Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường:
Nhiều kết quả tích cực
Thứ tư: 00:07 ngày 14/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tham gia thực hiện...

Xe thu gom rác trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Báo cáo kết quả thực hiện kết luận chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND khoá X nhiệm kỳ 2021-2026, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhằm từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của toàn dân trong công tác thu gom, phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải tại nguồn, thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về đăng ký thu gom, xử lý rác thải hoặc cam kết xử lý rác thải theo đúng các quy định.

Sở phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai mô hình về phân loại rác thải tại nguồn cho các hộ dân tại khu vực phường IV (thành phố Tây Ninh); phối hợp UBMTTQ Việt Nam tỉnh tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường tại các xã trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Ngoài ra, ký liên tịch với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương để tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực xây dựng mô hình, thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Sau thời gian thực hiện, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai nhiều mô hình điểm dân cư tự quản về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các khu dân cư và tổ chức tôn giáo như: Hội Nông dân thực hiện mô hình “Lò đốt rác thải thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng”; “Tổ dân cư tự quản thực hiện môi trường xanh, sạch, đẹp”; “Khu dân cư không có rác thải”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các huyện, thành phố thực hiện mô hình “Tổ phụ nữ xách giỏ đi chợ”; “Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông”; “Tổ phụ nữ thu gom rác”; “Chuyển rác thành tiền, gom rác gây quỹ”; “Tổ phụ nữ không rác”; Hội Cựu chiến binh thực hiện mô hình “Nhà ở cựu chiến binh xanh, sạch, đẹp”...

Các mô hình nêu trên đã và đang đạt kết quả tích cực góp phần quan trọng vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên lựa chọn các mô hình hiệu quả để nhân rộng ở các địa phương; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá nhằm tăng cường các nguồn lực cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 262 cơ sở. Kết quả đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 13 tổ chức và 14 cá nhân, với tổng số tiền 2.286.500.000 đồng.

Sở cũng phối hợp Ban Quản lý Khu Kinh tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra tình hình vận hành các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục đối với 16 đơn vị trong và ngoài khu công nghiệp (17 trạm nước và 10 trạm khí), đến nay hầu hết các đơn vị đã khắc phục các tồn tại trong việc vận hành các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục.

Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch về tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát đối với các đối tượng: doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10.1.2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải lớn, thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục; doanh nghiệp theo phản ánh, khiếu nại về bảo vệ môi trường của người dân, đường dây nóng, phương tiện thông tin truyền thông.

Trong phối hợp với các địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ nhu cầu tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, đơn vị tiếp tục phối hợp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 24.8.2021 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, ban hành hướng dẫn các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn giai đoạn 2021-2025. Nhìn chung, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tham gia thực hiện như: mỗi xã xây dựng điểm lưu giữ rác tạm thời (trạm trung chuyển rác), mỗi ấp bố trí các thùng chứa rác để người dân có nơi đổ rác và thành lập tổ để thường xuyên vệ sinh môi trường, giám sát về xả rác thải của dân cư...

Hiện nay, ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các địa phương: thành phố Tây Ninh, Gò Dầu, Trảng Bàng, Châu Thành, Hoà Thành.

Tiếp tục phối hợp với huyện Dương Minh Châu và huyện Bến Cầu hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải từ các hộ dân để đưa công trình vào hoạt động. Sở đăng ký danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải tại các đô thị còn lại trong thời gian tới. Việc đưa các công trình xử lý nước thải đô thị đi vào hoạt động sẽ góp phần cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục