Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn sinh ngày 7.7.1957, quê Hưng Yên, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sinh sống và viết tại Hà Nội.
Bài thơ “Lắng lại” đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân Đội, thể hiện quan điểm và lối sống của người có thiện tâm và sự lạc quan trong cuộc sống, biết lắng lại những suy nghĩ để thấy cuộc đời luôn thật tươi đẹp. “Lắng lại để nghĩ suy/ chợt nhận ra xung quanh mình có rất nhiều bạn tốt/ đài dự báo, ngày mai, thời tiết/ nắng trải vàng khắp ba miền và gió mênh mang”, phải chăng đó là sự thanh thản của một tâm hồn luôn nhận thấy “xung quanh có nhiều bạn tốt”, luôn “dự báo” những điều tốt lành trong tự nhiên, trong cuộc sống.
Lắng lại từ suy nghĩ, để từ đó có những “bước đi” tự tin, yêu đời: “Lắng lại để bước đi đường phía trước luôn rộng dài tuy vẫn còn nhiều thách thức/ ta có cả một mùa ước hẹn/ dự là thênh thênh”. Những câu thơ như lời thầm thĩ, tự sự, bởi nhà thơ dù đã “lắng lại”, chín chắn trong nghĩ suy, song vẫn nhận rõ “con đường phía trước luôn rộng dài” và “Vẫn còn nhiều thách thức”, cho dù dự kiến là rất “thênh thênh”.
Một cách hay khi dùng từ láy, thể hiện sự rộng mở, thênh thang và thuận lợi. Lắng lại, còn giúp nhà thơ khẳng định sự thấu hiểu của một tâm hồn gạt bỏ mọi băn khoăn, phiền muộn: “Lắng lại để tin hơn/ sau những gì. Và sau tất cả những gì/ chỉ còn lại mối thiện tâm cùng tấm tình thấu hiểu/ hết mọi muộn phiền cùng hết những băn khoăn”.
Với những câu chữ bình dị, gần như những câu văn nói, ngắn, gọn nhưng hàm chứa sâu xa kinh nghiệm và triết lý của cuộc sống. Khi con người luôn có mối “thiện tâm và sự thấu hiểu” thì cuộc sống sẽ giản dị, an yên, hết đi mọi muộn phiền và băn khoăn.
Nhưng có lẽ, điều mà nhà thơ muốn tâm sự, bộc bạch đó là sự “Lắng lại” để “Lớn lên”: “Lắng lại để thấy mình lớn lên/ từ những điều tưởng chừng đơn giản nhất/ nghe thiên hạ đồn rằng ngày mai, ngày kia và tiếp những ngày/ sau nữa/ hạt cựa mình, mầm trổ những chồi xanh”. Cuộc sống vốn luôn phát triển. Điều quan trọng từ “cái tứ” của bài thơ là sự hồi sinh, “gieo nhân” và nảy mầm trước những hơn thua, được mất, để “hạt cựa mình, mầm trổ những chồi xanh”.
Đơn giản, nhưng không phải ai cũng nhận biết và chiêm nghiệm thấy. Khép lại bài thơ, sự mong muốn “lắng lại” để gạt qua những toan tính, ích kỷ, hơn thua như chính dòng sông tự mình lắng lại để trong trẻo hơn, xanh hơn. Như cuộc sống vốn luôn bị “khuấy đảo” nhưng chỉ với phút giây lắng lại sẽ thấy cuộc đời tươi đẹp và đáng sống hơn.
NGUYỄN SÔNG TRÀ