Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Do thấy mít dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, lợi nhuận cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác nên nông dân địa phương đã tận dụng tối đa diện tích đất để phát triển loại cây trồng này.
Là một trong những nông dân đi đầu trong việc phát triển mô hình trồng cây mít Thái ở địa phương, anh Lưu Thanh Tuấn (sinh năm 1968, ngụ ấp Long Hoà 2, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu) cho biết, trước đây, gia đình anh trồng hoa màu nhưng thu nhập thấp, giá cả bấp bênh.
Trăn trở cho việc tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, năm 2012, anh Tuấn mạnh dạn chuyển sang trồng 250 cây mít Thái trên 0,4 ha (4.000m2) đất quanh nhà.
Anh Tuấn cho biết, đây là giống cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 18 tháng, nhanh hơn rất nhiều so với các loại cây ăn trái khác nên dễ thu hồi vốn.
Ðặc biệt, loại mít này cho trái to, trọng lượng mỗi trái nặng từ 10-20kg, có những trái trên 20kg. Bình quân mỗi gốc mít cho khoảng 100kg/năm, và với giá bán như hiện nay, tính ra mỗi gốc mít thu về tối thiểu 400.000 đồng/năm.
Năm qua, vườn mít Thái của anh Tuấn cho thu hoạch hơn 25 tấn, nhưng bán với giá chưa đến 3.000 đồng/kg. Vậy nhưng, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi khoảng 70 triệu đồng.
Một trong những ưu điểm của mít Thái lá bàng là có thể cho trái quanh năm, nên thu nhập của người trồng khá ổn định. Hiện gia đình anh Tuấn mỗi năm thu hoạch 2 đợt trái.
Anh Tuấn cho hay, để cây mít cho trái to, tròn, đẹp, ngoài việc đầu tư, chăm sóc, anh còn tích cực tỉa cành, tỉa trái. Ðiểm đặc biệt của cây mít Thái là cho trái nhiều nên dẫn đến tình trạng cây bị nứt và chết, do đó, để cây sinh trưởng tốt, mỗi cây nên để từ 10-15 trái theo từng độ tuổi của cây.
Nhờ chọn được loại cây trồng phù hợp, không chỉ có hộ gia đình anh Tuấn, một số nông dân khác ở xã Long Chữ đã có nguồn thu nhập ổn định từ cây mít.
Do thấy mít dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, lợi nhuận cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác nên nông dân địa phương đã tận dụng tối đa diện tích đất để phát triển loại cây trồng này.
Tuy nhiên, nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ nhanh và không theo quy hoạch, không có hợp đồng tiêu thụ sẽ có nguy cơ mất giá. Vì vậy, chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm, định hướng để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Nguyễn Thiện