Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vận tải, du lịch, lữ hành, nhà hàng... khiến một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp hơn kế hoạch.
6 tháng đầu năm, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế có 30 doanh nghiệp báo cáo khó khăn trong sản xuất, kinh doanh với tổng số lao động là 40.878 người, số lao động bị ảnh hưởng là 12.647 người, trong đó chấm dứt hợp đồng lao động là 1.148 người, ngừng việc 2.742 người. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 42 Chính phủ, đến ngày 15.5.2020, có 18 doanh nghiệp thực hiện chế độ cho các nhóm đối tượng tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động với tổng số 4.220 người.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, dịch vụ du lịch, xây dựng… cũng gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, xuất nhập khẩu, hàng hoá sản xuất không bán được, tồn hàng, không mua được nguyên liệu, ngừng hoạt động… Hiện tỉnh cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ.
Công nhân làm việc tại một công ty dệt may
Do các doanh nghiệp hoạt động khó khăn, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm có tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp. Với phương châm "vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả", cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã từng bước tháo gỡ được khó khăn, đang dần ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp nhận được các đơn hàng có giá trị cao trong việc sản xuất các trang thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động phòng, chống dịch như: sản xuất khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, nước tẩy rửa, tiệt trùng… xuất đi các trung tâm dịch như Mỹ, Brazil, Nga, Tây Ban Nha…
Bên cạnh đó, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm đạt 505,6 triệu USD, giảm 23,7% so cùng kỳ. Thời gian qua, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới 11 dự án; 9 dự án điều chỉnh tăng vốn; 1 dự án điều chỉnh giảm vốn; 1 dự án chuyển thành dự án trong nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 331 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có 243 dự án hoạt động, 43 dự án đang xây dựng, 35 dự án chưa triển khai,10 dự án dừng hoạt động.
Thu hút đầu tư trong nước 6 tháng đầu năm đạt 379 tỷ đồng, giảm 89% so cùng kỳ. Tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư mới 5 dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 530 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực. Trong đó có 314 dự án đi vào hoạt động, 55 dự án đang triển khai xây dựng, 139 dự án chưa xây dựng, 22 dự án dừng hoạt động.
Trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cho công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, nắm thông tin về tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, kết nối cung cầu, giải quyết việc làm cho người lao động.
Nhi Trần