Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ GD&ĐT lùi thời điểm kết thúc năm học:
Nhiều hiệu trưởng đề nghị cho học sinh THPT nghỉ học
Thứ tư: 00:16 ngày 18/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Theo quan điểm của tôi, Bộ GD&ĐT đã lùi ngày thi THPT quốc gia, đồng thời lùi thời gian kết thúc năm học thì lãnh đạo tỉnh cũng nên xem xét cho học sinh nghỉ học giống như nhiều địa phương khác. Người ta nghỉ thì mình cũng nên nghỉ”- lãnh đạo một trường THPT ở Bến Cầu nêu.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh trong giờ học (ảnh chụp sáng 16.3).

Sau khi Bộ GD&ĐT quyết định lùi thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 vào giữa tháng 7 (muộn hơn khoảng hai tháng so với thường lệ) cũng như lùi kỳ thi THPT quốc gia, nhiều ý kiến của lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho học sinh nghỉ học. Báo Tây Ninh ghi nhận một số ý kiến (theo yêu cầu của người được phỏng vấn, xin phép không nêu danh tính cũng như đơn vị công tác).

Chưa yên tâm

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán của dịch bệnh Covid-19, có nên cho học sinh tạm thời nghỉ học như một số tỉnh, thành phố khác hay không? Trả lời câu hỏi, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TP. Tây Ninh bày tỏ quan điểm nên cho nghỉ. Vị hiệu trưởng nói: “Theo tôi, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố khác đang cho học sinh THPT nghỉ, Tây Ninh cũng nên làm như vậy. Lý do, mặc dù đã đi học trở lại được hai tuần nhưng chất lượng dạy và học khó có thể nói là tốt.

Sau hai tuần đi học trở lại, ngày 16.3, toàn tỉnh có 847 học sinh vắng mặt, trong đó có 725 học sinh THPT, 61 học sinh khối giáo dục thường xuyên và 61 sinh viên Trường CĐSP Tây Ninh. Trong tổng số 847 học sinh vắng mặt, có 198 học sinh lớp 12.

Hiện nay, hoạt động dạy và học có tính chất cầm chừng, cả thầy lẫn trò trong tâm thế không thoải mái. Vậy ép nhau vô trường làm gì? Tôi làm hiệu trưởng, phụ huynh gọi đến chất vấn, nhà trường có bảo đảm an toàn sức khoẻ được cho con tôi không? Phụ huynh và học sinh không an tâm. Học sinh ngồi học nhưng tâm trạng cứ thấp thỏm làm sao học tốt cho được. Không chỉ phụ huynh, học sinh mà cả giáo viên cũng lên lớp trong tâm trạng lo lắng”.

Đối với dạy học qua mạng, vị hiệu trưởng cho biết, không nói ai cũng hiểu, hình thức dạy như thế không thể so sánh được với dạy trực tiếp trên lớp. “Giáo viên phải thật sự có tâm huyết, có trách nhiệm cao, đồng thời học sinh phải có ý thức học tập thì hình thức dạy - học này mới củng cố được phần nào kiến thức cơ bản.

Nhưng dẫu sao cũng không thể bằng được dạy trực tiếp”- người này nói. Liên quan đến số học sinh chưa đi học, vị hiệu trưởng thông tin, cho đến sáng 16.3, vẫn có 5 - 6 phụ huynh gọi điện đến xin phép nhà trường cho con nghỉ học, vì “vẫn chưa thật sự an tâm”.

“Theo quan điểm của tôi, Bộ GD&ĐT đã lùi ngày thi THPT quốc gia, đồng thời lùi thời gian kết thúc năm học thì lãnh đạo tỉnh cũng nên xem xét cho học sinh nghỉ học giống như nhiều địa phương khác. Người ta nghỉ thì mình cũng nên nghỉ”- lãnh đạo một trường THPT ở Bến Cầu nêu. Và vị lãnh đạo này cũng lưu ý rằng, Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới 240km giáp Campuchia, người dân, kể cả học sinh ở khu vực biên giới, gia đình các em làm ăn, buôn bán với người dân nước bạn, vì thế khó kiểm soát một cách triệt để.

“Mình có học trước thì cũng không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia riêng, vì đây là kỳ thi chung. Do đó, để yên tâm, nên cho học sinh nghỉ”. Đối với số học sinh vắng, sau hai tuần đi học trở lại, trường này vẫn còn hơn 30 học sinh không đến trường. “Hiện đang trong thời điểm nhạy cảm, chỉ cần học sinh có bất cứ biểu hiện nào liên quan đến sức khoẻ là cho các em nghỉ, kể cả những em đã tới lớp học”- vị hiệu trưởng cho biết.

Tại thị xã Hoà Thành, một vị hiệu trưởng cũng tán thành với hai đồng nghiệp ở trên. Ông nói: “Tôi cũng cho rằng nên xem xét cho nghỉ, mình có học xong trước cũng không được thi trước”. Tuy nhiên, ý kiến này nói rằng, nếu dừng học thì không biết dừng đến bao giờ. Hiện tại nhà trường vẫn thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của cấp trên. Cũng tại Hoà Thành, hiệu phó một trường THPT cho biết, các hoạt động dạy và học, dù đã cố gắng nhưng vẫn chưa thật sự “vận hành trơn tru” vì cả người dạy và người học mới trở lại trường sau thời gian dài gián đoạn.

Tại Tân Biên, hiệu trưởng một trường THPT cho biết, trong ngày đầu tiên của tuần lễ này có khoảng 40 học sinh nghỉ học, trong đó có một vài trường hợp phụ huynh nói chưa yên tâm nên chưa cho con đi học. Về đề xuất cho học sinh tiếp tục nghỉ, ý kiến này bày tỏ, việc đó do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

 Còn tại Châu Thành, lãnh đạo một trường THPT cho biết, đa số học sinh đã đến trường, số học sinh vắng đã giảm so với tuần đầu tiên. Tuy nhiên, trong số những em vắng, vẫn có trường hợp không đi học vì sợ dịch bệnh.

“Học tiếp hay nghỉ, tôi cho rằng mỗi phương án đều có cái hay và cái dở, có thuận lợi có khó khăn. Tình hình dịch bệnh đang phức tạp, đáng lo ngại. Nhưng nếu nghỉ thì biết đến khi nào mới hết dịch bệnh, trong khi học sinh lớp 12 có một kỳ thi rất quan trọng”- hiệu trưởng một trường THPT ở Gò Dầu nêu ý kiến. Và cũng bày tỏ quan điểm, trong ít ngày tới, nếu diễn biến của dịch bệnh tiếp tục phức tạp thì nên cho học sinh nghỉ, còn nếu kiểm soát được tình hình thì nên tiếp tục học. Vị hiệu trưởng cũng cho biết, hai tuần nay chuyện dạy, học diễn ra bình thường, dù vẫn có học sinh vắng.

Tán thành xét tuyển

Một vấn đề được quan tâm, đó là việc tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT thay vì tổ chức thi. Khi được hỏi, hầu hết các ý kiến (lãnh đạo cơ sở giáo dục) đều tán thành, ủng hộ chuyển từ thi sang xét. Các ý kiến cho rằng, học sinh học hết lớp 12 đã qua 3 năm THPT với 6 học kỳ, như vậy, hoàn toàn có cơ sở để xét công nhận tốt nghiệp.

Thậm chí có ý kiến bình luận, nếu giao cho từng tỉnh, thành phố tổ chức xét công nhận tốt nghiệp (thông qua kết quả học tập, học bạ) có khi còn đáng tin cậy hơn thi. Bởi vì, nếu xét, lãnh đạo nhà trường, giáo viên mới thật sự có “uy quyền” để yêu cầu học sinh phải học tập thật nghiêm túc. “Nếu tổ chức xét tuyển một cách thật công bằng, khách quan, kết quả có thể đáng tin cậy hơn cả kỳ thi”- một ý kiến nêu.

Tán thành quan điểm nêu trên, một hiệu trưởng bổ sung, nếu giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia, năm học này sẽ cực kỳ cập rập, có khi phải cuối tháng 8 mới tạm xong vụ thi cử. Mặc dù vậy, một ý kiến cho rằng, trường đại học sẽ không ủng hộ việc xét công nhận tốt nghiệp, vì họ muốn căn cứ vào tổ hợp điểm thi của thí sinh để tuyển sinh đại học. Vì thế, nếu được phép tổ chức xét tuyển công nhận tốt nghiệp cho học sinh THPT thì các trường đại học vẫn phải tổ chức một kỳ thi riêng để làm căn cứ, cơ sở tuyển sinh.

Tuy đa số ý kiến tán thành đề xuất chuyển thi sang xét nhưng điều này không đơn giản, trừ khi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng không thể tổ chức thi, các cấp có thẩm quyền mới xét đến tình huống này. Bởi vì kỳ thi THPT quốc gia đã được luật hoá. Nói cách khác, muốn chuyển từ thi qua xét phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề pháp lý. Dù học tiếp hay tạm nghỉ, dù thi hay xét tuyển thì năm học 2019-2020 là một năm học nhiều xáo trộn, khó khăn, chất lượng chuyên môn, hoạt động dạy học bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngày 16.3 là ngày đầu tiên mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Nhiều giáo viên cho biết, trước đây chỉ có học sinh phải đeo, nay thầy cô cũng phải đeo nên khâu giảng bài gặp trở ngại, vì ảnh hưởng đến hoạt động nói. Thời tiết nóng, trang phục kín mít, đeo khẩu trang vào, dạy được một lúc mồ hôi đầm đìa. Có trường hợp giảng bài được ít phút lại phải tháo khẩu trang để… thở. Vì thế, có ý kiến kiến nghị không nhất thiết bắt buộc giáo viên phải đeo khẩu trang trong khi dạy.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục