Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều giáo viên đã được lĩnh tiền hỗ trợ

Cập nhật ngày: 07/03/2012 - 11:16

Báo Tây Ninh ra ngày 6.1.2012 có đăng bài “Nỗi niềm giáo viên: mỏi mắt chờ chế độ”. Trong các chế độ ấy có khoản tiền 5 triệu đồng hỗ trợ cho những giáo viên đi học để lấy bằng đại học theo chính sách đào tạo và thu hút nhân tài của tỉnh. Tính đến cuối tháng 11.2011, mới chỉ có 149 người được nhận chế độ này.

Cách nay ít ngày, giáo viên ở một số huyện cho biết họ đã nhận được 5 triệu đồng ấy.

Giáo viên THCS nhận bằng tốt nghiệp cử nhân sư phạm

Theo quy trình, Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ các huyện, thị nhận hồ sơ, lập danh sách của các đối tượng được hưởng, chuyển về Sở Nội vụ để thẩm định, xem xét. Hiện nay, một số huyện, thị vẫn đang tiếp tục hướng dẫn giáo viên làm hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, theo phản ánh của giáo viên ở một số nơi: Phòng giáo dục chỉ xét hồ sơ của những người tốt nghiệp đại học năm 2011, không xét các trường hợp tốt nghiệp năm 2010. Nhiều người thắc mắc: Nếu chỉ hỗ trợ cho những người tốt nghiệp năm 2011 có công bằng không và có đúng với tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh? Bởi vì tỉnh đã ban hành chính sách đào tạo và thu hút nhân tài theo Quyết định số 01, có hiệu lực từ ngày 15.1.2010 vậy tại sao họ tốt nghiệp sau ngày Quyết định 01 có hiệu lực mà lại không được hưởng?

Đem thắc mắc của các thầy cô giáo đến Sở Nội vụ để hỏi, chúng tôi được cán bộ ở đây trả lời: Căn cứ vào bằng đại học, những đối tượng nào thuộc diện quy định nếu tốt nghiệp đại học sau ngày 15.1.2010 thì vẫn được hỗ trợ 5 triệu đồng. Vấn đề là các cơ quan quản lý ở cơ sở phải làm cho đúng trình tự thủ tục, hồ sơ.

Cũng liên quan đến chế độ hỗ trợ cho người đi học để lấy bằng đại học, mặc dù đã được bổ sung so với các quy định trước đây, song Quyết định 01 năm 2010 vẫn không hỗ trợ cho những người theo học đại học từ xa. Theo những người này, học loại hình đào tạo nào cũng phải chi phí đi lại, ăn ở, thi cử và nhất là khoản học phí. Mặt khác, suy cho cùng, đại học tại chức, chuyên tu hay từ xa đều là loại hình đào tạo phi chính quy. Vậy tại sao lại “cái được, cái không”?

Việt Đông