Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều giáo viên dạy nhạc không biết sử dụng đàn

Cập nhật ngày: 29/09/2010 - 04:12

Cách nay chưa lâu, tập đoàn Booyoung Hàn Quốc trao tặng cho ngành Giáo dục Tây Ninh 140 cây đàn piano kỹ thuật số, trị giá 5,6 tỷ đồng. Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và Bộ GD – ĐT, trong bộ nhớ của mỗi cây đàn sẽ có sẵn 75 bài hát có chọn lọc của Việt Nam và Hàn Quốc. Những tác phẩm âm nhạc này bao gồm các bài hát dân ca truyền thống, quốc ca của hai nước Việt - Hàn, các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được trang bị đàn piano kỹ thuật số là cơ hội rất tốt để nâng cao chất lượng dạy học môn Âm nhạc trong nhà trường. Song bên cạnh đó cũng còn đặt ra vấn đề đáng quan tâm là làm sao để 140 cây đàn “xịn” này phát huy tác dụng. Sau khi nhận được số đàn ấy, Sở GD -  ĐT Tây Ninh đã trao cho các trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia và những trường có đầy đủ cơ sở vật chất, có khả năng phục vụ tốt cho việc dạy, học nhạc. 

Một tiết dạy Âm nhạc ở Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông (Ảnh chỉ có tính minh hoạ)

Nhưng  quan trọng hơn, ai sẽ là người sử dụng được loại đàn này? Piano được mệnh danh là “ông hoàng” của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc bên cạnh “nữ hoàng” violon. Nói nôm na đó là loại đàn “quý tộc” này đắt tiền và rất kén người chơi. Kể từ năm 2002, khi thay sách giáo khoa, môn Âm nhạc “lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng”. Tuy nhiên, do trước đó ngành Giáo dục thiếu sự chuẩn bị nên đã không có giáo viên dạy môn học này. Đại đa số là giáo viên các bộ môn khác được phân công dạy chéo. Không ít giờ Âm nhạc, cả thầy trò đều “ù ù cạc cạc”! Đến năm 2006, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh cho ra trường khoá giáo viên Âm nhạc đầu tiên. Kể từ đó cho đến nay, hầu như năm nào nhà trường cũng tuyển sinh để đào tạo giáo viên dạy Âm nhạc. Tuy thế khi ra trường, số giáo viên có khả năng sử dụng nhạc cụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số giáo viên có khả năng chơi được piano lại càng hiếm hoi, nếu không muốn nói là gần như không có! Chuyện giáo viên gõ sai tiết tấu bài hát là… bình thường. Ở bậc học mầm non, giáo viên đứng lớp có được học nhạc nhưng chỉ ở mức độ “làm quen” với cây đàn. Ở bậc tiểu học, hiện nay có một số giáo viên THCS chuyển xuống dạy chuyên môn Âm nhạc nhưng khả năng sử dụng đàn cũng rất hạn chế. Có trường được trang bị một phòng dạy nhạc với gần 20 cây đàn organ nhưng chưa một lần sử dụng vì không giáo viên nào biết đàn! 

Việc bảo quản đàn piano không dễ, nếu không được sử dụng thường xuyên và bảo quản tốt thì chỉ trong vòng vài năm, đàn có thể bị ẩm và liệt phím. Vậy nên, thiết nghĩ việc phân bổ số “nhạc cụ hạng sang” này cần tính toán sao cho hợp lý, tránh tình trạng trường có giáo viên biết sử dụng thì không cho, trường không có nhu cầu thì phải nhận rồi vất vả lo bảo quản. Không nên lặp lại tình trạng lãng phí như việc trang bị đàn ghi ta ở một số trường: Âm nhạc là môn có số tiết học rất ít, chỉ cần một giáo viên, vậy mà được phân đến 3-4 cây đàn, thầy trò “vọc” chỉ ít lâu, đàn đã đứt dây, đem vứt chỏng chơ trong phòng thiết bị!

MỘT GIÁO VIÊN