Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khu di tích lịch sử - văn hoá Bến Đình:
Nhiều hộ dân chật vật vì không biết đi hay ở
Thứ sáu: 23:41 ngày 08/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khu di tích lịch sử - văn hoá Bến Đình nằm trên địa bàn ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, diện tích rộng 7,5 ha. Tại đây, từ nhiều năm qua, có hàng chục hộ dân trông chờ quyết định của chính quyền địa phương và ngành chức năng về việc phải di dời nhà cửa đi nơi khác hay tiếp tục ở lại trong khu di tích.

Căn nhà tạm bợ của ông Cái Văn Hải.

Khu di tích có lịch sử ngàn năm

Năm 1998, Khu di tích lịch sử - văn hoá Bến Đình được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Năm 1993, Viện Khoa học TP. Hồ Chí Minh và Viện Khảo cổ Hà Nội đến khảo sát và đánh giá Khu di tích Bến Đình có lịch sử hơn 1 ngàn năm, khu vực Miếu Bà hiện nay từng là công trình kiến trúc cổ quan trọng gồm đền, tháp, nhà dài, tường bao quanh, kết nối với một bến cảng. Cụ thể, có ít nhất 4 chân tháp cổ ở gò đất cao 5m.

Ở các chân phế tích tháp phát hiện rất nhiều gạch, ngói ống, ngói bàn, ngói trang trí, ngói hình chóp, gốm nhiều chủng loại, kiểu dáng, màu sắc… có độ nung chín tương đối cao như các loại: miệng bình, vòi bình. Tầng văn hoá dày từ 80cm đến 1,2m. Cặp sông Vàm Cỏ Đông, phát hiện các hàng cọc gỗ trai có đường kính 60cm dài 1,2m.

Qua đánh giá ban đầu, nơi đây có thể là cọc nhà sàn hoặc cầu bến tàu của người xưa, chứng tỏ nơi đây từng là khu dân cư đông đúc. Từ các dữ kiện thu được, các nhà khảo cổ học so sánh đối chiếu cho thấy các phế tích kiến trúc tháp có niên đại ở thế kỷ thứ VIII, các hiện vật gốm, ngói, vòi bình, có niên đại ở thế kỷ thứ IX-X sau công nguyên.

Năm 2019, Trung tâm Khảo cổ học TP. Hồ Chí Minh (thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) khai quật một phần diện tích khu di tích, chỉ khoảng 400 mét vuông nhưng đã tìm thấy tổng cộng gần 20 cây cọc gỗ với kích thước lớn, nhỏ khác nhau và hàng ngàn mẫu gốm sứ các loại, gạch ngói cùng dấu vết bếp lò như than, tro. Trong đó, có nhiều mảnh cổ vật quan trọng như vòi của loại bình có kích thước khá to và nhiều mảnh vỡ của các chiếc bình có hoa văn rất đẹp.

Tại Khu di tích Bến Đình còn có miếu bà Chúa Xứ. Theo ông Cái Văn Ni, 66 tuổi, Trưởng Ban Quý tế, hàng trăm năm trước, ngôi miếu và ngôi đình đều được cất bằng gỗ và toạ lạc gần bờ sông Vàm Cỏ Đông, chứ không phải ở đây. Trong những năm chiến tranh chống Pháp, cả hai công trình này đều bị hư hỏng.

Năm 1960, Ban Hội tề của xã quyết định xây dựng lại ngôi đình mới- hiện nay là Đình Trung- cách ngôi đình cũ vài trăm mét về phía Nam, đồng thời xây dựng lại ngôi miếu bà Chúa Xứ tại vị trí gò cao này. Ông Ni còn chỉ cho chúng tôi cạnh ngôi miếu có một tảng đá khá to, có hình tam giác, nằm lộ trên mặt đất, với bề mặt mòn nhẵn.

Ông Ni kể, có lần ông đào đất lên để xem thử thì thấy nó có bề mặt rộng gần bằng mặt bàn. Ông Ni đoán có thể đây là hòn đá mà ngày xưa quân lính dùng để mài gươm, mài giáo. Ông lấy dao rựa trong nhà đem ra hòn đá này mài thử. Quả thật dao, rựa mau bén như mài trên đá mài dao. Cách tảng đá lạ này vài mét là một trụ bê tông xi măng hình núm tròn.

Trên bề mặt khối bê tông này có đính một miếng đồng dày, kích thước to cỡ hai bàn tay người lớn. Trên mặt miếng đồng có khắc một số chữ nổi, với nội dung: “SG co. On. Trian N0. 287”. Theo ông Ni, trụ bê tông này được lắp đặt từ thời giặc Pháp thống trị ở vùng đất này và đã tồn tại ở đây khoảng 100 năm.

Bao giờ dự án khai quật mới được triển khai?

Hàng chục năm nay, hơn 20 hộ dân sống trong khu quy hoạch di tích không thể giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà cửa, thế chấp tài sản để vay vốn làm ăn. Những người dân này đều đồng thuận việc bảo tồn di tích, nhưng họ mong Nhà nước nhanh chóng có quyết định rõ ràng đối với khu vực được quy hoạch để ổn định cuộc sống.Gia đình ông Phan Văn Ga là một ví dụ.

Ông Ga sinh ra và lớn lên ở Khu di tích Bến Đình. Vợ chồng ông có 3 ha đất tại đây nhưng đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Căn nhà của gia đình ông đã xuống cấp, hư hỏng, chờ mãi không biết đến khi nào mới được chính quyền địa phương bồi thường công khai phá, giữ gìn đất đai và tài sản trên đất.

Năm 2007, vợ chồng ông Ga đành xây nhà mới. Qua 15 năm sử dụng, hiện nay, căn nhà của vợ chồng ông có dấu hiệu xuống cấp, mái nhà bị dột khi trời mưa, nhưng ông chưa dám sửa chữa. “Tôi sợ sửa nhà tốn kém nhiều tiền nhưng chưa sử dụng được bao lâu phải di dời đi nơi khác.

Bà Quyên bên căn nhà cũ kỷ, xuống cấp.

Tương tự, ông Cái Văn Hải, 62 tuổi, cho biết, từ đời ông bà, cha mẹ đến anh em, con cái của ông định cư ở đây từ thời Pháp thuộc. Vì vướng quy hoạch khu di tích, chưa ai được cấp giấy CNQSDĐ. Hiện tại, 5 người con của vợ chồng ông đã lớn, lập gia đình, cất nhà ra ở riêng.

Nhưng vì không được phép xây dựng kiên cố nên đành cất nhà tạm bợ sát vách với nhau. Ông Hải chỉ cho chúng tôi xem mái tôn căn nhà của ông đã bị gỉ sét, dột nước mỗi khi có mưa. Người đàn ông này than phiền: “Chúng tôi muốn cất nhà đàng hoàng để ở nhưng chính quyền địa phương không cho phép. Hàng chục năm qua, cha con tôi đành phải sinh sống trong những căn nhà lụp xụp như thế”.

Bà Cái Thị Quyên, 44 tuổi- em ruột của ông Cái Văn Hải cũng ở trong khu di tích. Bao năm qua, vợ chồng bà sống trong căn nhà lợp tôn, vách làm bằng những tấm nhựa cao su. Hằng ngày, chồng bà Quyên đi làm thuê làm mướn, còn bà kiếm sống bằng cách nuôi gà, nuôi vịt. Sát bên nhà bà Quyên là căn nhà nhỏ của anh Cái Văn Việt- cháu nội của ông Cái Văn Hải. Hiện nay, căn nhà của anh Việt cũng xuống cấp không còn bảo đảm an toàn khi mưa to gió lớn. Hơn một năm nay, anh Việt và hai đứa con nhỏ dọn đồ đạc qua ở nhờ trong nhà của người anh cả, còn căn nhà của mình cho bà Quyên làm chuồng gà.

Những năm qua, UBND huyện đã vận động người dân sống ở đây và vùng lân cận chung tay bảo vệ, tránh trường hợp xâm phạm, phá hoại khu di tích. Năm 2019, UBND huyện Bến Cầu đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho chủ trương đền bù, di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu di tích, nhằm tạo quỹ đất sạch, định hướng phát triển kinh tế về văn hoá du lịch của huyện.

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Việc bảo vệ khu di tích là cần thiết. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh bố trí vốn để thực hiện. UBND tỉnh giao Sở làm một dự án để khai quật, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích. Đây là một việc tỉ mỉ, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao. Vừa rồi, Sở đã làm việc với đơn vị tư vấn, họ đang phối hợp đề xuất xin chủ trương đầu tư, sau khi đề xuất được duyệt mới có thể xin bố trí vốn”.

Như vậy, sẽ có một dự án để khai quật, nghiên cứu về Khu di tích Bến Đình, nhưng chưa rõ khi nào dự án này mới được triển khai, hơn 20 hộ dân ở đây vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục