Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhật Bản và Philippines sẽ tổ chức cuộc đối thoại với sự tham gia của các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại thủ đô Manila vào ngày 8/7.
Như vậy, đây sẽ là cuộc gặp theo thể thức 2+2 lần thứ hai kể từ khi sự kiện này diễn ra lần đầu tiên ở thủ đô Tokyo vào tháng 4/2022.
Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản và Philippines dự kiến sẽ ký Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quân sự, trong đó có việc điều động binh sĩ tham gia các hoạt động huấn luyện và cứu trợ thiên tai cũng như chuyển giao thiết bị dễ dàng hơn cho lực lượng thăm viếng và các mục đích khác.
Cuối tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cho biết, nhiều khả năng hai nước sẽ ký kết thỏa thuận RAA trong cuộc gặp sắp tới. Thỏa thuận RAA sau khi được phê chuẩn sẽ cho phép các lực lượng Nhật Bản tham gia cuộc tập trận quân sự Balikatan quy mô lớn hàng năm do Philippines và Mỹ tiến hành.
Việc phê chuẩn thỏa thuận RAA sẽ cho phép các lực lượng Nhật Bản tham gia cuộc tập trận quân sự Balikatan. Trong ảnh: Binh sĩ Philippines và Mỹ tập trung sau hoạt động huấn luyện Balikatan tại Fort Magsaysay, Philippines vào tháng 4/2024. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Nhật Bản và Philippines đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn vào tháng 1/2015 và kể từ đó đến nay, hai bên đã tiến hành gần 20 cuộc tập trận hải quân chung. Năm 2021, hai đồng minh thân thiết của Mỹ cũng tổ chức các cuộc tập trận chung của lực lượng không quân.
Philippines là nước thứ 9 có hình thức đối thoại 2+2 với Nhật Bản, nhưng là nước thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Trước đó, theo Japan News, Nhật Bản và Mỹ đang cân nhắc tổ chức cuộc gặp giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng hai nước tại Tokyo vào ngày 28/7 tới. Đây sẽ là cuộc đối thoại 2+2 đầu tiên giữa hai nước kể từ tháng 1/2023, khi 4 quan chức gặp nhau ở Washington.
Chương trình nghị sự dự kiến bao gồm việc đánh giá lại các khuôn khổ chỉ huy và kiểm soát của liên minh Nhật-Mỹ, trao đổi các thách thức an ninh khu vực, trong đó có thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc.
Sau đối thoại 2+2 có thể là Hội nghị Ngoại trưởng Bộ tứ (Quad), trong đó có Australia và Ấn Độ, vào ngày 29/7.
Lịch trình các sự kiện trên sẽ căn cứ theo lịch trình của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người hiện đang thực hiện chuyến công du Trung Đông. Đây là lần thứ 8 nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tới khu vực này kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Nguồn baoquocte