Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiệm kỳ 2015-2020: Kinh tế phát triển nhanh, tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước 

Cập nhật ngày: 12/10/2020 - 01:14

BTN - Trước thềm Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Báo Tây Ninh ghi nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của một số bạn đọc là cán bộ hưu trí, doanh nhân và sẽ trích đăng trong các số báo trước và trong Ðại hội. Dưới đây là nội dung phỏng vấn ông Phan Minh Thành, một cán bộ hưu trí khá am tường về kinh tế tỉnh nhà.

Cắt băng khánh thành trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn Global GAP lớn nhất Việt Nam, tại ấp Long Thịnh, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, ngày 27.3.2019

 

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có nhận định gì về những thành tựu của nền kinh tế tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua?

Ông Phan Minh Thành

Ông Phan Minh Thành: Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực xuất phát từ các diễn biến xung đột giữa các quốc gia trên thế giới, nhất là cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ; của quá trình toàn cầu hoá hội nhập quốc tế sâu rộng mà Việt Nam đã tham gia thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại song phương hay đa phương, và nhất là ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 mang lại, nhưng dựa trên bản thống kê tình hình thực hiện 24 chỉ tiêu cơ bảng do Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra làm mục tiêu phấn đấu thực hiện, ta thấy:

Về kinh tế có 10 chỉ tiêu, chúng ta đã thực hiện đạt, vượt được 5 chỉ tiêu, 2 chỉ tiêu không đạt và 3 chỉ tiêu không đưa ra đánh giá do thay đổi cách tính toán, phương pháp thống kê gồm GRDP bình quân trên đầu người năm cuối theo giá hiện hành và 2 chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu.

Văn hoá - xã hội có 8 chỉ tiêu, chúng ta đã thực hiện đạt, vượt 7 chỉ tiêu, có 1 chỉ tiêu về tỷ lệ giảm hộ nghèo không đưa vào đánh giá bởi lý do nêu trên. Về môi trường có 6 chỉ tiêu, tất cả được thực hiện đạt và vượt.

Với những kết quả nêu trên, ta có thể phác hoạ bức tranh toàn cảnh nền kinh tế của tỉnh nhà trong giai đoạn 2015-2020 như sau:

Kinh tế phát triển nhanh, tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước (tăng trưởng 7,2%); tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh không ngừng được nâng lên so với giai đoạn 2010-2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tức cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng và hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mỗi năm bình quân từ 8%-12%; thu ngân sách hằng năm tăng bình quân 9,9%.

Hạ tầng giao thông dần được nhựa hoá, bê tông hoá đến tận các xóm, ấp; điện, hệ thống bưu chính, viễn thông đã được đưa về và phủ khắp các địa phương; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 99%.

Các vấn đề môi trường đã được xử lý tương đối ổn định. Cơ sở phục vụ y tế, giáo dục đã được đầu tư đầy đủ và hoàn chỉnh tại các cấp hành chính quản lý; văn hoá, xã hội không ngừng được cải thiện; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%...

Dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tỉnh Tây Ninh ổn định được nhiều mặt, cả về quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế không ngừng phát triển theo đúng định hướng, trở thành một trong những tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

PV: Trong các thành tựu đó, ông đánh giá cao các thành tựu nào, lĩnh vực nào? Vì sao?

Ông Phan Minh Thành: Theo cách thông thường, lĩnh vực nào kích thích tăng trưởng làm xoay chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, chúng ta sẽ đánh giá cao lĩnh vực đó. Ở đây tôi muốn nói là sản xuất công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ, vì cả hai lĩnh vực này đều chiếm tỷ trọng cao trong GRDP. Kết quả này là do ta có giải pháp thu hút đầu tư tốt sau khi hình thành và đưa cả 5 khu công nghiệp vào hoạt động với quy mô diện tích hơn 3.385 ha; mở rộng thị trường xuất khẩu và hệ thống các loại dịch vụ, nhất là thực hiện xã hội hoá đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục...

Nhưng với tôi, tôi luôn đánh giá cao các thành tựu mang lại từ các Chương trình xây dựng nông thôn mới làm thay đổi bộ mặt hạ tầng ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thu ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian qua còn có những hạn chế, nguồn lực xây dựng chủ yếu vẫn từ ngân sách, chưa huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp trong nhân dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng kết quả ban đầu cho thấy chương trình này đã tạo ra được một phong trào thi đua mạnh mẽ, đặc biệt là diện mạo của nhiều làng quê đã được thay da đổi thịt từng ngày khi các tiêu chí dần dần được hoàn thiện, nhất là cơ sở hạ tầng ở nông thôn.

Có thể nói, giờ đây bộ mặt nông thôn ở Tây Ninh đã được đổi mới rất nhiều, sản xuất gia tăng giúp thu nhập của người dân nông thôn ngày càng ổn định, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Từ những kết quả ban đầu do chương trình mang lại, nếu biết phát huy tư duy kết nối, tập hợp được sức mạnh tổng hợp, theo ý Ðảng lòng dân, tôi tin chắc sẽ càng mang lại nhiều thành tựu, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, xoá bỏ dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị.

PV: Theo ông, thời gian qua, nền kinh tế tỉnh nhà còn những tồn tại, hạn chế nào cần được tháo gỡ, khắc phục để bứt phá vươn lên?

Ông Phan Minh Thành: Tôi thấy trong dự thảo báo cáo chính trị lần này cũng đã nêu đầy đủ các hạn chế, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra 4 quan điểm chỉ đạo, 2 mục tiêu phát triển, 10 nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh cùng với 4 giải pháp đột phá để tháo gỡ, khắc phục nhằm bứt phá vươn lên trong giai đoạn 2020-2025.

Ðể làm được việc này, theo tôi, tỉnh cần có một đội ngũ cán bộ có năng lực thật sự và đồng bộ trong bộ máy, nhất là cán bộ có tư duy dám nghĩ, dám làm, nhận rõ được vị trí, đặc thù tiềm năng của Tây Ninh để thực hiện được việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế.

PV: Theo ông, trong nhiệm kỳ tới, Tây Ninh cần phải làm gì để phát triển nhanh, bền vững?

Ông Phan Minh Thành: Một trong những nguyên nhân hạn chế về kinh tế của Tây Ninh trong thời gian qua mà dự thảo báo cáo cũng đã chỉ rõ đó là sự gắn kết với các tỉnh, thành phố trong chiến lược quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có lúc chưa chặt chẽ.

Do vậy, để có thể phát triển nhanh, bền vững, Tây Ninh không thể nào đứng độc lập mà phải có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh xung quanh. Sự liên kết này là cần thiết vì nó đưa kinh tế của địa phương phát triển bền vững. Việc liên kết nhằm: Nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ chuyên môn hoá ngành nghề sản xuất dựa trên thế mạnh của từng địa phương; hỗ trợ và chia sẻ lẫn nhau trong cung cấp dịch vụ công hay kết cấu hạ tầng cơ sở; bảo đảm môi trường được ổn định; gia tăng năng lực cạnh tranh; bảo đảm được lợi ích chung về kinh tế.

Ngoài ra, để xác định rõ tiềm năng về sản xuất nông nghiệp với các cây thế mạnh có khả năng đóng góp chung cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cho cả đất nước, theo tôi, tỉnh ta cũng nên soát xét lại các chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hiện chuyên môn hoá ngành nghề thế mạnh mà Tây Ninh có, không nên chạy theo giá cả thị trường nhưng khả năng cạnh tranh không bền vững.

PV: Trước thềm Ðại hội, ông có ý kiến, nguyện vọng gì muốn đề đạt, gửi gắm?

Ông Phan Minh Thành: Phương châm của Ðại hội lần này là: “Ðoàn kết - Kỷ cương - Dân chủ - Ðổi mới - Phát triển”.

Chủ đề của Ðại hội là: “Xây dựng Ðảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy truyền thống cách mạng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên, tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về kinh tế - xã hội đưa Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.

Với phương châm và chủ đề như thế, tôi mong muốn Ðại hội lần này tiếp tục là một Ðại hội đoàn kết để thống nhất hành động, chủ động, sáng tạo trong đổi mới và phát triển.

BẢO TÂM

(Thực hiện)