Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ở khu vực gần cầu Gò Chai (ấp Thanh Trung, xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành) có 12 hộ dân làm ăn sinh sống. Chính quyền địa phương đã 2 lần gửi thông báo yêu cầu những hộ dân này di dời đi nơi khác. Họ rất băn khoăn, không biết đi đâu về đâu.
Sống tạm trên đất công
Ông Nguyễn Văn Thông, 61 tuổi, kể trước đây gia đình ông có nhà trong Gò Hãng nhưng năm nào cũng bị ngập nước, đi lại khó khăn, vì thế cả nhà di dời ra gần bến phà Gò Chai cất nhà ở cho tiện việc làm ăn sinh sống. Năm 2000, khi cần giải toả mặt bằng khu vực này để xây dựng cầu Gò Chai, chính quyền địa phương đã vận động gia đình di dời lên vùng đất phía trên- cách bến phà Gò Chai khoảng 50m cất nhà ở.
“Lúc đó, lãnh đạo huyện Châu Thành cấp cho gia đình tôi một phần đất tạm ven đường và hứa sau này nếu Nhà nước có sử dụng đất ở đây sẽ hỗ trợ gia đình tôi di dời đi nơi khác”- ông Thông nói. Từ đó đến nay, gia đình ông Thông cất nhà ở vị trí mới. Hằng ngày, ông kiếm sống bằng nghề nuôi dế. Vợ ông đến chợ thành phố Tây Ninh mua cá biển về bán lại ở chợ xã Long Vĩnh. 4 người con của vợ chồng ông đã lớn, đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp.
Tháng 5.2022, chính quyền địa phương gửi văn bản thông báo gia đình ông phải di dời, lý do giải toả các công trình xây dựng lấn chiếm sông Vàm Cỏ Ðông và các kênh, rạch. Tháng 9.2022, chính quyền địa phương tiếp tục gửi văn bản thông báo lần 2.
Trong đó, thông báo các gia đình có công trình xây dựng lấn chiếm sông Vàm Cỏ Ðông và các kênh, rạch (thuộc địa bàn hai ấp Thanh Phước, Thanh Trung, xã Thanh Ðiền) phải tự tháo gỡ các vật kiến trúc, công trình phụ lấn chiếm sông Vàm Cỏ Ðông và các kênh, rạch trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày 20.9 đến ngày 9.10.2022.
“Chính quyền địa phương có chủ trương như thế nào, gia đình tôi đều chấp nhận, nhưng hiện giờ, gia đình không có tiền di dời, cất nhà ở nơi khác. Vì thế mong chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ cho gia đình”- ông Thông bày tỏ.
Cách nhà ông Thông khoảng vài chục mét là căn nhà tường nhỏ của ông Lê Văn Hùng, sinh năm 1971. Gia đình ông đang nuôi gần 10 con heo. Ông Hùng cho hay, trước đây vợ chồng ông ở trong Gò Hãng, mỗi năm thường xảy ra ngập lụt, nên gần 20 năm nay, vợ chồng ông di dời nhà cửa ra ven đường xuống phà Gò Chai cũ, cất nhà ở tạm.
Vừa qua, gia đình ông nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc di dời nhà cửa. Gia đình vẫn còn ruộng đất trong Gò Hãng và chuẩn bị tinh thần trở về nơi cũ sinh sống, tuy nhiên, ông Hùng cho biết trong Gò Hãng không có đường vào và cũng không có điện sinh hoạt.
Vì vậy, người dân mong muốn chính quyền địa phương đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn và lắp đặt hệ thống điện lưới quốc gia cho Gò Hãng. “Nếu được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ như thế thì gia đình tôi sẽ trở về Gò Hãng làm ăn sinh sống”.
Tương tự, chúng tôi gặp một số gia đình đang cất nhà ở ven đường xuống phà Gò Chai cũ, như gia đình bà Danh Thị Hồng, Võ Thị Chừng, tất cả các hộ dân này đều sinh sống ở Gò Hãng, vì “ngán” cảnh ngập lụt nên di dời nhà cửa ra đây sinh sống. Bà Hồng mở quán “cóc” bán cà phê, nước giải khát; bà Chừng thì bán tạp hoá, bánh trái. Một số hộ dân khác cất chuồng nuôi gà, nuôi vịt và làm thuê làm mướn kiếm sống.
Hầu hết những hộ dân này đều gặp khó khăn. Bà con chấp thuận chủ trương di dời đi nơi khác, nhưng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ chi phí di dời, hoặc bố trí khu tái định cư để người dân an tâm làm ăn, sinh sống.
Chính quyền địa phương đang tìm giải pháp
Ông Nguyễn Quốc Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thanh Ðiền cho biết, ven đường xuống phà Gò Chai cũ hiện có 12 hộ dân định cư từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay. Năm 2022, được sự chỉ đạo của UBND huyện Châu Thành về việc thực hiện chủ trương của tỉnh sẽ di dời tất cả hộ dân cất nhà ở ven rạch Tây Ninh và hệ thống kênh, rạch của sông Vàm Cỏ Ðông, UBND xã đã 2 lần gửi thông báo di dời đến các hộ dân. UBND xã cũng đã tổ chức họp trực tiếp với 12 hộ dân này, qua buổi họp, các hộ dân đều thống nhất di dời.
Tuy nhiên, một số hộ không có đất trong khu dân cư nên băn khoăn về việc di dời đi đâu. Những hộ này đều khó khăn về kinh tế nên không có tiền di dời. UBND xã ghi nhận và đã báo cáo UBND huyện để xem xét. UBND xã cũng đang gặp khó khăn, đó là không còn quỹ đất công phù hợp để bố trí tái định cư, cũng không có kinh phí để hỗ trợ các hộ di dời nhà cửa. “Tôi sẽ báo cáo trực tiếp vấn đề này với lãnh đạo huyện để xem có chương trình, kế hoạch di dời nào hay không. Trên cơ sở đó, UBND xã sẽ thông báo cho các hộ dân”- ông Nguyễn Quốc Tuấn nói.
Thực tế cho thấy, việc những hộ dân cất nhà làm ăn sinh sống ven đường xuống phà Gò Chai cũ không an toàn, gây mất mỹ quan đô thị. Hầu hết những căn nhà này đều là nhà tạm, nếu gặp mưa bão sẽ dễ ảnh hưởng đến vật chất và tính mạng của người dân.
Ngoài ra, nhiều hộ gia đình xây cất các công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh, xây chuồng nuôi heo, gà, vịt sát bên đường vừa mất an toàn giao thông, ảnh hưởng vẻ mỹ quan và môi trường. Có hộ dân còn sử dụng con rạch ven đường để trồng sen cải thiện đời sống.
Việc này làm ảnh hưởng dòng chảy đối với việc lấy, tháo nước cho những cánh đồng đang canh tác lúa bên trong. Ðây là những vấn đề cần đặt ra và có hướng giải quyết dứt điểm để vừa bảo đảm cuộc sống cho 12 hộ dân, vừa trả lại môi trường sinh thái trong lành, sạch sẽ theo tiêu chí của xã nông thôn mới.
Ðại Dương