Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
CHUẨN BỊ TRIỂN KHAI ĐẠI TRÀ SÁCH GIÁO KHOA LỚP 1:
Nhiều chuyện cần được giải quyết Bài 2: Cần điều chỉnh chính sách để khắc phục bất cập
Thứ sáu: 20:02 ngày 14/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đánh giá tổng quát về việc chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT nhìn nhận: Nghị quyết số 88/2014/QH13 là văn kiện chính trị quan trọng, thể hiện chính sách lớn của Đảng ta về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược dài hạn và toàn diện, với những bước đi và giải pháp cơ bản cho việc phát triển giáo dục.

Học sinh Trường tiểu học Thị trấn B, huyện Tân Châu

Thời gian qua, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên, tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá các bộ/cuốn SGK lớp 1 theo tiêu chí. Các trường tiểu học thành lập Hội đồng lựa chọn SGK và tổ chức lựa chọn SGK đúng theo quy trình. Sau khi có kết quả, Hiệu trưởng công bố, niêm yết công khai danh mục SGK lớp 1 được sử dụng trong năm học 2020-2021. Đến cuối tháng 4.2020, tất cả các trường tiểu học trong tỉnh đã hoàn tất việc lựa chọn SGK lớp 1.

Song song đó, Sở chỉ đạo các đơn vị, trường học lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, lập danh sách gửi về Sở để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới. Sở đã rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ giáo viên, trên cơ sở đó lựa chọn những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, tích cực, năng động, sáng tạo trong đổi mới giáo dục để bố trí dạy lớp 1 bảo  đảm chất lượng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Sở phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán.

Để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, năm 2020, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các hạng mục công trình tại một số cơ sở giáo dục công lập cấp tỉnh. Sở đang rà soát và xây dựng lộ trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Riêng cấp học tiểu học, mạng lưới các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm khoảng cách theo quy định, bảo đảm phòng học để thu hút số học sinh trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, nhiều trường do xây dựng đã lâu nên phòng học xuống cấp, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ khác còn thiếu. Tổng số phòng học hiện có là 2.946 phòng/3.176 lớp, đáp ứng được 92,7% so với nhu cầu (mỗi lớp 1 phòng). Số phòng kiên cố là 2.447 phòng; số phòng bán kiên cố là 684 phòng, số phòng học tạm là 4 phòng, số phòng học mượn là 5 phòng. Thiết bị dạy học tối thiểu hiện có 11.459 bộ, đáp ứng 65,3% so với nhu cầu. Trước mắt, năm học 2020-2021, bố trí 670 phòng cho lớp 1, còn lại (2.276 phòng/2.506 lớp) bố trí cho các lớp 2 đến lớp 5. Tuy nhiên, một số trường học không đủ phòng để học 2 buổi/ngày.

Theo lãnh đạo Sở, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống. Các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học. Theo đó, học sinh cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Các em được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ được để phát triển. Chương trình mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường và giáo viên trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục.

Về những khó khăn, cơ sở vật chất cấp tiểu học phải bảo đảm yêu cầu 1 lớp/phòng học để học 2 buổi/ngày, số phòng học trong thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Đồng thời, chương trình phổ thông mới quy định ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Ở một số trường có tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Theo thống kê hiện nay, toàn tỉnh có 79,43% số học sinh đang được học 2 buổi/ngày theo chương trình hiện hành. Chương trình mới ở cấp tiểu học có thêm 2 môn học mới là ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ (là môn học bắt buộc), bắt đầu thực hiện từ năm học 2022-2023. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ giáo giảng dạy Ngọai ngữ và Tin học chưa đáp ứng nhu cầu.

Ngoài những ưu điểm, thuận lợi, việc triển khai chương trình mới còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Sở GD&ĐT kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh lại quy trình thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công, giảm bớt thủ tục hoặc uỷ quyền cho địa phương thực hiện điều chỉnh vốn trong phạm vi nguồn vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với Chính phủ và bộ, ngành Trung ương, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho những tỉnh khó khăn về ngân sách như Tây Ninh (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ODA, Chương trình mục tiêu, vay khác) để đầu tư, sửa chữa trường, lớp học, nhà vệ sinh trong trường học để bảo đảm yêu cầu (tối thiểu) của chuẩn quốc gia. Đối với Bộ GD&ĐT, đề nghị Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cấp kinh phí theo Quyết định 1436/QĐ-TTg ngày 29.10.2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017-2025 để tỉnh triển khai thực hiện theo kế hoạch. Tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đối với Chương trình kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2020-2025. Xem xét tách nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để có kênh ngân sách riêng cho giáo dục (như Chương trình mục tiêu giáo dục như trước đây) thì mới thực hiện có hiệu quả về cơ sở vật chất của ngành Giáo dục. Quy định số lượng học sinh tối đa trên một lớp đối với THCS, THPT không quá 40 học sinh/lớp để bảo đảm tính khả thi cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới.

VIỆT ĐÔNG

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh