BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp nỗ lực vươn xa 

Cập nhật ngày: 03/05/2017 - 16:18

BTNO - Thời gian qua, có những HTX hoạt động chưa như mong muốn, nhưng cũng có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tạo lợi nhuận, thu hút được xã viên tham gia. Trong đó có không ít HTX đang nỗ lực phát triển để đưa sản phẩm tham gia thị trường, tích cực xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm.

Kinh tế tập thể được xác định là một trong những thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 ra đời cùng nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đã tạo nền tảng để các HTX phát triển ổn định.

Thời gian qua, có những HTX hoạt động chưa như mong muốn, nhưng cũng có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tạo lợi nhuận, thu hút được xã viên tham gia. Trong đó có không ít HTX đang nỗ lực phát triển để đưa sản phẩm tham gia thị trường, tích cực xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm.

Anh Bình chăm sóc đàn bò tơ của HTX.

THƯƠNG HIỆU CHO BÒ TƠ TÂY NINH

Anh Phạm Thanh Bình- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Hiệp Phát (xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng) cho biết, hiện nay HTX đang nuôi khoảng 80 con bò tơ giống sin lai bô. Mỗi tuần, HTX đưa đến lò mổ bình quân 5 con bò, bỏ mối thịt cho các điểm tại TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Tuy số lượng thịt bò của HTX đưa ra thị trường chưa nhiều, nhưng anh Bình đã thấy được tiềm năng lớn của thịt bò tơ Tây Ninh. Một con bò con được nuôi trong khoảng 5- 6 tháng có thể cho 100kg thịt. Với giá hiện nay là 140 ngàn đồng/kg, một con bò tơ thu về khoảng 14 triệu đồng.

HTX Dịch vụ chăn nuôi Hiệp Phát còn chú trọng đến việc nuôi bò sinh sản để bán con giống. HTX hiện có hơn 10 con bò đẻ, bò con giống cung ứng cho các địa phương để thực hiện chương trình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo.

Ðể mở rộng quy mô chăn nuôi, anh Bình mong muốn được đăng ký thương hiệu “Bò tơ Tây Ninh” nhằm tạo thuận lợi khi cung cấp sản phẩm cho thị trường, đồng thời không bị “nhầm lẫn” với thịt bò xuất xứ từ các tỉnh, thành khác. Mặt khác, khi HTX được đăng ký thương hiệu, sản phẩm sẽ tạo được uy tín đối với khách hàng, từ đó dễ dàng tiếp cận thị trường, sản lượng tiêu thụ nhiều hơn, thu nhập của các thành viên cũng cao hơn.

ÐẶC SẢN KHÔ CÁ LÓC PHƯỚC NINH

Bà Lê Thị Có- Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, qua hơn 10 năm hoạt động, HTX đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như cung ứng giống lúa, phân bón; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Từ đó, HTX luôn phát triển vững mạnh, có nhiều xã viên tham gia, nhiều doanh nghiệp tìm đến đặt lúa giống, lúa tím chất lượng cao, đời sống xã viên ngày càng ổn định.

Hiện nay, bà Có mong muốn phát triển nghề nuôi cá lóc ở xã Phước Ninh. Bởi vụ vừa qua, giá cá xuống thấp, người nuôi gặp không ít khó khăn. Bà Có cho biết, HTX đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cá lóc cho người nuôi, với giá luôn cao hơn giá thị trường từ 2- 3 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, xã Phước Ninh nằm gần hồ Dầu Tiếng, thuận lợi cho việc phát triển nghề cá hơn các địa phương khác.

Ðể phát triển bền vững, HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh tính đến chuyện sản xuất sản phẩm từ cá lóc như khô cá lóc, khô cá lóc muối sả... đưa ra thị trường. HTX đang tìm doanh nghiệp liên kết, đồng thời tìm ao nuôi cá thí điểm cho nông dân tham khảo. Hiện HTX đang đề xuất chính quyền giao 1 cái bàu trên địa bàn xã để triển khai mô hình. Theo đó, cá lóc được nuôi trong vèo, bên ngoài thả thêm cá tạp. Thức ăn thừa của cá lóc sẽ cung cấp cho cá tạp ăn. Sau khi thu hoạch, cá lóc được chế biến thành khô, còn cá tạp được chế biến thành cá xay.

Bà Có cho rằng, nếu mọi việc thuận lợi, trong thời gian tới, HTX Phước Ninh sẽ có sản phẩm đưa ra thị trường. Khi đó, HTX sẽ tiến tới đăng ký nhãn hiệu.

TẠO ÐIỀU KIỆN CHO CÁC HTX PHÁT TRIỂN

Vừa qua, tại cuộc đối thoại của UBND tỉnh với các HTX, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác và quỹ tín dụng nhân dân khắc phục những khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Ðối với mong muốn của HTX dịch vụ chăn nuôi Hiệp Phát, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết sẽ tư vấn và hướng dẫn HTX về đăng ký thương hiệu; xây dựng đề án/dự án thương hiệu “Bò tơ Tây Ninh”.

Riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh, lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu cho biết sẽ tiến hành các thủ tục để giao diện tích khu đất bàu cho HTX triển khai sản xuất trong thời gian tới.

Hy vọng những hoài bão vươn xa của HTX dịch vụ chăn nuôi Hiệp Phát, HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh và nhiều HTX khác nữa sẽ thành hiện thực, đưa kinh tế tập thể của tỉnh nhà ngày càng phát triển.

THIÊN TÂM