Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đối với HTX
Thứ hai: 03:15 ngày 29/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chính sách tín dụng đối với HTX đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của HTX trên địa bàn tỉnh, nâng cao quy mô, chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh tế HTX và đời sống vật chất lẫn tinh thần cho thành viên của HTX trong thời gian qua.

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Chính sách tín dụng đối với HTX đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của HTX trên địa bàn tỉnh, nâng cao quy mô, chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh tế HTX và đời sống vật chất lẫn tinh thần cho thành viên của HTX trong thời gian qua.

HTX sầu riêng Bàu Đồn thu hoạch sầu riêng.

Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại đối với khu vực KTTT, HTX vẫn luôn là nỗi trăn trở của đối tượng được thụ hưởng chính sách này.

Khó khăn tiếp cận vốn

Tham luận tại hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho biết, việc cho vay đầu tư dự án của các HTX, Liên hiệp HTX rất khó khăn.

Để đáp ứng được các quy định về cho vay đầu tư nhà xưởng, nhà kho, trang trại chăn nuôi, HTX, Liên hiệp HTX phải bảo đảm các quy định về Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu. Trong khi đó, HTX phổ biến không có đất thực hiện dự án, chủ yếu phải thuê đất của cá nhân, hộ gia đình để thực hiện, do hầu hết là đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất trồng cây, không phù hợp với mục đích sử dụng, không được cấp phép xây dựng, chứng nhận bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, các HTX khi vay vốn hầu như đều thiếu tài sản bảo đảm, hoặc tài sản là đất thuê trả tiền hằng năm không được thế chấp, hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp. Năng lực tài chính mỏng, thiếu vốn đối ứng tham gia vào dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Việc hạch toán, kế toán còn nhiều bất cập, nhiều HTX giao dịch mua bán không có đầy đủ hoá đơn chứng từ; không tuân thủ quy định pháp luật về kế toán, dẫn tới không minh bạch về tài chính, không đủ số liệu tin cậy để được thẩm định, cho vay.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, việc tiếp cận tín dụng ưu đãi đối với khu vực KTTT chủ yếu thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, Quỹ HTX Trung ương. Trong năm 2023, có 9 dự án của các HTX, THT trên địa bàn được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với số tiền 6,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Một khó khăn khác nữa là phần lớn các HTX chưa xây dựng được dự án, phương án sản xuất kinh doanh; hoặc dự án, phương án sản xuất kinh doanh khi đề xuất vay vốn chưa mang tính khả thi.

Vấn đề hồ sơ thủ tục và một số quy định khác như thời gian thành lập, hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính, vốn đối ứng… cũng là rào cản đối với một số HTX trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý liên quan hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh không còn phù hợp với quy định hiện hành nhưng chưa được điều chỉnh vì cần phải có thời gian chuyển đổi mô hình theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

Theo Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Tây Ninh, trong công tác phối hợp cho vay, Liên minh HTX tỉnh đã giới thiệu nhiều HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, các HTX đều không đủ điều kiện để cấp tín dụng. Nguyên nhân là các HTX này chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khi đề xuất vay vốn chưa mang tính khả thi; không có hồ sơ pháp lý, không có báo cáo tài chính hoặc báo cáo tài chính chưa hoàn thiện; phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất của HTX chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Từ đó, Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Tây Ninh kiến nghị các ngành, các cấp có liên quan có cơ chế hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ HTX về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức bổ trợ; tạo điều kiện cho các HTX trong tỉnh tham gia học tập kinh nghiệm từ các mô hình HTX đạt hiệu quả cao ở các tỉnh bạn để có thể đáp ứng yêu cầu xây dựng hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế khi tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (huyện Châu Thành) trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa.

Từng bước tháo gỡ vướng mắc

Tại hội thảo, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam đưa ra một số giải pháp đối với các HTX như: HTX cần nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, thương hiệu, xuất xứ đối với sản phẩm OCOP, hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP... đáp ứng nhu cầu của thị trường; chủ động tham gia liên kết chuỗi giá trị, tham gia phát triển vùng nguyên liệu và hình thành liên kết chuỗi; xây dựng mã số vùng trồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản trị điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.

Các HTX cũng cần thích nghi với cơ chế thị trường, chấp hành đúng quy định của pháp luật về hoá đơn, chứng từ, sổ sách kế toán; minh bạch hoá các thông tin về tình hình tài chính, tài sản của HTX, công khai, tạo niềm tin cho thành viên góp vốn, các đối tác cũng như thuyết phục được các tổ chức tín dụng, các quỹ cho vay vốn.

Định hướng chính sách của ngành ngân hàng hỗ trợ phát triển HTX, bà Phạm Thị Thanh Tùng- Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đơn vị bám sát chủ trương tại Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc “tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả”. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả; HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao; HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng đề nghị HTX bảo đảm đủ các điều kiện, yêu cầu của một tổ chức HTX về nguồn vốn, tài sản, nhân lực, phương án sản xuất kinh doanh; hoạt động đúng bản chất của HTX; xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, tham gia và tuân thủ các quy định của mô hình sản xuất liên kết, minh bạch tài chính, dòng tiền, trả nợ đúng hạn, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng cho vay.

Để tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực KTTT, ông Huỳnh Kim Định- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị HTX đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin tăng trưởng cho các tổ chức tín dụng cho vay vốn.

Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng đưa ra đề xuất triển khai thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với HTX, nông dân như: mô hình cho vay liên kết theo hợp đồng 3 bên giữa ngân hàng - doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết thu mua nông sản - HTX, nông dân. Dựa trên hợp đồng liên kết sản xuất - thu mua nông sản và xác nhận của doanh nghiệp đầu chuỗi, các tổ chức tín dụng sẽ thanh toán các khoản đầu tư trực tiếp cho các đơn vị cung ứng vật tư tham gia liên kết (giống, phân bón…) cũng như tiền thu mua lúa của doanh nghiệp liên kết cho từng hộ nông dân.

Hiện nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 185 HTX với gần 40.000 thành viên. Doanh thu bình quân của 1 HTX 8.700 triệu đồng/năm, lãi bình quân của HTX 350 triệu đồng/năm. Số HTX hoạt động hiệu quả: 104/171 HTX đang hoạt động, chiếm 60%. Nhìn chung, các HTX đã thay đổi cơ bản cả về chất lượng lẫn số lượng. Nhiều HTX hoạt động đúng bản chất, chú trọng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho thành viên. Các HTX đã thể hiện vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công ăn việc làm, thu nhập cho các hộ gia đình đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng kinh tế khó khăn của tỉnh góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương.

Để cải thiện việc tiếp cận tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho khu vực KTTT, tỉnh tăng cường công tác phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các HTX xây dựng dự án vay vốn phù hợp, thống nhất, đơn giản hoá mẫu hồ sơ thủ tục vay vốn và hướng dẫn cụ thể quy trình cho HTX dễ dàng tiếp cận.

Phân công cán bộ theo dõi, phụ trách lĩnh vực KTTT ở cấp huyện, định kỳ khảo sát nhu cầu vay vốn của HTX; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các HTX làm dự án, hồ sơ thủ tục vay vốn.

Đẩy nhanh công tác tổ chức sắp xếp lại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP để hoạt động phù hợp với quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, các quy chế, quy trình nghiệp vụ để tạo điều kiện cho các HTX và thành viên tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn vay ưu đãi.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục