm ngưng chuyển khoản để tìm “phương thức khác, hiệu quả hơn”. Tháng 11.2005, Minh gặp Nguyễn Diệp Thanh là thương lái có thâm niên buôn bán trái cây từ Việt Nam sang Campuchia mà không cần đăng ký kinh doanh, không phải kê khai nộp thuế. Biết rõ Minh có mua bán với công ty ở Thái Lan có đủ giấy tờ chứng nhận xuất xứ hàng hoá loại mẫu D (C/O from D) được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định khi nhập khẩu được hưởng thuế suất 5% đối với mặt hàng trái cây, Thanh cùng với Minh “hợp đồng tác chiến”. Sau khi bàn bạc, Minh đồng ý và đặt yêu cầu với Thanh là phải “gánh” giá nhập khẩu theo từng mặt hàng: Bòn bon 3.000 đồng/kg, me, xoài, măng cụt 2.500 đồng/kg… Khi nào hàng về đến cửa khẩu Xa Mát thì Minh báo cho Thanh làm thủ tục nhập khẩu. Ngày 10.3.2006 Minh thay Thanh nhập hàng trái cây và trong số 250 kg Me khô ngoài danh sách không thể hiện trong tờ khai nên bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát xử phạt và truy thu tiền thuế hàng dư gần 2,8 triệu đồng. Từ cuối năm 2005 đến tháng 3.2006 Minh đã nhập hàng trái cây cho Thanh thể hiện trên 24 tờ khai hải quan trị giá 1.346.033.297 đồng.

Thấy việc nhập khẩu, khai báo bị khó khăn và phạt vạ ảnh hưởng đến chất lượng trái cây nên Minh bắt đầu thay đổi “chiến thuật” bằng cách không dùng pháp nhân của công ty mình nữa mà “mượn” danh nghĩa của Công ty TNHH Khánh Hồng do em ruột của Minh làm Giám đốc để ký hợp đồng với Công ty Praedd KawmangKorn (Thái Lan) tiếp tục mua và nhập khẩu trái cây cho Thanh; nhưng thật sự là Minh không hề mua trái cây của công ty này mà mua hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Từ tháng 6 đến tháng 8.2006, Minh đã làm thủ tục nhập hàng cho Thanh trên 9,6 tỷ đồng thể hiện trên 77 tờ khai hải quan. Tổng số tiền Thanh phải “chi” cho Minh gần 1,4 tỷ đồng. Thanh “ứng” cho Minh số tiền 1,02 tỷ đồng để nộp các khoản thuế, kiểm dịch thực vật, y tế, lệ phí, bến bãi, bốc xếp… Sau khi vụ việc bị công an phát hiện, Công an tỉnh đã chứng minh toàn bộ hàng hoá trái cây thể hiện trên 77 tờ khai hải quan do Minh sử dụng pháp nhân của hai Công ty Minh Thái và Khánh Hồng nhập khẩu vào Việt Nam không phải là hàng ký kết theo hợp đồng với Công ty Thái Lan mà là hàng hoá mua gom không rõ nguồn gốc cho nên Minh không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định. Do vậy, Minh phải nộp thêm số tiền là 3.349.500.028 đồng tiền thuế cho Nhà nước.

Ngoài việc “làm hộ” việc nhập khẩu trái cây sang Việt Nam cho Thanh, quá trình điều tra Minh còn khai nhận từ tháng 11.2005 đến tháng 12.2006 đã nhiều lần Minh đứng ra “lo” thủ tục nhập hàng trái cây tương tự cho ba thương lái khác là Tân, Hoài (Thị xã) và Prak Nhan (không có hộ khẩu ở Việt Nam) từ Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát.

Điều tra cho biết Tân, Hoài khẳng định không “nhờ” Minh nhập khẩu hàng hoá, nữ thương lái Pra Nhan đang ở tận đâu đâu nên không đủ căn cứ chứng minh hành vi liên đới phạm tội. Theo lời khai của Minh, toàn bộ số hàng hoá của Tân, Hoài và Prak Nhan đều có địa chỉ nhận hàng là Công ty Minh Thái và Công ty Khánh Hồng được Phùng Huy Minh cùng người liên quan là Nguyễn Như Chương thừa nhận là hàng hoá mua gom từ Campuchia, không phải hàng hoá theo hợp đồng ký kết giữa Minh và Công ty Thái Lan. Do vậy mà toàn bộ lượng hàng có tổng giá trị gần 44,2 tỷ đồng thể hiện trên 261 tờ khai Hải Quan không rõ nguồn gốc xuất xứ nên không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Do đó Minh phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu 35% còn lại.

Kết quả trưng cầu giám định lại được Hải quan Tây Ninh trả lời tại Công văn số 731/ HQTN-NV ngày 28.7.2010 và Công văn số 974/ HQTN-NV ngày 30.10.2010 của Hải quan Tây Ninh khẳng định: Thuế suất trong trường hợp hàng hoá không có xuất xứ nguồn gốc thì không được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Vì thế áp dụng thuế suất nhập khẩu thông thường thì Minh phải nộp thêm số tiền là 15.342.960.903 đồng đối với 261 tờ khai hải quan và cùng Thanh nộp số tiền 3.349.500.028 đồng đối với 77 tờ khai hải quan theo quy định thuế nhập khẩu.

Từ hành vi vi phạm kể trên, ngày 19.9.2008, Minh và Thanh bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt giam về tội “Buôn lậu”, sau đó cả hai được đổi sang tội danh “Trốn thuế”. Ngày 27.11.2009, TAND Thị xã tuyên phạt Minh 4 năm tù, Thanh 2 năm tù về tội danh “Trốn thuế”. Tại phiên toà phúc thẩm ngày 21.5.2010, TAND tỉnh huỷ án sơ thẩm trả hồ sơ về TAND Thị xã xét xử lại.

Tại toà, trong phần luận tội vị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Minh 4 năm tù và truy nộp tiền thuế 15.432.960.903 đồng và Thanh 2 năm tù. Ngoài án tù Minh cùng chịu trách nhiệm với Thanh truy nộp số tiền 3.349.500.028 đồng thiệt hại ngân sách Nhà nước. Sau phần nghị án HĐXX tuyên phạt bị cáo Phùng Huy Minh 2 năm 10 tháng tù, Nguyễn Diệp Thanh 2 năm tù. Ngoài án tù, hai bị cáo còn phải bồi thường số tiền thuế 3.349.500.028 đồng nộp vào ngân sách Nhà nước (mỗi bị cáo 50%).

GIA MINH

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh