Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Qua đơn bạn đọc
Nhiều điểm bất thường từ một vụ khiếu nại thi hành án
Thứ ba: 17:21 ngày 25/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhận thấy một bản án của TAND thành phố Tây Ninh có những dấu hiệu “bất thường”, chưa đúng quy định pháp luật nên Chánh án TAND tỉnh Bùi Đức Xuân ký văn bản báo cáo đến TAND tối cao, TAND cấp cao và Viện KSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để xét xử lại đúng quy định pháp luật.

Mới đây, nhận thấy một bản án của TAND thành phố Tây Ninh có những dấu hiệu “bất thường”, chưa đúng quy định pháp luật nên Chánh án TAND tỉnh Bùi Đức Xuân ký văn bản báo cáo đến TAND tối cao, TAND cấp cao và Viện KSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để xét xử lại đúng quy định pháp luật. Trước đó, liên quan đến bị đơn trong bản án này, Chi cục THADS huyện Tân Châu cũng có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an huyện Tân Châu đề nghị xử lý hình sự đối tượng có hành vi vi phạm kê biên.

CHO MƯỢN “TÀI SẢN ĐẢM BẢO ĐỂ THI HÀNH ÁN”

Trước đó, một số người dân ngụ ở huyện Tân Châu, là người được thi hành án theo các quyết định, bản án của TAND huyện Tân Châu vào năm 2014, nhận thấy quá trình tổ chức thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Tân Châu có những điểm đáng ngờ nên họ gửi đơn kiến nghị đến Trưởng Ban Chỉ đạo THADS huyện Tân Châu.

Sau khi nhận đơn kiến nghị, ngày 18.4.2017, ông Tạ Châu Lâm, Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Chỉ đạo THADS huyện Tân Châu ký công văn đề nghị Chi cục THADS huyện Tân Châu xem xét giải quyết khiếu nại của các đương sự theo quy định pháp luật, báo cáo Trưởng ban chỉ đạo THADS huyện.

Ông Tạ Châu Lâm cho biết, Ban chỉ đạo THADS huyện nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Kế (ngụ xã Suối Ngô), Huỳnh Thị Sanh, Phạm Thị Liên, Nguyễn Thị Lý, Lê Kim Phượng (cùng ngụ xã Suối Ngô) khiếu nại Chi cục THADS huyện không thi hành các quyết định, bản án của TAND huyện Tân Châu tuyên buộc vợ chồng ông Trần Văn Phước và bà Dương Kim Chi (cùng cư ngụ tổ 1, ấp Đông Thành, xã Tân Đông) phải trả cho họ số tiền khoảng 780 triệu đồng. Mặc dù những người này thắc mắc, khiếu nại việc chậm thi hành án, nhưng Chi cục THADS huyện Tân Châu “không có văn bản trả lời cụ thể, rõ ràng cho các hộ dân biết hiện nay vụ việc đã được giải quyết như thế nào”.

Theo trình bày của những người được thi hành án, năm 2014, TAND huyện Tân Châu ban hành các quyết định, bản án buộc vợ chồng ông Phước, bà Chi phải trả cho bà Kế số tiền 85 triệu đồng, bà Sanh 230 triệu đồng, bà Liên 140 triệu đồng, bà Lý 155 triệu đồng, bà Phượng 170 triệu đồng.

Sau khi Chi cục THADS huyện Tân Châu ban hành các quyết định thi hành án, ngày 26.9 và ngày 29.9.2014, vợ chồng ông Phước, bà Chi đến Chi cục THADS huyện Tân Châu “tự nguyện thi hành án” bằng cách giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) do ông bà đứng tên trên phần đất diện tích 1.602,4m2 thuộc thửa số 184, tờ bản đồ số 25, toạ lạc tại tổ 1, ấp Đông Thành, xã Tân Đông, được UBND huyện Tân Châu cấp ngày 30.6.2014 để thi hành án.

Tuy nhiên, khoảng một tuần sau, ngày 6.10.2014, vợ chồng ông Phước đến Chi cục THADS trình bày “xin được giải toả các thửa đất”, mượn lại giấy CNQSDĐ để làm thủ tục vay tiền ngân hàng. Vợ chồng ông Phước cam kết khi vay được sẽ trả đủ cho những người được thi hành án.

Nếu sau 15 ngày không vay được tiền, vợ chồng ông Phước sẽ trả lại giấy CNQSDĐ để Chi cục THADS huyện Tân Châu tiếp tục thi hành án. Sau khi lấy được giấy CNQSDĐ nói là để vay tiền ngân hàng, nhưng vợ chồng ông Phước không vay, mà giấy CNQSDĐ họ cũng không trả lại cho Chi cục THADS huyện Tân Châu.

Vì vậy, ngày 8.12.2014, Chi cục THADS huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 04/QĐ-THA cưỡng chế kê biên tài sản là QSDĐ trên của vợ chồng ông Phước với chiều ngang 9,32m, chiều dài 60m trong phần diện tích 1.602,4m2. Sau đó, ngày 20.1.2015, vợ chồng ông Phước làm đơn khiếu nại chấp hành viên “kê biên không hết chiều dài phần đất” là 172m. Ngày 15.6.2015, Chi cục THADS huyện Tân Châu ban hành quyết định chấp nhận khiếu nại của vợ chồng ông Phước.

Một điều khá lạ lùng là sau khi vợ chồng ông Phước, bà Chi xin mượn lại giấy CNQSDĐ, ngày 14.2.2015, ông, bà đã mang giấy CNQSDĐ đến Văn phòng công chứng Tây Ninh “chứng thực” thế chấp cho ông Nguyễn Văn Lẹ và bà Dương Ngọc Ánh (bà Ánh là em bà Chi - NV) để vay 2 tỷ đồng.

Vì vậy, khi Chi cục THADS huyện Tân Châu đang làm các thủ tục bán đấu giá QSDĐ của vợ chồng ông Phước, vợ chồng ông Lẹ mang hợp đồng thế chấp QSDĐ của vợ chồng ông Phước thế chấp cho họ đến Chi cục THADS huyện Tân Châu để yêu cầu Chi cục THADS huyện Tân Châu không được bán đấu giá. Lúc này, Chi cục THADS huyện Tân Châu hướng dẫn vợ chồng ông Lẹ khởi kiện tại TAND huyện Tân Châu trong thời hạn 30 ngày, nhưng vợ chồng ông Lẹ không thực hiện.

Ngày 16.5.2016, Công ty TNHH thẩm định giá Chuẩn Việt ban hành Chứng thư thẩm định giá phần đất trên 1,3 tỷ đồng. Vợ chồng ông Phước không đồng ý chứng thư trên, yêu cầu Công ty cổ phần thẩm định giá Exim thẩm định lại và “tự nguyện chịu chi phí thẩm định”. Ngày 18.8.2016, Chứng thư của Công ty Exim thẩm định giá phần đất trên là 1,5 tỷ đồng. Ngày 26.9.2016, Chi cục THADS huyện Tân Châu ký hợp đồng bán đấu giá với Công ty TNHH đấu giá Khải Hưng.

HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU VẪN TUYÊN XỬ ƯU TIÊN

Trong thời gian thông báo bán đấu giá tài sản, Chi cục THADS huyện Tân Châu mới biết tin vợ chồng ông Lẹ khởi kiện vợ chồng ông Phước tại TAND thành phố Tây Ninh bằng một hợp đồng khác, trong đó, vợ chồng ông Phước vay 2,3 tỷ đồng, thế chấp giấy CNQSDĐ được công chứng tại Văn phòng công chứng Tâm Thanh vào ngày 10.5.2016. Vì vậy, ngày 20.7.2016, TAND Thành phố đã đưa vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản ra xét xử, tuyên buộc vợ chồng ông Phước phải trả cho vợ chồng ông Lẹ 2,3 tỷ đồng “nhưng không tính lãi”.

Điều đáng nói là, mặc dù bản án này xét xử sau các quyết định, bản án của các bà Kế, Sanh, Liên, Lý và Phượng, Chi cục THADS huyện Tân Châu đang kê biên QSDĐ của vợ chồng ông Phước để thi hành án, nhưng thẩm phán Trần Văn Thiết vẫn tuyên “ưu tiên” thanh toán cho vợ chồng ông Lẹ sau khi phát mãi tài sản của vợ chồng ông Phước.

Một việc lạ lùng hơn nữa là mặc dù bản án của TAND thành phố Tây Ninh chưa được cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành thì lại xuất hiện một người “chủ mới” tiến hành xây dựng trên phần đất đã kê biên này. Vì vậy, Chi cục THADS huyện Tân Châu phải nhờ đến lực lượng Công an xã, Tư pháp xã Tân Đông đến lập biên bản yêu cầu dừng thi công.

Sau khi chính thức nhận được Bản án số 57/2016/DS-ST của TAND Thành phố uỷ thác thi hành, nhận thấy vợ chồng ông Phước, bà Chi có dấu hiệu tẩu tán tài sản, không thi hành án nên ngày 2.12.2016, Chi cục THADS huyện Tân Châu có văn bản gửi đến VKSND và Công an huyện Tân Châu đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với ông Phước, bà Chi về hành vi vi phạm kê biên tài sản. Sau đó, Chi cục THADS huyện Tân Châu gửi văn bản đến VKSND và TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giám đốc thẩm bản án của TAND Thành phố.

Một điều không bình thường là vợ chồng ông Trần Văn Phước, bà Dương Kim Chi có địa chỉ tại tổ 1, ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, nhưng TAND Thành phố lại ghi nhận địa chỉ của họ ở số 69 đường Liên Xã, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh để thụ lý giải quyết.

Nhận thấy bản án của TAND thành phố Tây Ninh không đúng quy định pháp luật, Chánh án TAND tỉnh Bùi Đức Xuân đã ký Văn bản số 46/TA-BCKN gửi Chánh án TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Văn bản nêu rõ, giấy CNQSDĐ cấp cho vợ chồng ông Phước đã bị Chi cục THADS huyện Tân Châu kê biên theo Quyết định số 04/QĐ-THA ngày 8.12.2014 để bảo đảm thi hành án cho các bản án, quyết định đã có yêu cầu thi hành án vào năm 2014. Hợp đồng thế chấp tài sản của các bên chưa đăng ký tại Văn phòng Đăng ký đất đai đúng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các giao dịch dân sự phải đăng ký bảo đảm, thế chấp QSDĐ là đối tượng phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế, hợp đồng thế chấp QSDĐ trên chưa được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 124 và Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2005, hợp đồng thế chấp QSDĐ giữa vợ chồng ông Phước và vợ chồng ông Lẹ là hợp đồng vô hiệu, nhưng TAND Thành phố lại ưu tiên thanh toán tài sản thế chấp theo hợp đồng trên là không đúng quy định pháp luật.

Văn bản của Chánh án TAND tỉnh nhận định, TAND Thành phố không thu thập chứng cứ để làm rõ vợ chồng ông Phước, ngoài nợ vợ chồng ông Lẹ còn nợ ai khác, hay có phải thi hành án cho người nào khác nữa hay không; mặt khác, cần xác định tài sản của vợ chồng ông Phước có bị cơ quan có thẩm quyền nào kê biên hay không. TAND Thành phố chỉ dựa vào lời khai duy nhất của bà Chi tại phiên toà, cho rằng vợ chồng bà không còn nợ ai, và tài sản thế chấp cho vợ chồng ông Lẹ không bị kê biên để xét xử ưu tiên cho nguyên đơn là không đúng quy định pháp luật.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng, ngoài việc làm rõ những điểm bất thường của thẩm phán xét xử Bản án số 57/2016/DS-ST, cũng cần làm rõ hành vi của các cá nhân tại Chi cục THADS huyện Tân Châu trong việc cho “mượn lại giấy CNQSDĐ”, tạo điều kiện vợ chồng ông Phước, bà Chi tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bà Nguyễn Thị Kế, Huỳnh Thị Sanh, Phạm Thị Liên, Nguyễn Thị Lý, Lê Kim Phượng.

ĐỨC TIẾN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục