BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều bài học kinh nghiệm sau đại dịch 

Cập nhật ngày: 03/03/2023 - 10:48

BTN - Đến nay, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, mọi hoạt động đời sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh qua đi đã để lại rất nhiều vấn đề tồn tại cần nhận diện và sớm khắc phục, không để lúng túng hay sai phạm đáng tiếc khi xảy ra đại dịch hoặc những sự cố bất khả kháng tương tự trong tương lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội khoá XV

Bài học về sức mạnh đại đoàn kết

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Tây Ninh là một trong những “điểm nóng” của cả nước, đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Cao điểm, trung bình mỗi ngày số ca nhiễm cao điểm lên tới 2.000-3000 ca, tử vong từ 13-16 ca, trong khi điều kiện đáp ứng của y tế còn hạn chế, vaccine và các trang thiết bị y tế đều thiếu, điều đó cho thấy sức ép của đại dịch đối với tỉnh là rất khủng khiếp. Thời điểm đó, tỉnh không chỉ lo chống dịch mà còn phải thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế xã hội, chính trị.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng nguồn ngân sách Nhà nước cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 đến 2022 là 1.987 tỷ 23 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 183 tỷ 811 triệu đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương. Nguồn huy động xã hội hoá đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân khó khăn do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh tiếp nhận trên 82,4 tỷ đồng. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh phân bổ kinh phí kịp thời, bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng. Toàn tỉnh đã huy động gần 3.000 người trực tiếp phòng, chống dịch. Tỉnh được sự chi viện về nhân lực y tế từ các địa phương khác gồm 188 người (trong đó có 67 bác sĩ) và huy động đông đảo lực lượng quân đội, công an, các đơn vị vận tải.

Sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, Tây Ninh cùng với cả nước đã vượt qua đại dịch đầy khó khăn nhưng rất đáng tự hào. Đứng lên sau đại dịch, kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh phục hồi nhanh với tốc độ tăng trưởng đạt 9,56%, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh ngày 23.2 vừa qua, các thành viên đoàn giám sát của Quốc hội khoá XV đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch với sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Tây Ninh. Các biện pháp phòng, chống dịch cho đến nay cơ bản là đúng hướng, kịp thời và hiệu quả.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên đoàn giám sát của Quốc hội khoá XV cho rằng: “Sau đại dịch, cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở để nếu như sau này có những đại dịch tương tự hoặc khủng khiếp hơn nữa thì việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, huy động lực lượng, nguồn lực sẽ bài bản hơn. Về huy động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, với những kết quả của tỉnh cho thấy niềm tin của người dân Tây Ninh vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền tỉnh là rất lớn. Các thành phần kinh tế, tầng lớp nhân dân đã chung sức, tự nguyện đóng góp, chia sẻ, cùng tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch. Phát huy tinh thần đại đoàn kết cũng là một bài học quan trọng đối với cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng”.

Nâng cao năng lực ngành Y tế

Nhận diện về khả năng đáp ứng của ngành Y tế Tây Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh nhận định: Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở trong điều kiện bình thường tỏ ra đáp ứng, nhưng khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã vượt quá khả năng của hệ thống y tế, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Dịch bệnh xảy ra đã bộc lộ rõ khuyết điểm của ngành: thiếu nhân lực- nhất là bác sĩ, bộ máy quản lý của ngành Y tế từ tỉnh tới cơ sở không đáp ứng được yêu cầu quản trị, quản lý tài chính. Thời điểm dịch, đội ngũ làm công tác chuyên môn phải làm việc trong môi trường áp lực cao, lây nhiễm, sang chấn tâm lý do quá tải công việc, căng thẳng cộng với gánh nặng thủ tục hành chính giấy tờ, thanh toán liên quan đến dịch bệnh dẫn tới xu hướng nghỉ việc sau dịch, thiếu nhân lực trầm trọng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đỗ Hồng Sơn, tính tại thời điểm tháng 12.2022, nhân lực y bác sĩ của toàn tỉnh thiếu khoảng 25%. Ngành Y tế đang thực hiện nhiều giải pháp tăng cường tuyển dụng, thực hiện chính sách thu hút, giữ chân, đào tạo nguồn nhân lực y tế. Tuy nhiên, việc tuyển dụng hiện gặp nhiều khó khăn do cung không đủ nhu cầu, trong đợt tuyển dụng gần đây nhất, số đơn dự tuyển chỉ được khoảng 1/3 so với nhu cầu cần tuyển. Trong thời gian tới, ngành sẽ đề xuất thêm hình thức xét tuyển và thực hiện tốt chính sách cho nhân viên y tế theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Đối với những khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư y tế, lãnh đạo Sở Y tế cho biết hiện tại đấu thầu thuốc đang chờ thẩm định tài chính, tuy nhiên, so với tiến độ vẫn chậm. Riêng đấu thầu vật tư hoá chất còn vướng nhiều do thông tin về giá trên cổng thông tin của Bộ Y tế không cập nhật kịp thời và một số lý do khác liên quan đến hệ quả sau đại dịch Covid-19.

Để nâng cao năng lực hệ thống y tế, từ thực tiễn của địa phương, Tây Ninh có nhiều kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về rà soát thể chế, chính sách, cụ thể như sớm sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Đấu thầu... Kiến nghị Trung ương sớm có chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp đặc thù ngành và giải pháp thu hút, giữ chân nguồn nhân lực đối với cán bộ, nhân viên y tế cơ sở công lập.

Cần hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp trong điều kiện dịch bệnh

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, quy trình mua sắm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định và hướng dẫn tại Nghị quyết số 79/NQ-CP, Nghị quyết số 86-NQ/CP và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính. Căn cứ các văn bản quy định của Trung ương, UBND tỉnh ban hành các văn bản về hình thức, quy trình lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc, hoá chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch theo quy định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 79/NQ-CP, Nghị quyết số 86-NQ/CP có một số khó khăn, vướng mắc về cách lấy giá thị trường, giá trúng thầu. Bên cạnh đó, trong tình hình dịch phức tạp, địa phương cần trang bị một số loại máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch nhưng Bộ Y tế không cập nhật kịp thời giá các loại hoá chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, dịch vụ phòng, chống dịch trên cổng thông tin điện tử, dẫn đến việc chủ đầu tư không có thông tin để làm cơ sở xác định giá gói thầu đối với trường hợp không xác định được giá theo quy định tại điểm d, khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP.

Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội khoá XV, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị khi có dịch, Trung ương ban hành văn bản để áp dụng trong trường hợp chống dịch khẩn cấp phải quy định rõ, cụ thể cách tham khảo giá thị trường, giá trên trang mạng chính thống, giá trúng thầu của gói thầu trúng trước trong các hình thức đấu thầu nào… hoặc có văn bản bộ, ngành hướng dẫn chi tiết hơn. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể quy trình đấu thầu về sinh phẩm y tế.

Phát biểu làm rõ kiến nghị này tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh: “Trong điều kiện dịch bệnh chúng ta thống nhất quan điểm “chống dịch như chống giặc” và theo đúng quan điểm này thì cần phải đề cao sự linh hoạt, chủ động của từng địa phương. Việc lấy điều kiện đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế trong điều kiện bình thường để áp dụng cho thời điểm phòng, chống dịch rất cấp bách là không hợp lý”. Do đó, cần điều chỉnh, bổ sung đối với Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng có quy định riêng trong điều kiện dịch bệnh, thảm hoạ (bất khả kháng) để các địa phương có thể linh hoạt sử dụng, điều chuyển nguồn lực phù hợp tình hình, miễn là bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, không để thất thoát, tham nhũng. Đối với Luật Đấu thầu cần có quy định riêng hoặc tham chiếu riêng trong lĩnh vực đấu thầu y tế, không thể lấy một quy trình đấu thầu chung cho mọi lĩnh vực để áp dụng cho lĩnh vực y tế rất đặc thù. Và nếu xảy ra trường hợp đặc biệt như đại dịch Covid-19 thì Trung ương phải chịu trách nhiệm điều phối toàn bộ việc mua sắm tập trung về đấu thầu trang thiết bị y tế thiết yếu, vật tư để phân bổ về cho các địa phương theo nhu cầu.

Phương Thuý