Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổ chức lại mạng lưới trường lớp:
Nhiều chức danh sẽ... dôi dư
Thứ tư: 06:02 ngày 07/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Sáp nhập những trường học có quy mô nhỏ là đúng nhưng vấn đề đặt ra là công tác quản lý sau khi sáp nhập. Mặt khác, việc sáp nhập các trường tiểu học trên cùng một địa bàn sẽ dẫn đến nhiều thay đổi về con người, trong đó có đội ngũ làm công tác quản lý”- một vị cán bộ quản lý trong ngành Giáo dục đã bày tỏ ý kiến như thế.

Học sinh Trường tiểu học Thị trấn A, huyện Dương Minh Châu.

NHIỀU VỊ TRÍ CẦN TÍNH TOÁN LẠI

Theo ý kiến trên, sau khi tổ chức sáp nhập, ngoài cơ sở chính, tại mỗi điểm phụ cần bố trí một chức danh (tạm gọi như vậy) làm đại diện cho cơ sở chính để điều hành các hoạt động giáo dục ở đây. Người được giao nhiệm vụ này phải có uy tín về chuyên môn cũng như các điều kiện khác. Nhưng giả dụ như có người đảm nhận vị trí này thì lại nảy sinh vấn đề về chế độ phụ cấp chức vụ, vì trên thực tế, người đó không giữ một chức vụ nào hết.

Ở khu vực nông thôn, hầu hết các trường tiểu học là trường hạng ba, tức dưới 18 lớp. Theo quy định hiện hành, trường hạng 3 chỉ có một hiệu phó để giúp việc cho hiệu trưởng. Nếu một trường sau khi sáp nhập lại mà có đến ba hoặc bốn điểm phụ thì hiệu phó sẽ phải “chạy đi chạy lại” nhiều nơi.

“Không đi kiểm tra, các hoạt động giáo dục sẽ bị ảnh hưởng, còn đi nhiều thì không có thời gian, vì ngoài giúp việc cho hiệu trưởng, hiệu phó còn phải đứng lớp theo quy định”- vị cán bộ phân tích.

 Như vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để sau khi sáp nhập trường, một trường tiểu học có thể có nhiều hơn một hiệu phó để chia nhau “trông coi” các hoạt động giáo dục ở điểm phụ. Lâu nay, các trường nhiều điểm phụ thường có tình trạng: các hoạt động giáo dục chủ yếu tập trung ở cơ sở chính, còn ở điểm phụ, nhiều khi giáo viên “muốn dạy sao thì dạy”. Do vậy, theo ý kiến của vị cán bộ quản lý, khi sáp nhập, công tác quản lý, điều hành cần đặc biệt coi trọng, không thể buông lỏng.

Sau khi sáp nhập, tổ chức lại, đội ngũ giáo viên và cả ban giám hiệu cùng nhiều chức danh khác sẽ dôi dư. Xử lý vấn đề này như thế nào? Trả lời câu hỏi ấy, vị cán bộ cho biết, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang xây dựng kế hoạch, phương án để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Vị này đề xuất: “Theo nguyên tắc cạnh tranh, càng nhiều ứng viên chức hiệu trưởng thì cấp quản lý cao hơn càng có nhiều cơ hội để lựa chọn người có năng lực, đạo đức để giao nhiệm vụ. Còn các hiệu trưởng, hiệu phó khác, vì lý do nào đó không đảm đương được chức vụ quản lý phải trực tiếp đứng lớp hoặc phải được bố trí công việc khác.

Theo quan điểm của tôi, khi chọn hiệu trưởng, nên ưu tiên những người trẻ, có năng lực, am hiểu công nghệ thông tin và có khát khao cống hiến. Với các vị hiệu trưởng, hiệu phó đã lớn tuổi, ngấp nghé tuổi nghỉ hưu nên vận động cho về hưu hoặc làm tạm việc gì đó, chờ đủ năm đủ tháng thì về”.

Đối với hàng loạt chức danh khác trong trường phổ thông như tổng phụ trách Đội, Đoàn Thanh niên, kế toán, thủ quỹ, văn thư, thư viện, tổ trưởng, khối trưởng chuyên môn, y tế… cần nghiên cứu kỹ, có phương án cụ thể để xoá bỏ hoặc bố trí công việc khác. Riêng vị trí kế toán, chỉ cần một người là hoàn toàn có thể đảm đương được công việc cho tất cả trường học trên địa bàn một xã.

Một ý kiến khác nhìn nhận: trong tình trạng “loạn cấp phó” như thời gian qua, việc đề nghị tăng thêm cấp phó cho trường học sẽ không dễ được chấp nhận. Đó còn chưa kể, nếu vẫn giữ nguyên quy định điều lệ trường phổ thông như hiện nay, việc tăng cấp phó không thể thực hiện được. Lý do, ngay cả khi đã sáp nhập, một trường tiểu học (tính luôn cả điểm phụ) cũng không thể có số lớp nhiều hơn 18 để bố trí 2 hiệu phó.

Theo ý kiến này, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới, quy mô trường lớp theo tinh thần của Nghị quyết số 19 đã được tính toán kỹ. Tinh thần của việc “đổi mới” là một người, một vị trí quản lý trong nhà trường phải làm nhiều việc. Vì lâu nay ở trường phổ thông, phần lớn hiệu trưởng, hiệu phó khá nhàn hạ. Đa số trong họ không thực hiện đúng quy định của Nhà nước về chế độ làm việc, thường đến cơ quan trễ và không đứng lớp theo quy định (dù vẫn hưởng phụ cấp đứng lớp).

Được biết, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang xây dựng kế hoạch cụ thể để giữa tháng 3 này gửi cấp trên xem xét. Việc sáp nhập, tổ chức lại hệ thống trường lớp chỉ có thể bắt đầu ở năm học 2018-2019.

KHÓ THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ THU, TỰ CHI

Theo kế hoạch (dự thảo) đã được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành liên quan, trong tương lai sẽ thực hiện xã hội hoá một số trường công lập ở khu vực đô thị, ổn định thành trường hoàn toàn tự chủ về tài chính, trong đó có tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Bản dự thảo không giải thích vì sao phải làm như vậy nhưng hoàn toàn có thể hiểu được: chủ trương này nhằm giảm chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp, trong đó có ngành Giáo dục. Về bản chất, cơ chế này sẽ làm cho trường công lập hoạt động theo mô hình của trường tư thục, đó là tiến tới nhà trường không còn được bao cấp và ngân sách Nhà nước sẽ giảm chi cho trường học ở khu vực đô thị.

Nhưng từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình không đơn giản. Vì, mức thu học phí trong trường công lập, từ mầm non cho đến phổ thông đang thực hiện thống nhất trong toàn quốc, theo quy định của Chính phủ. Điều này có nghĩa, các trường (ở khu vực đô thị) không thể thu học phí theo cơ chế riêng.

Trong khi đó, nếu vẫn giữ mức thu học phí như hiện nay, nguồn thu không đủ để nhà trường chi thường xuyên và chi đầu tư. Thậm chí, ngay cả khi quy định về thu học phí được sửa đổi, nguồn thu này cũng không đáp ứng được nhu cầu (trừ khi mức thu rất cao).

Chủ trương xã hội hoá, hay nói thẳng ra là chuyển trường công lập thành trường ngoài công lập đã từng được đề cập. Cách nay ít năm, tại Tây Ninh, ngành Giáo dục từng có ý định chuyển đổi hai ngôi trường phổ thông công lập thành trường tư thục khi một tổ chức giáo dục có ý định mua hai trường này, nhưng vụ việc đã gây xôn xao dư luận và bị phản ứng rất mạnh từ xã hội cũng như từ chính những người đang giảng dạy.

Sự phản ứng đó không chỉ là về vấn đề cơ sở vật chất mà còn liên quan đến tương lai của giáo viên lẫn học sinh. Tại thời điểm đó, hành lang pháp lý cũng chưa rõ ràng. Một thời gian sau, ngành Giáo dục tỉnh nhà đã có văn bản chính thức trình cấp có thẩm quyền xin phép chưa thực hiện chuyển đổi mô hình trường công sang tư.

 Qua đó có thể thấy, cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn trong trường công lập rất khó thực hiện. Năm 2017, một cuộc hội thảo toàn quốc về tự chủ giáo dục đã được tổ chức ở Tây Ninh. Tại đây, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia xây dựng chính sách đã chỉ ra những thách thức về tự chủ tài chính trong trường công lập.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, nền giáo dục đang tồn tại hai loại hình chính: công lập và tư thục. Trường tư thục vận hành theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán giữa nhà cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng, sử dụng dịch vụ đó. Còn với trường công, mọi hoạt động được ngân sách chi trả, kèm theo đó là hàng loạt những quy định, chính sách khác.

Do vậy, chủ trương xã hội hoá, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn trong trường công lập (dù trường ở khu vực đô thị) cũng khó trở thành hiện thực, vì thiếu cơ sở thực hiện.

Cách nay chưa lâu, một số trường trung học phổ thông ở TP. Tây Ninh đã từng manh nha thành lập lớp chất lượng cao trong nhà trường, với chi phí học tập cao hơn các lớp đại trà. Tuy nhiên, cuối cùng, ý tưởng này bị dẹp bỏ. Lớp chất lượng cao hay lớp đại trà cũng chừng ấy giáo viên trong trường giảng dạy. Đó còn chưa kể, các giáo viên có tay nghề cao không mặn mà với ý tưởng này, bởi nếu họ về nhà mở trung tâm dạy thêm thì còn nhanh... làm giàu hơn.

Để giảm chi ngân sách cho ngành Giáo dục, đồng thời đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân, tại Tây Ninh có lẽ chỉ có một hướng đi, đó là kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng trường hoạt động theo mô hình trường tư thục.

Chủ trương này đã và đang được thực hiện, nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào ngành Giáo dục chưa nhiều, phần lớn trường ngoài công lập đều là trường mầm non. Với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, hệ thống trường ngoài công lập ở Tây Ninh chưa hình thành. Toàn tỉnh chỉ có vài đơn vị giáo dục ngoài công lập nhưng hiệu quả hoạt động cũng chưa có gì đáng phấn khởi.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục