Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các ngành chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cần sâu rộng để người dân, DN hiểu và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp không thực hiện việc thu, nộp quỹ theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân kiểm tra an toàn hồ Dầu Tiếng.
Thực hiện Nghị định số 94 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4.2.2016, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT).
Qũy PCTT được thành lập ở cấp tỉnh, uỷ quyền cho UBND cấp huyện, xã thu. Đối tượng phải nộp là các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm triển khai, toàn tỉnh chỉ thu được khoảng 32,8 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh thu quỹ PCTT được 2,27 tỷ đồng và chi quỹ hơn 15,2 tỷ đồng. Trong đó, chi hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra trong hai năm 2018, 2019 hơn 14,5 tỷ đồng; tạm ứng kinh phí sửa chữa khẩn cấp công trình chống sạt lở suối Tiêu (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu) gần 700 triệu đồng và trích 5% tổng số tiền thu quỹ PCTT của người lao động để hỗ trợ người đi thu và chi phí hành chính.
Theo ông Lê Anh Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù hằng năm, Chi cục Thuỷ lợi đều tổ chức các lớp tập huấn, đối thoại về thu, nộp quỹ PCTT cho các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập và Nhà nước đã quy định rõ mức đóng góp của doanh nghiệp (DN), người lao động, nhưng việc triển khai không dễ vì nhiều DN không tự giác tham gia đóng Quỹ PCTT.
Hiện nay, đối tượng cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang tham gia đóng quỹ này đạt 100% nhưng số thu từ DN, người lao động tại các DN và lao động khác tại xã đạt thấp. Bình quân mỗi năm, số thu quỹ PCTT chỉ đạt khoảng 16% so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, phần lớn người lao động chưa đồng thuận về mức đóng quỹ PCTT theo quy định hiện nay. Cụ thể, nếu người lao động trong doanh nghiệp tính theo mức 22 ngày làm việc/tháng như công chức, viên chức thì mức đóng cao và chưa sát thực tế trong khi các doanh nghiệp thường làm từ 26 - 28 ngày/tháng. Không những vậy, công nhân trong các doanh nghiệp có biến động thường xuyên, rất khó tính số lượng thu cụ thể…
Cũng theo quy định, hằng năm, các DN đóng quỹ theo tỷ lệ 2/10.000 trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính, song khống chế ở mức tối thiểu là 500 ngàn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, đa số DN chỉ nộp mức thấp nhất bởi khó xác định giá trị tài sản để thu theo quy định.
Đại diện một DN trên địa bàn huyện Dương Minh Châu cho biết DN không có ý định trốn tránh hay trì hoãn việc đóng quỹ, mà nguyên nhân chính là chưa được tuyên truyền về việc DN phải có nghĩa vụ bắt buộc thu, nộp quỹ PCTT. Gần đây, DN này chỉ nhận được thông báo bằng văn bản khá chung chung về việc thu, nộp quỹ PCTT tại DN. Do đó, DN nhầm tưởng việc thu, nộp quỹ là tự nguyện như các chương trình từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội khác nên không tiến hành thu, nộp.
Một số DN khác thì cho rằng, biểu mẫu thu quỹ PCTT rườm rà, chưa có hướng dẫn xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp của công nhân. Thêm vào đó, nhiều lao động đã nộp quỹ ở địa phương thì không tham gia tại DN và ngược lại. Đồng thời, việc thu quỹ chưa công bằng đối với tất cả các DN, bởi lẽ, nhiều DN không đóng quỹ trong thời gian qua nhưng không hề bị xử lý gì.
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thu quỹ PCTT, ngày 14.9.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTT; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.11.2017. Tuy nhiên, đến nay, ở tỉnh ta chưa có trường hợp nào bị xử phạt theo Nghị định số 104.
“Thời gian tới, thực hiện theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương xây dựng kế hoạch, đôn đốc việc thu nộp, bảo đảm thu hoàn thành chỉ tiêu được giao và bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp”- ông Lê Anh Tâm cho biết thêm.
Thiết nghĩ, việc nộp Quỹ PCTT là trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức nhằm huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các hoạt động ứng phó, cảnh báo, báo động thiên tai tại cộng đồng... Do đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cần sâu rộng để người dân, DN hiểu và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp không thực hiện việc thu, nộp quỹ theo quy định.
Vũ Nguyệt
Theo Nghị định số 94 của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, mỗi doanh nghiệp đóng góp hai phần vạn (2/10.000) trên tổng tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hằng năm, mức đóng tối thiểu 500 ngàn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau: cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp; người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng; người lao động khác đóng 15.000 đồng/người/năm. Tại Nghị định 104/2017/NĐ-CP, ngày 14.9.2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều, các đối tượng đóng thiếu quỹ, đóng chậm quỹ, không thực hiện đóng quỹ có thể bị xử phạt hành chính tối đa 50 triệu đồng. |