BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhật Bản sẽ bào chế vaccine phòng chống cúm H7N9

Cập nhật ngày: 06/04/2013 - 06:17

Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng của sự phát triển virus cúm gia cầm H7N9 và nguy cơ gia tăng số trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc, một viện nghiên cứu ở Nhật Bản đã cho biết sẽ nhận mẫu virus cúm gia cầm H7N9 do Chính phủ Trung Quốc cung cấp để nghiên cứu bào chế vaccine.

Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) trước đó cũng cho biết đang thu thập thêm thông tin và bắt đầu chuẩn bị phát triển loại vaccine kháng virus cúm H7N9. Trong tuyên bố hôm 2.4, CDC khẳng định, trung tâm đã bắt đầu triển khai các bước tiến tới bào chế vaccine, như việc nghiên cứu gen của chủng virus này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, một số thuốc chống virus lưu thông trên thị trường hiện nay có thể có tác dụng trong việc giảm nhẹ triệu chứng của chủng virus cúm H7N9 đang lây lan tại Trung Quốc.

Thượng Hải đã phải ngừng hoạt động chợ buôn bán gia cầm sau khi phát hiện những trường hợp nhiễm virus cúm H7N9 tại đây. Ảnh: THX

Kết quả ban đầu từ một viện nghiên cứu của Trung Quốc cũng cho thấy, các loại thuốc như Tamiflu và Relenza có thể phát huy hiệu quả trong điều trị cúm H7N9.

Theo WHO, tới nay chưa có bằng chứng về khả năng chủng virus H7N9 lây từ người sang người.

Trong khi đó, sáng 5.4, chính quyền tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc thông báo thêm một ca tử vong mới vì nhiễm virus cúm gia cầm H7N9, đưa tổng số ca tử vong vì bệnh này ở Trung Quốc lên 6 người.

Bệnh nhân là nam giới, 64 tuổi, chủ một trang trại ở thành phố Hồ Châu. Bệnh nhân này qua đời trong bệnh viện đêm 4.4 và các mẫu xét nghiệm lấy từ người bệnh nhân này cho kết quả dương tính với chủng virus chết người nói trên. 55 người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân này hiện chưa có biểu hiện triệu chứng bất thường nào.

Tính đến nay, trên cả nước Trung Quốc đã xác nhận 14 trường hợp nhiễm virus cúm H7N9, trong đó 6 ca tại Thượng Hải, 4 ca tại Giang Tô, 3 ca tại Chiết Giang và 1 ca tại An Huy.

Cũng trong ngày 5.4, các quan chức y tế tỉnh Vân Nam, Tây Bắc Trung Quốc cho biết, kết quả xét nghiệm của du khách Thái Lan 14 tuổi tử vong sáng 4.4 ở tỉnh này, với những triệu chứng bệnh viêm phổi nặng, không phát hiệm nhiễm virus H7N9.

Thiếu niên này cùng với 119 du khách đến tỉnh Vân Nam từ Bangkok hôm 23.3. Ba ngày sau đó, cậu bé bắt đầu bị ho và chảy nước mũi trong lúc đi từ huyện Shangri-La đến thành phố Lijiang. Đến ngày 28.3, cậu bé được nhập viện tại Lijiang sau khi bị khó thở và ho ra máu. Bệnh viện này đã buộc phải chuyển cậu bé lên bệnh viện Nhân Dân 1 ở thành phố Côn Minh tối 4.4, khi tình hình sức khoẻ cậu bé trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng mọi nỗ lực cấp cứu đều thất bại, cậu bé đã qua đời sáng 4.5.

Theo cơ quan phòng và kiểm soát dịch bệnh tỉnh Vân Nam, các kết quả xét nghiệm của cậu bé này đều cho kết quả âm tính với virus cúm gia cầm H7N9, H5N1 và H9N2.

Trước tình hình cúm gia cầm bùng phát tại Trung Quốc, một số nước lân cận Trung Quốc cũng gia tăng cảnh báo, và kêu gọi người dân hạn chế sử dụng gia cầm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Mỹ cũng tỏ ra lo ngại về dịch bệnh do virus H7N9 tại Trung Quốc. Một quan chức của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhấn mạnh rằng: “Đâu đó ở Trung Quốc số người đã bị nhiễm H7N9 không thể biết hết được. Do vậy để tránh lây nhiễm từ người sang người, Mỹ đang nhanh chóng nghiên cứu để sản xuất vaccine phòng, chống loại virus H7N9.”

Hiện tại chưa có chứng cứ nào cho thấy virus H7N9 đã lây từ người sang người. Tuy nhiên, do có những nghi vấn về việc loại virus này đã bị biến đổi gen, nên việc sản xuất vaccine để phòng, chống bệnh này là vô cùng cấp thiết.

Hiện tại, Trung Quốc có hơn 400 người tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.

THUÝ TRINH

Tổng hợp