Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuẩn bị triển khai đại trà sách giáo khoa lớp 1:
Nhiều chuyện cần được giải quyết Bài 1: Nỗi lo về giáo viên, cơ sở vật chất
Thứ tư: 00:08 ngày 12/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do có quá nhiều bộ sách giáo khoa được phê duyệt nên việc lựa chọn sách giáo khoa giáo viên chỉ đọc lướt, không có thời gian trải nghiệm trên từng cuốn sách, dẫn đến việc chọn sách mang tính chủ quan hơn là khách quan.

Học sinh tiểu học trong một cuộc thi “Vở sạch, chữ đẹp”.

Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học này là triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, cụ thể là đối với lớp 1.

Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh có đợt giám sát tình hình chuẩn bị thay sách giáo khoa lớp 1 ở một số địa phương (Báo Tây Ninh đã thông tin). Những địa phương còn lại có những thuận lợi đan xen khó khăn, bất cập. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) kiến nghị để chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đạt hiệu quả cao, xứng đáng với “đồng tiền, bát gạo” - tức tiền thuế của người dân?

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Châu Thành thông tin, toàn huyện có 30 trường tiểu học. Thực hiện đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2021, huyện này đã sáp nhập 22 trường tiểu học thành 11 trường và giải thể 1 trường.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Châu Thành đánh giá, việc triển khai tiến hành kịp thời, công khai, đồng bộ.

Trong quá trình thực hiện, Phòng đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, hướng dẫn giáo viên trong tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận sách giáo khoa lớp 1; tham gia biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên tiểu học trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu; tổ chức rà soát cơ sở vật chất bảo đảm số phòng học 1 phòng/lớp. 

Đánh giá về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lãnh đạo Phòng cho rằng chương trình mới được phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Chương trình giáo dục phổ thông mới giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học, giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hoá - tự chọn, thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục, điều kiện của địa phương.

Khó khăn hiện nay ở Châu Thành là cơ sở vật chất chưa đáp ứng chương trình, sách giáo khoa mới. Cụ thể, môn Tin học sẽ là môn bắt buộc, trong khi đó nhiều trường chưa có phòng chức năng phục vụ dạy học môn học này,  đa số các trường không có đầy đủ các phòng chức năng như phòng học Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học.

Việc đầu tư xây dựng chỉ tập trung cho các trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Một số đơn vị vẫn còn thiếu giáo viên nhưng không có biên chế để tuyển. Trong khi đó, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế.

Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên ngại đổi mới; phụ huynh học sinh còn nặng về thành tích học tập, về điểm số, chưa chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống, hành vi ứng xử, giao tiếp của học sinh; khả năng tự học của học sinh chưa được tốt...

Phòng GD&ĐT kiến nghị HĐND, UBND tỉnh không tinh giản 10% biên chế, bổ sung thêm biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục và hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Tại huyện Dương Minh Châu, lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết,  hiệu trưởng các trường tổ chức tốt quy trình chọn sách giáo khoa theo tinh thần chỉ đạo của các cấp. Phòng chỉ đạo các trường trên địa bàn huyện tổ chức rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, phòng chức năng, trang thiết bị hiện có.

Từ đó, đề xuất bổ sung các trang thiết bị dạy học bảo đảm đủ, đúng theo yêu cầu danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ quy định. Phòng chủ động tham mưu với UBND huyện và Sở đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ thay sách giáo khoa mới, trong đó có 28 phòng học, 10 phòng chức năng ở cấp tiểu học.

Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện, khó khăn hiện nay là một số trường tiểu học vẫn còn thiếu cán bộ quản lý. Điều này gây trở ngại trong việc quản lý công tác chuyên môn khi bước vào giai đoạn thay sách. Một số giáo viên lớn tuổi việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tập huấn bồi dưỡng tự học qua mạng, trực tuyến.

Việc quy định một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học; giao thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa đến các cơ sở giáo dục gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện cũng như học sinh trong việc sử dụng sách giáo khoa trong những năm học sau.

Do có quá nhiều bộ sách giáo khoa được phê duyệt nên việc lựa chọn sách giáo khoa giáo viên chỉ đọc lướt, không có thời gian trải nghiệm trên từng cuốn sách, dẫn đến việc chọn sách mang tính chủ quan hơn là khách quan.

Ngành GD&ĐT huyện Tân Biên cũng ráo riết chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1. Toàn huyện có tổng số 320 phòng học, trong đó, phòng trên cấp 4 có 284 phòng, phòng cấp 4 có 26 phòng, địa phương không còn tình trạng phòng học tạm và phòng mượn.

Cơ sở vật chất trang thiết bị khác được cấp từ đầu giai đoạn thay sách giáo khoa trước đây khá đầy đủ. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng hiện nay đã hao mòn, thất thoát hoặc không còn phù hợp để giảng dạy có chất lượng.

Việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục ở khối 1 năm học 2020-2021 cần bổ sung các thiết bị phục vụ trong giảng dạy phù hợp, đầy đủ, kịp thời hơn. Lãnh đạo Phòng nhìn nhận, đội ngũ giáo viên còn thiếu so quy định về tỷ lệ giáo viên/lớp do giáo viên một số bộ môn chuyên, huyện không tuyển dụng được.

Tại huyện Bến Cầu, Phòng GD&ĐT cho biết số học sinh tiểu học dự kiến cho năm học 2020-2021 là 5.839 học sinh/205 lớp. Riêng khối lớp 1 năm học 2020-2021 là 41 lớp/1.177 học sinh. Giáo viên dự kiến dạy lớp 1 là 110 người (gồm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy môn và giáo viên dạy chuyên).

Về chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, toàn huyện có tổng số 203 phòng học, trong đó, phòng trên cấp 4 có 143 phòng, phòng cấp 4 có 60 phòng.

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị cho việc thay sách, theo ý kiến của Phòng thì sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt và công bố còn chậm. Số lượng sách đến các đơn vị chưa kịp thời, không đủ cho giáo viên nên cũng gây khó khăn cho việc nghiên cứu, đánh giá từng bộ sách giáo khoa của các trường. Phụ huynh học sinh chưa thực sự tham gia vào việc chọn sách giáo khoa lớp 1. Các trường trong huyện lựa chọn sách giáo khoa nhiều bộ sách dẫn đến việc quản lý, chỉ đạo rất khó khăn.

Việt Đông

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh