Ngày 21.10.2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Điều này khẳng định, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, về an toàn xã hội, sức khoẻ cộng đồng, về bảo vệ môi trường có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của đất nước.
Đánh giá lại thực tế, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo trong tổ chức, hoạt động, đòi hỏi cần có những giải pháp kiểm soát, đồng bộ, bảo đảm ATTP cho người dân.
Bài 1: Quản từ gốc
Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 1.7.2011) giao trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP cho 3 ngành chủ chốt: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT), Công Thương nhằm quản lý theo chuỗi sản xuất và nhóm ngành nghề, thông suốt từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, giết mổ đến khâu sơ chế, chế biến, kinh doanh… Luật ATTP quy định trách nhiệm trước tiên thuộc về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đoàn liên ngành ATVSTP do Sở Công Thương chủ trì kiểm tra cơ sở sản xuất chao tại huyện Tân Châu
Cùng với nhiều quy định, cơ sở pháp lý quan trọng trong luật, chế tài đối với các vi phạm trong lĩnh vực này được Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương quy định chi tiết, tạo hành lang pháp lý tích cực cho công tác quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Cụ thể hoá văn bản luật
Trước khi Luật ATTP được ban hành, việc quản lý ATTP được phân ở từng công đoạn: ngành Nông nghiệp quản lý khâu sản xuất, ngành Công Thương quản lý khâu lưu thông, ngành Y tế quản lý khâu chế biến.
Theo Pháp lệnh ATTP năm 2003, tại Tây Ninh, năm 2007, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Quyết định số 29 thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Sở Y tế là Phó trưởng Ban Thường trực; lãnh đạo các sở, ngành làm uỷ viên.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát ATTP
Năm 2016, thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của BCĐ liên ngành về ATVSTP các cấp, tỉnh đã kiện toàn BCĐ liên ngành từ tỉnh đến cấp xã bảo đảm theo quy định. Từ năm 2018, khi Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP đến nay, bên cạnh việc kiện toàn thành viên BCĐ liên ngành, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, UBND tỉnh đã cụ thể hoá hoạt động, nhiệm vụ của BCĐ và Tổ giúp việc từ cấp tỉnh đến cấp xã. Nhiệm vụ của BCĐ là giúp UBND chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, thực hiện có hiệu quả công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Trung ương. Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng BCĐ. Ban Chỉ đạo tỉnh còn ban hành quy chế làm việc, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của trưởng ban, từng thành viên và tổ giúp việc. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh thuộc Sở Y tế làm Văn phòng Thường trực của BCĐ, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Phó trưởng Ban Thường trực (Sở Y tế).
Ông Nguyễn Việt Cường- Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát một cơ sở sản xuất nước tương tại thị xã Hoà Thành
Ban Chỉ đạo cấp huyện do chuyên viên thuộc Văn phòng HĐND - UBND huyện, thị xã, thành phố phụ trách kiêm nhiệm công tác điều phối, theo dõi tham mưu về công tác ATVSTP; Trung tâm Y tế là đơn vị chuyên môn kỹ thuật, thực hiện các hoạt động bảo đảm ATVSTP trên địa bàn theo phân công của Sở Y tế; Trạm Y tế cấp xã cử nhân viên kiêm nhiệm phụ trách quản lý nhà nước về ATVSTP. Công tác quản lý ATVSTP nông - lâm - thuỷ sản giao cho công chức, viên chức Phòng Nông nghiệp và PTNT; ngành Công Thương giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng nhiệm vụ quản lý ATVSTP. Ngoài ra, trên địa bàn tuyến huyện có Đội Quản lý thị trường, thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ATVSTP trên địa bàn.
Xét về nguyên tắc hoạt động, từng ngành, từng thành viên trong quy chế làm việc đã hình thành hệ thống quản lý ATTP được tổ chức từ tỉnh đến cấp xã, giúp việc quản lý nhà nước về ATTP theo chuỗi và giúp kiểm soát thực phẩm ngay tại nơi có thể phát sinh mối nguy hại.
Thực tiễn thi hành
Ngày 5.5.2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 154 thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm an ninh, ATTP; trong đó, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm an ninh, ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, đơn vị; khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện.
Kế hoạch số 154 đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh, ATTP, như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền trong triển khai thực hiện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục và vận động thực hiện chính sách, pháp luật; nâng cao năng lực và hiệu quả trong quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế và đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Để triển khai thực hiện, hằng năm, Ban Chỉ đạo liên ngành các cấp đã ban hành các kế hoạch kiểm tra về điều kiện, chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt trong dịp lễ, tết và các lễ hội... vừa bảo đảm sức khoẻ cho người dân, chủ động phòng ngừa ngộ độc, sử dụng thực phẩm an toàn, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Bên cạnh thực hiện cấp giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện về ATTP theo đúng quy định pháp luật, Ban Chỉ đạo liên ngành từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và kiện toàn, hoạt động phù hợp với Luật ATTP, các quy định của trung ương và địa phương.
Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân tỉnh, giai đoạn 2022-2023, việc chấp hành các văn bản quy định về ATTP đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh được ban hành nhằm nâng cao công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành liên quan cũng tích cực trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện phù hợp với phạm vi quản lý của ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trên địa bàn tỉnh có trên 13.774 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Giai đoạn 2022-2023, theo chức năng nhiệm vụ quản lý, ngành Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương đã triển khai thực hiện công tác quản lý và cấp 979 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh toàn tỉnh. Trong đó, ngành Y tế cấp 723 giấy chứng nhận (132 cơ sở sản xuất, 591 dịch vụ ăn uống), nâng số cơ sở thuộc đối tượng cấp giấy 2.435 cơ sở; ngành Nông nghiệp và PTNT cấp 169 giấy chứng nhận, luỹ kế 417 cơ sở cấp tỉnh và cấp huyện. Đối với các cơ sở không cấp phép, thực hiện ký cam kết theo Thông tư số 17 năm 2018 do UBND cấp huyện quản lý; ngành Công Thương cấp 87 giấy chứng nhận (32 cấp mới, 55 cấp lại), luỹ kế 120 cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Các ngành ghi nhận không có trường hợp đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận, không có trường hợp tiếp nhận và thẩm định nội dung chuyên môn đăng ký quảng cáo các sản phẩm thực phẩm.
Trên thực tế, với số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATVSTP, số cơ sở kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có liên quan đến ATTP cũng khá lớn, đa phần là các điểm sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn thiếu kiến thức về ATTP, thói quen tiêu dùng thiếu an toàn, vẫn sử dụng những hàng hoá không rõ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, nguy cơ ngộ độc cao...
Câu hỏi đặt ra, sự phối hợp giữa các ngành và địa phương trong công tác quản lý về ATTP đã thực sự đồng bộ và hiệu quả?
Tâm Giang
(còn tiếp)