BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều ca sốt xuất huyết nặng, không nên chủ quan 

Cập nhật ngày: 04/11/2022 - 05:59

BTN - Theo thống kê của Sở Y tế, chỉ trong 1 tuần, toàn tỉnh có gần 240 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Nhiều bệnh nhân biểu hiện suy đa tạng từ rất sớm, bệnh diễn biến nặng sau khi sốt chỉ 2-3 ngày. Đặc biệt, tỷ lệ trở nặng và tử vong ở người lớn mắc SXH cao hơn nhiều so với trẻ em.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Số ca nặng tăng cao, sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

Mới đây, em N.Q.T (15 tuổi, ngụ phường 2, TP. Tây Ninh) phát hiện mắc SXH nặng sau khi có kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tư nhân Lê Ngọc Tùng. Chị P.K.Y- mẹ bệnh nhân cho biết trước đó 5 ngày, con chị sốt nhẹ, vẫn đi học bình thường, nhưng da ngày càng xanh xao, tái nhợt, đi phân đen. Lo lắng, chị đưa con đi xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán T bị sốc SXH nặng, phải chuyển viện điều trị. “Vào bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ phải đặt nội khí quản, truyền máu... Đến nay, sức khoẻ cháu đang dần hồi phục”- chị K.Y. nói.

Nhiều người cho rằng, SXH thường xuất hiện ở trẻ em. Đây là cách nghĩ khá sai lầm. Trên thực tế, đã có rất nhiều người trưởng thành mắc SXH ở cấp độ nặng, mang nhiều chủng virus khác nhau. Cách đây hơn 1 tháng, chị T.K.C (46 tuổi, ngụ phường 3, TP. Tây Ninh) đột nhiên lên cơn sốt, nôn ói, khó thở, phải nhập viện điều trị tại BVĐK Lê Ngọc Tùng, bác sĩ chẩn đoán chị mắc SXH. Sau một tuần điều trị, sức khoẻ ổn định, chị C xuất viện, có thể đi làm trở lại. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, chị C tiếp tục nhập viện do SXH nặng, cơ thể suy nhược, bác sĩ phải truyền dung dịch cao phân tử chống sốc. Chị T.T.V, em gái bệnh nhân cho biết, đây là lần thứ ba chị C mắc sốt xuất huyết trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Hiện tại, chị C đã thoát cơn nguy kịch và xuất viện.

Sau 3 ngày có triệu chứng sốt, khó ngủ, đau mỏi cơ xương, vã mồ hôi, tay chân lạnh, anh Đ.P.H. (46 tuổi, ngụ xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) đến BVĐK Lê Ngọc Tùng xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh mắc SXH, đồng thời tư vấn anh nhập viện điều trị do có hiện tượng cô đặc máu. “Thời gian trước tôi cũng đã từng mắc SXH nhưng chỉ sốt và điều trị tại nhà. Bây giờ tôi không nghĩ bệnh SXH lại nguy hiểm như vậy, chúng ta không nên chủ quan với bệnh này”- anh H. cho biết.

Theo CDC Tây Ninh, số ca SXH đang tăng trở lại tại nhiều địa phương, gấp nhiều lần cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số bệnh nhân cũng cao hơn các năm, ghi nhận 1 ca tử vong. Riêng tại BVĐK Lê Ngọc Tùng, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 30 ca, chiếm 69% số ca được báo cáo (gần 200 ca).

Ngoài ra, BVĐK Tây Ninh cũng ghi nhận nhiều ca SXH ở trẻ em và người lớn. Thời điểm cuối tháng 10, Khoa Nhi BVĐK Tây Ninh quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang.

Người dân nên lật úp lu, chậu, vật chứa nước để diệt lăng quăng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

SXH đang tiếp tục có dấu hiệu gia tăng tại nhiều địa phương. Trước áp lực thiếu bác sĩ, nhân viên y tế của hệ thống bệnh viện công lập; tình trạng thiếu thuốc, thiếu dung dịch xét nghiệm, ngành Y tế dự báo trong tháng 11 và 12 tới có thể sẽ là đỉnh dịch của SXH năm nay.

Trước tình hình đó, Sở Y tế chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện công tác điều trị SXH Dengue. Theo đó, khi không có các dịch truyền cao phân tử điều trị SXH như Dextran 40 10%, HES 200.000 dalton 6%, các cơ sở y tế có thể tạm thời sử dụng dung dịch HES 6% 130.000 dalton hoặc Gelatin 4% trong trường hợp có chỉ định sử dụng dịch truyền cao phân tử theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXHD của Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22.8.2019.

Thời gian qua, Sở Y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch SXH trên toàn tỉnh: thực hiện chiến dịch ASEAN trong tháng 6 và tháng 9.2022; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát, lan rộng; giám sát côn trùng định kỳ; giám sát xử lý ổ dịch tại các huyện, thành phố; tổ chức các lớp tập huấn giám sát, báo cáo bệnh truyền nhiễm cho tuyến huyện, xã; tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông...

Với tiêu chí phòng bệnh hơn chữa bệnh, Sở Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực xung quanh nhà; phát quang bụi rậm, lật úp chậu nước, bình nước để diệt lăng quăng; ngủ mùng dù là ban ngày hay ban đêm... Tuyệt đối không chủ quan vì SXH có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ em cho tới người già; người từng mắc SXH vẫn có khả năng tái nhiễm.

Để phát hiện sớm bệnh SXH, chúng ta có thể dựa vào các dấu hiệu điển hình như sốt cao đột ngột 39-40 độ C từ 2-7 ngày; da xung huyết, ửng đỏ (như cháy nắng); mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn, sang ngày thứ 3 đến thứ 6 thì sẽ xuất hiện các dấu xuất huyết ngoài da, chảy máu răng, chảy máu mũi, ói ra dịch lợn cợn đen, ói ra máu, đi cầu phân đen hoặc xuất huyết âm đạo bất thường ở trẻ em gái dậy thì. Khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết ngoài da, vật vã, li bì, đau vùng gan, tiểu ít… đồng nghĩa với việc bệnh nhân đang chuyển nặng. Khi có các dấu hiệu của bệnh, người dân không nên tự điều trị tại nhà, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Sở Y tế, trong tháng 10.2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.436 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 19,87% so với tháng 9 (1.198 ca), tăng 14,96 lần so với cùng kỳ năm 2021 (96 ca), trong đó có 1 ca tử vong tại thị xã Hoà Thành. Tính đến hiện nay, tỉnh đã có hơn 11.600 ca mắc SXH và có 6 trường hợp tử vong. Đặc biệt, tỷ lệ trở nặng và tử vong ở người lớn mắc SXH cao hơn nhiều so với trẻ em.

Ngọc Bích - Tâm Giang