BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều giải pháp “căn cơ” phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi 

Cập nhật ngày: 25/05/2019 - 20:40

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, nhiều lãnh đạo các tỉnh khu vực phía Nam đã thẳng thắn chỉ ra những yếu điểm còn tồn tại, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp cấp bách để phòng chống dịch lan rộng và tái diễn.

Description: Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm để ngăn chặn lợn bệnh tuồn vào các chợ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm để ngăn chặn lợn bệnh tuồn vào các chợ.

Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp

Ngày 25.5, Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP các tỉnh phía Nam đã diễn ra tại TPHCM. Báo cáo của Bộ NNPTNT, tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hậu Giang vào ngày 11.4.2019; đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 29 xã của 16 huyện thuộc 8 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang… với tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là 4.840 con, chiếm 0,08% tổng đàn lợn trong khu vực,…

Description: Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi các tỉnh phía Nam tại TPHCM.

Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi các tỉnh phía Nam tại TPHCM.

Trong đó, tại Đồng Nai, dịch xảy ra từ ngày 17.4.2019, đến nay dịch đã xuất hiện tại 20 hộ thuộc 9 xã, 4 huyện với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 2.181 con.

Tương tự tại Bình Dương, dịch xảy ra từ ngày 19.5.2019, đến nay dịch đã xuất hiện ra tại 5 hộ thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 1.096 con...

Trước tình hình trên, ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NNPTNT đã chỉ ra những bất cập trong công tác chống dịch tại các tỉnh phía Nam. Theo ông Lữu, hầu hết các chủ hộ chăn nuôi bị bệnh DTLCP thuộc vùng Đông và Tây Nam Bộ vừa qua chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, nên chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tiêu độc sát trùng thường xuyên.

Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi lợn vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt (đặc biệt là sử dụng trong chăn nuôi lợn rừng)... Được biết, hiện bệnh DTLCP còn xuất ở lợn rừng lai...

"Có những cơ sở giết mổ lậu chuyên gom heo bệnh chết với giá rẻ, chỉ 10.000 đến 12.000 đồng/kg để giết mổ đưa vào các quán ăn tiêu thụ, làm lây lan dịch bệnh", ông Lữu cho biết thêm.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, tại Đồng Nai, nơi có đàn lợn gần 3 triệu con bệnh DTLCP, một trong những ổ bệnh đầu tiên phát bệnh cũng do giết mổ lậu. Hiện Công an đã khởi tố vụ giết mổ heo chết nhiễm bệnh tả lợn Châu Phi và quyết liệt xử lý các điểm giết mổ lậu trên địa bàn.

TPHCM phòng chống dịch với 3 tình huống

TPHCM hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con; trong đó 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, có nguy cơ đối với bệnh DTLCP.

Ngoài ra, TPHCM có 11 cơ sở giết mổ lợn với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm là 6.500 đến 7.000 con lợn/ngày. Nguồn lợn nhập vào TPHCM giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa – Vũng Tàu (8,01%)…

Description: Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở nhiều tỉnh giáp rãnh TPHCM khiến người dân lo lợn bệnh tuồn vào chợ

Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở nhiều tỉnh giáp ranh TPHCM khiến người dân lo lợn bệnh được tuồn vào chợ.

Việc một số tỉnh giáp ranh xuất hiện bệnh DTLCP như Bình Dương, Đồng Nai… khiến TP lo lắng vì nằm trong “vòng vây dịch”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, TP đã ban hành quyết định xây dựng kế hoạch phòng chống DTLCP với 3 tình huống: Dịch ở miền Bắc, miền Trung; dịch xảy ra ở ven TP và dịch xuất hiện địa bàn quận, huyện TP.

TPHCM đã chỉ đạo thành lập thêm chốt giám sát ven đô, kiểm soát chặt nguồn thịt lợn vào thành phố. Tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành, lập thêm 3 chốt ở vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và một số đầu mối giao thông…

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, mặc dù đã thực hiện chủ động và khá đồng bộ các biện pháp, nhưng bệnh DTLCP với con đường lan truyền phức tạp nên khó kiểm soát một cách triệt để.

Trong khi đó, bệnh hiện không có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị nên các biện pháp an toàn sinh học phải được thực hiện triệt để.

“Nếu chúng ta không quyết liệt, ráo riết, dịch sẽ diễn biến phức tạp, lan rộng nhiều nơi, thậm chí tái bùng phát dịch, không biết sẽ thiệt hại đến đâu”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nguồn Lao động