Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh, từ đầu tháng 3 đến nay có hơn 115 ha mì bị nhện đỏ tấn công trên diện rộng.
Ruộng mì bị nhiễm nhện đỏ.
Nhện đỏ làm cho lá khô và rụng đi, cây sinh trưởng kém, dẫn đến năng suất và chất lượng củ mì giảm đáng kể.
Vào thời điểm hiện tại, nắng nóng khô hạn là điều kiện thuận lợi cho nhện đỏ phát sinh gây hại mì, nhất là ở những chân ruộng gò không chủ động được nguồn nước tưới.
Anh N.V.H (ngụ ấp Phước Long 1, xã Phan, huyện Dương Minh) cho biết, anh có 1 ha mì vừa được 2 tháng tuổi. Năm nào ruộng mì nhà anh đều đạt năng suất và chất lượng khá cao. Nhưng từ đầu tháng 3 đến nay nắng mưa thất thường, hơn 90% diện tích ruộng mì đang bị nhện đỏ tấn công.
Anh H. đã phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ nhưng cây mì vẫn bị nhện đỏ làm khô hết lá non, ruộng mì đang trong tình trạng chết dần. “Số tiền bỏ ra để thuê đất và đầu tư trồng đang có nguy cơ mất trắng”- anh H. nói.
Ruộng mì bị nhện đỏ tấn công.
Nhiều người trồng mì ở xã Bình Minh, TP.Tây Ninh cũng thấp thỏm bởi mì đang bị nhện đỏ phá hại. Nhiều nông dân nơi đây lo lắng, tìm mọi cách tiêu diệt nhưng không hiệu quả.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhện đỏ thường xuất hiện ở giai đoạn nắng nóng. Vì vậy, vào mùa khô cần tưới nước thường xuyên bằng hệ thống tưới phun bằng béc cố định hoặc dây phun để khống chế sự phát sinh và phá hại của nhện; bảo vệ thiên địch của nhện đỏ trên đồng ruộng như bọ rùa... Nếu cây mì bị nhện đỏ tấn công phải xịt thuốc trị kịp thời.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, khi nhện phát sinh gây hại với mật số cao, người trồng mì có thể dùng một trong các loại thuốc hóa học như dầu khoáng, Hexythiazox (Nissorun 5EC...), Acrinathrin (Rufast 3 EC), Propargite, Abamectin + Emamectin (Acprodi 65 EC). Xịt từ 2 đến 3 đợt phải đổi loại thuốc. Nếu tuân thủ cách phòng trừ này sẽ không sợ nhện đỏ tấn công cây mì.
Thanh Nhi