Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều đề tài KHCN về lĩnh vực nông nghiệp
Thứ sáu: 17:58 ngày 03/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm 2019, tổng đầu tư ngân sách nhà nước về khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh gần 62 tỷ đồng, bao gồm kinh phí đầu tư phát triển (28,2 tỷ đồng) và đầu tư sự nghiệp khoa học (khoảng 33,7 tỷ đồng).

Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư ngoài ngân sách khoảng 4,9 tỷ đồng cho lĩnh vực KHCN.

Trong năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ 10 đề án (10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất) ứng dụng máy móc thiết bị đổi mới công nghệ trong sản xuất với tổng kinh phí thực hiện gần 4,5 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 600 triệu đồng, địa phương hỗ trợ 965 triệu đồng; kinh phí đóng góp của đơn vị thụ hưởng trên 2,8 tỷ đồng. Hầu hết các đề án được hỗ trợ đều hoạt động có hiệu quả khi ứng dụng máy móc thiết bị mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thả ong mắt đỏ ra ruộng mía.

Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN trên địa bàn tỉnh đã bám sát định hướng ưu tiên của Chiến lược KHCN và kế hoạch phát triển KHCN tỉnh giai đoạn 2011-2020. Tổng số nhiệm vụ KHCN theo dõi thực hiện trong năm 2019 là 32 nhiệm vụ.

Trong đó có nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; 23 nhiệm vụ cấp tỉnh; 8 nhiệm vụ KHCN (đề tài, dự án) cấp cơ sở, gồm các lĩnh vực như khoa học nông nghiệp (40,6%), khoa học xã hội và nhân văn (31,2%), khoa học kỹ thuật và công nghệ (25%), khoa học tự nhiên (3%).

Các kết quả nghiên cứu của các đề tài đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nền nông nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, điển hình như đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống và kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, chất lượng nhãn huyện Hòa Thành, Tây Ninh”; dự án sản xuất thử nghiệm “Nhân nuôi, sản xuất hàng loạt ong mắt đỏ phòng trừ sâu đục thân hại mía trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, có một số kết quả điển hình như ở đề tài "Nghiên cứu chế biến sản phẩm nước trái cây lên men từ trái mãng cầu ta Tây Ninh”, sản phẩm nước mãng cầu ta lên men được sản xuất theo quy trình có chất lượng tốt, đồng đều và ổn định.

Quy trình kỹ thuật sản xuất dịch quả mãng cầu ta lên men được chuyển giao cho Trung tâm Khoa học và Công nghệ Tây Ninh ứng dụng và tiếp tục xin hỗ trợ dự án sản xuất, đầu tư mua máy móc thiết bị sản xuất nước ép mãng cầu ta lên men ở quy mô công nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sử dụng, đa dạng hoá sản phẩm từ trái mãng cầu ta Tây Ninh, giúp người nông dân sẽ có thêm kênh tiêu thụ trái mãng cầu và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

Đề tài “Mô hình máy phay CNC” với sản phẩm là máy phay CNC (bảo đảm các chức năng cơ bản của một máy phay CNC thực tế) phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy tích hợp lý thuyết và thực hành ở bộ môn Cắt gọt kim loại thuộc Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh, góp phần đào tạo những học viên có tay nghề kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh. Mô hình máy phay CNC này cũng đã đạt giải nhì tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI năm 2019.

Trong hoạt động ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, năm 2019, đã tổ chức 41 lớp đào tạo, tập huấn và chuyển giao các mô hình: đệm lót sinh học trong chăn nuôi; rau thủy canh; trồng lan Denro; xử lý rác quy mô hộ gia đình; trồng rau hữu cơ, rau mầm, ủ phân hữu cơ; mô hình Aquaponics; thiết bị lọc nước; đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời đến các xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố của tỉnh.

Ngoài ra, còn chuyển giao mô hình trồng giống nấm mối đen, nấm chân dài; triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn; thực hiện mô hình sản xuất giống lan cắt cành (Dedrobium Sonia earsakul; White 5N) và chuối tiêu Cavendish SP bằng phương pháp nuôi cấy mô; nhân giống lan Ngọc Điểm rừng nhằm đa dạng hóa sản phẩm Trại Công nghệ sinh học của tỉnh.

Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho KHCN của tỉnh trong năm 2019 vẫn còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 0,8% so với tổng chi ngân sách của tỉnh (thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, đã đạt 1,5 – 2%). Nguồn kinh phí chi cho KHCN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, các nguồn xã hội hóa khác còn rất thấp.

Mối liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ. Sản phẩm nghiên cứu chưa thực sự bám sát với nhu cầu doanh nghiệp. Nhiều đề tài nghiên cứu còn ở quy mô nhỏ và tính phổ biến ứng dụng còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường KHCN ở tỉnh còn khó khăn, việc gắn kết nhà khoa học, nhà quản lý với nhà sản xuất, kinh doanh còn hạn chế nên chưa thương mại hóa được kết quả nghiên cứu, số lượng giao dịch mua bán công nghệ còn thấp.

Việc thành lập Quỹ Phát triển KHCN địa phương chưa thực hiện được do điều kiện quản lý quỹ chưa đáp ứng, cơ chế hoạt động quỹ là kiêm nhiệm nên rất khó trong công tác điều hành, thực hiện nghiệp vụ của quỹ.

Trúc Ly

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục