Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau khi Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý tài chính và công tác cán bộ tại Trường tiểu học Lê Anh Xuân (ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh), nhiều giáo viên của trường đã gửi đơn khiếu nại với bức xúc: Vì sao những người có công đấu tranh với sai trái, lại trở thành “đồng phạm” với người bị tố cáo trong kết luận thanh tra?
Trường tiểu học Lê Anh Xuân.
Theo đơn khiếu nại, bà Lê Thị Út- Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Anh Xuân không đồng ý nội dung kết luận thanh tra liên quan đến bà. Cụ thể, kết luận thanh tra nêu “bà Lê Thị Út là thành viên Ban giám hiệu nhà trường nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành các quy định về công tác quản lý tài chính, chịu trách nhiệm về những khoản chi khống chứng từ; những khoản thu, chi sai từ nguồn quỹ khuyến học, quỹ lưu trú và tiền ăn. Bà Lê Thị Út đã có hành vi lập chứng từ quyết toán khống”. Về nội dung này, bà Út có ý kiến, bà nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Khuyến học của trường từ cuối năm 2013 do bà Trang Thị Xuân Mai- Hiệu trưởngTrường tiểu học Lê Anh Xuân phân công.
Trong quá trình làm việc, bà Mai chỉ đạo thu, chi các khoản tiền quỹ khuyến học. Tuy nhiên, trên thực tế, bà Mai tự thu, tự chi, sau đó chỉ đạo bà Phan Thị Kiều Oanh- kế toán nhà trường làm hồ sơ đưa cho bà Út ký. Về khoản tiền lưu trú và tiền ăn, bà Út khẳng định đã chi đúng trên tổng số học sinh, không có hành vi lập chứng từ khống. Thực tế, trong hồ sơ lưu trú và tiền ăn không có chữ ký của bà. “Nếu tôi biết, cô Mai từng bị vi phạm ở trường khác với hình thức tương tự, thì tôi đã đề phòng mỗi khi làm theo chỉ đạo của hiệu trưởng”, bà Út viết trong đơn.
Liên quan đến vụ việc, kế toán Phan Thị Kiều Oanh cũng gửi đơn khiếu nại. Theo đơn, tại kết luận thanh tra, trong phần kiến nghị các biện pháp xử lý nêu “kế toán có dấu hiệu vi phạm tội tham ô tài sản theo Ðiều 353; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Ðiều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015”. Ðối với nội dung này, bà Oanh giải thích: “Cô Mai bảo tôi lập chứng từ để rút tiền từ ngân sách Nhà nước về đưa hết cho cô Mai giữ, để dành chi những khoản khác mà trường không quyết toán được, sau đó lấy số tiền đó ra chi. Cô Mai còn nói, mình làm chứng từ hợp lệ không có gì phải sợ, hơn nữa chủ tài khoản là người chịu trách nhiệm (tức bà Mai - NV). Tôi chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên chứ hoàn toàn không được giữ tiền. Việc này, có một số giáo viên trong trường làm chứng”.
Liên quan đến kế toán Oanh, kết luận thanh tra còn nêu: “Với vai trò là kế toán nhưng lại thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho hiệu trưởng; tội giả mạo trong công tác (giả mạo chữ ký thủ quỹ); không tố giác các hành vi sai trái và liên tục vi phạm trong thời gian kéo dài”. Về nội dung này, bà Oanh cho biết, đây là thực trạng chung tại trường, nhiều người khác trong đơn vị cũng bức xúc. Có thể nói, việc tham mưu cho hiệu trưởng là điều tối kỵ. Bởi vì, bà Mai là một người độc đoán, độc quyền trong mọi quyết định. Vấn đề này thể hiện khá rõ tại Quyết định số 64 của Ðảng uỷ xã Tân Bình thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Chi bộ Trường tiểu học Lê Anh Xuân đối với đảng viên Trang Thị Xuân Mai.
Ðối với tội giả mạo trong công tác, kế toán Oanh phân trần rằng, thực tế lệnh của hiệu trưởng tại trường không ai dám chống, nhân viên Oanh cũng không ngoại lệ. Theo đó, mỗi lần thủ quỹ Nguyễn Thị Trưng không có mặt ở trường, để nhanh chóng thực hiện việc quyết toán, hiệu trưởng buộc kế toán phải ký chứng từ thay thủ quỹ. Kế toán Oanh thừa nhận, biết làm như vậy là sai, nhưng nếu không “tuân lệnh” sẽ rất khó khăn trong công tác. Nếu không thực hiện lệnh hiệu trưởng, bà Oanh rất sợ bị mất việc hoặc bị điều chuyển sang trường khác. Riêng nội dung kết luận kế toán không tố giác các hành vi sai trái và liên tục vi phạm trong thời gian kéo dài, bà Oanh cho biết, bà đã nhiều lần giải thích với đoàn thanh tra về “nỗi khổ tâm này” khi làm nhân viên công tác dưới quyền.
Kế toán Oanh còn cho biết thêm, khi hay tin bà Mai từng vi phạm ở trường khác, bà mới suy nghĩ về toàn bộ sự việc trước đây mình đã “phải làm theo chỉ đạo của hiệu trưởng”. Bà Oanh nhận thấy, bà đã “vô tình” tiếp tay những việc làm sai trái của bà Mai. Dù hơi muộn, nhưng bà Oanh kiên quyết tố cáo hành vi sai phạm của bà Mai. “Tôi hoàn toàn không tham ô bất cứ tài sản nào trong suốt quá trình làm việc. Mọi thu chi đều nằm trong tầm kiểm soát của cô Mai. Tôi thật sự bị áp lực rất nhiều khi đứng lên tố cáo hiệu trưởng. Tôi càng bị áp lực và suy sụp tinh thần hơn khi biết kết luận thanh tra như vậy”, bà Oanh lo lắng.
Ngoài bà Út, bà Oanh, thủ quỹ Nguyễn Thị Trưng cũng hoàn toàn không đồng ý với một số nội dung trong kết luận thanh tra. Kết luận nêu: “Bà Nguyễn Thị Trưng tự ý xuất quỹ trái quy định khi không có chứng từ duyệt chi của hiệu trưởng; tại thời điểm kiểm tra không có sổ quỹ; không thực hiện đối chiếu với kế toán dẫn đến tình trạng lệch quỹ. Về phần kiến nghị các biện pháp xử lý, bà Trưng có hành vi lập chứng từ quyết toán khống, xuất quỹ trái quy định, lập quỹ trái phép và làm mất sổ quỹ”. Ðối với nội dung tự ý xuất quỹ trái quy định, bà Trưng bức xúc: “Tại Trường tiểu học Lê Anh Xuân, hiệu trưởng chỉ đạo miệng, các giáo viên và nhân viên phải răm rắp tuân theo, nếu ai dám đòi hỏi chứng từ thì sớm muộn gì cũng có chuyện. Thanh tra có thể xác minh thực trạng này thông qua những nhân sự đang làm việc tại đây”.
Mặt khác, bà Trưng còn chỉ rõ “cái khó” khi làm thủ quỹ tại đơn vị: nhiệm vụ chính của bà là giáo viên đứng lớp giảng dạy, nhưng do hiệu trưởng chỉ định phải kiêm nhiệm luôn công tác thủ quỹ, trong khi bà chưa học qua nghiệp vụ tài chính nên bà không biết nguyên tắc thủ quỹ. Chưa kể, hằng năm, các phòng chức năng đều kiểm tra hồ sơ, chứng từ nhưng những người có trách nhiệm vẫn không nêu ý kiến hay góp ý sửa sai gì cả. Bà Trưng cho rằng, bà chỉ là người giữ tiền trên danh nghĩa, mọi việc thu, chi, kiểm tra và quản lý sổ quỹ đều do cô hiệu trưởng kiểm soát. Hằng năm, bà mai kết luận chỉ đạo làm sổ quỹ theo ý của bà. Cuối năm, bà Mai thu luôn sổ và số tiền còn dư. Ðối với kết luận thanh tra cho rằng thủ quỹ không thực hiện đối chiếu với kế toán dẫn đến tình trạng lệch quỹ, bà Trưng đề nghị đoàn thanh tra xem xét lại. Bởi vì, thời điểm đó, đoàn thanh tra thu hồi sổ quỹ khá lâu, bà Trưng không có sổ thì làm sao mà đối chiếu?
Người thứ tư có đơn khiếu nại kết luận thanh tra là bà Ên Thị Mây Ghiêm. Kết luận thanh tra nêu “bà Ên Thị Mây Ghiêm chưa thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công là thủ quỹ theo dõi quỹ tiền ăn và lưu trú, tiếp tay cho việc làm sai phạm của hiệu trưởng và kế toán”. Nội dung này, bà Ghiêm cho biết, bà về phụ trách công tác thư viện thiết bị tại trường chưa được lâu, thì bà Mai đã chỉ đạo phải kiêm nhiệm luôn việc theo dõi quỹ tiền ăn và lưu trú của học sinh. Tương tự như bà Trưng, bà Ghiêm chỉ làm thủ quỹ trên danh nghĩa chứ không được giữ tiền. “Thực tế, mọi thu chi do hiệu trưởng quyết định. Tôi không được phép bàn bạc hay đụng đến các khoản tiền này. Do đó, Thanh tra kết luận tôi tiếp tay cho việc làm sai phạm của hiệu trưởng và kế toán là không đúng”, bà Ghiêm nêu ý kiến.
Trao đổi với phóng viên vào ngày 28.5.2018, 4 người có đơn khiếu nại nêu trên đều bức xúc- “từ người tố cáo các hành vi sai phạm của hiệu trưởng, lại trở thành đồng phạm”. Về phía cơ quan chức năng, ông Lưu Mạnh Tú- Chánh thanh tra thành phố Tây Ninh cho biết: “Theo quy định, các cá nhân có liên quan trong kết luận thanh tra đều có quyền khiếu nại. Vì vậy, Thanh tra Thành phố sẽ tham mưu UBND Thành phố thành lập một tổ công tác mới xác minh nội dung khiếu nại. Nội dung khiếu nại đúng, tổ công tác sẽ kiến nghị UBND Thành phố chỉnh sửa, bổ sung. Nội dung khiếu nại không có cơ sở, thì sẽ được giữ nguyên. Trường hợp, các cá nhân trên vẫn không đồng ý nội dung giải quyết khiếu nại, có thể tiếp tục khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh, hoặc khởi kiện ra toà theo quy định của pháp luật”.
QUỐC SƠN